Hà Nội cần hoàn thiện đầu tư sản phẩm và hạ tầng du lịch để thu hút khách
19:09 | 13/03/2019
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Sáng 13/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải chủ trì làm việc với Sở Du lịch về kết quả thực hiện nhiệm vụ 2018, 2 tháng đầu năm 2019 và nhiệm vụ phát triển du lịch Thủ đô trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải, năm 2018, du lịch Thủ đô tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí là ngành kinh tế lớn có tốc độ tăng trưởng ổn định, quy mô hoạt động ngày càng mở rộng, đóng góp hiệu quả vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố. Chỉ riêng năm 2018, Thành phố đón 26,31 triệu lượt khách (tăng 10,4%); công suất sử dụng buồng phòng bình quân của cơ sở lưu trú, khách sạn đạt 64,86% (tăng 2,58 %).
Tổng thu từ khách du lịch đạt 77.480 tỷ đồng (tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước). Năm 2018, Hà Nội là 1/8 điểm đến cho mọi đối tượng du khách do tạp chí TIME của Mỹ bình chọn; Hà Nội cũng là 1 trong Top 10 thành phố Đông Nam Á thu hút khách du lịch công tác nhiều nhất do Mastercard bình chọn. Bên cạnh đó, trong 2 tháng đầu năm 2019, ước tính khách du lịch đến Hà Nội đạt 4.867.914 lượt khách (tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 17.318 tỷ đồng (tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước).
Năm 2019, ngành du lịch Hà Nội phấn đấu thu hút trên 28,9 triệu lượt khách, tăng 10,1% so với năm 2018; trong đó khách quốc tế đạt trên 7 triệu lượt khách, tăng 17%; tổng thu từ khách du lịch đạt 103.807 tỷ đồng, tăng 34%. Hiện Hà Nội có 3.498 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 60.812 buồng phòng, trong đó tổng số cơ sở lưu trú du lịch đã xếp hạng đang hoạt động trên địa bàn là 561 cơ sở.
Đánh giá về kết quả này, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải biểu dương, đánh giá cao nỗ lực và kết quả mà Sở Du lịch cũng như ngành du lịch Thành phố đạt được trong những năm qua. Nhất là từ năm 2015 trở lại đây khi Sở Du lịch được tái lập thì du lịch Thủ đô có nhiều bứt phá ấn tượng.
Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy cũng cho rằng, tăng trưởng du lịch Thủ đô còn chưa đáp ứng với tiềm năng, lợi thế vốn có; cơ sở vật chất phục vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu; quy mô doanh nghiệp du lịch còn nhỏ; công tác tuyên truyền, quảng bá còn hạn chế; còn xảy ra một số vụ việc ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Thủ đô... Từ đó, Bí thư Thành ủy đề nghị, phải gắn phát triển du lịch với thực hiện nghiêm túc 2 bộ Quy tắc ứng xử của Thành phố.
“Tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch Thành phố còn rất lớn. Từng địa phương, lĩnh vực, ngành nghề đều có thể phát triển du lịch được. Vì vậy, Sở Du lịch cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước, xuống tận cơ sở nghiên cứu tiềm năng, lợi thế của từng điểm đến. Các quận, huyện cũng phải rà soát kỹ và cùng vào cuộc với ngành du lịch”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Ngoài ra,Bí thư Thành ủy yêu cầu sở cần có giải pháp nâng cao năng lực cho các DN du lịch trong nước để làm chủ được thị trường. Tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác du lịch, nhất là hướng dẫn viên. Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường quảng bá, thực hiện các dịch vụ du lịch qua mạng.
Bí thư Thành ủy cũng đề nghị, Ban Chỉ đạo Chương trình 04 tập trung chỉ đạo, đôn đốc tiến độ các công trình, dự án trọng điểm về phát triển du lịch. Tập trung rà soát 15 điểm du lịch trọng điểm của Thành phố từ vệ sinh môi trường, giao thông, hạ tầng, dịch vụ để nâng cao chất lượng hoạt động, phục vụ khách du lịch được tốt hơn. Bởi muốn phát triển du lịch trước hết phải quan tâm đến bảo vệ môi trường. Do vậy, phải đẩy mạnh trồng hoa, cây xanh để tạo cảnh quan; xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch. Các cơ quan Thành phố, trong đó có ngành du lịch phải tuyên truyền, vận động mạnh mẽ hơn để mỗi người dân Hà Nội có ý thức là chủ nhà của một thành phố du lịch để chung tay, góp sức phát triển du lịch Thủ đô.