Hà Nội phản hồi về kiến nghị cho phép nâng tầng nhà ở riêng lẻ
Vừa qua, cử tri đề nghị thành phố Hà Nội xem xét kiến nghị với Chính phủ cho phép điều chỉnh chiều cao tầng đối với công trình nhà ở riêng lẻ tại các khu nhà ở hiện có (nằm ngoài khu vực bảo tồn, khu vực di tích lịch sử - văn hóa, phù hợp về mục đích sử dụng đất theo quy hoạch phân khu) để tạo điều kiện cho các hộ gia đình đang gặp khó khăn về nhà ở.
Trả lời kiến nghị của cử tri, UBND thành phố Hà Nội cho biết, chiều cao của các công trình nhà ở riêng lẻ trên địa bàn thành phố được xác định trên cơ sở chỉ tiêu khống chế của quy hoạch khu vực, phù hợp với quy chuẩn xây dựng Việt Nam, tiêu chuẩn thiết kế chuyên ngành. Theo đó, tầng cao công trình nhà ở riêng lẻ được xác định cao không quá 6 tầng.
Tại một số khu vực đặc thù như khu vực vành đai xanh sông Nhuệ (trong đó có một phần diện tích của quận Bắc Từ Liêm), theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, được định hướng mật độ xây dựng thấp, công trình xây dựng thấp tầng, tăng tỷ lệ cây xanh.
Cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, UBND thành phố đã phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị GS tỷ lệ 1/5000 tại Quyết định số 3976/QĐ-UBND ngày 13/8/2015, theo đó, tầng cao công trình trong quy hoạch phân khu GS chủ yếu được xác định cao không quá 3 tầng. Riêng các khu vực đất chức năng ở làng xóm, dân cư hiện có (xây dựng nhà ở riêng lẻ) đã được cho phép xây dựng công trình cao đến 5 tầng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu về diện tích nhà ở của người dân cũng như không làm ảnh hưởng đến định hướng của quy hoạch chung tại khu vực.
Vì vậy, với kiến nghị của cử tri, trong các trường hợp cụ thể, UBND thành phố sẽ xem xét giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc nghiên cứu về chỉ tiêu tầng cao cụ thể của nhà ở riêng lẻ trên nguyên tắc bảo đảm quyền lợi của người dân cũng như đáp ứng được định hướng chung của quy hoạch thành phố, tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, bảo đảm mỹ quan đô thị.
Nhiều công trình lớn vi phạm trật tự xây dựng nhưng không được phát hiện
Ngày 3/11, tại phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực xã hội của Quốc hội, đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Xây dựng; đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn nêu, qua tiếp xúc, cử tri phản ánh rằng, người dân sửa chữa nhà trong ngõ sâu nhưng Thanh tra xây dựng vẫn nắm được. Ngược lại, có những công trình sai phạm lớn, nằm ngay ở mặt đường nhưng lực lượng chức năng lại không phát hiện ra.
"Liệu có tham nhũng, tiêu cực trong trường hợp này? Ngoài trách nhiệm của địa phương, với trách nhiệm quản lý, Bộ trưởng có những giải pháp nào để xử lý nghiêm việc này?”, bà Thủy đặt vấn đề.
Cùng quan tâm về vấn đề này, Đại biểu Trình Lam Sinh - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho biết, hiện nay có tình trạng vi phạm như xây dựng không phép, sai phép, xây nhà trên đất nông nghiệp, đất không được phép xây dựng; vài vụ việc được xử lý khá nhanh, tuy nhiên một số vụ lại xử lý khá chậm gây bức xúc trong dư luận.
Bên cạnh đó, việc nâng cấp đường cao hơn nền nhà dân diễn ra ở nhiều nơi, nhất là trong các đô thị, ảnh hưởng đến sinh hoạt, kinh doanh, gây tốn kém trong việc sửa chữa và làm mất mỹ quan đô thị khi xuất hiện những dãy nhà thấp hơn mặt đường, có khi là hơn cả mét. Đại biểu Trình Lam Sinh đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết ý kiến về hai vấn đề này và giải pháp khắc phục.
Trả lời về các vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, việc xử lý vi phạm hành chính có quy định tương đối đầy đủ và đảm bảo việc xử lý, có chế tài rõ. Bộ Xây dựng sẽ có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, triển khai thực hiện các văn bản pháp luật, cũng như điều chỉnh, rà soát, bổ sung và hướng dẫn địa phương thực hiện nghiêm. “Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ giám sát chặt chẽ, đánh giá tính khả thi của luật và hướng dẫn các địa phương quản lý tốt hơn đối với hoạt động xây dựng”, ông Nghị cam kết.
Về số liệu, ông Nghị cho biết, số lượng công trình sai phép, không phép giảm theo từng năm. Cụ thể, năm 2020 chiếm 23,8% thì năm 2021 là 13,4% và 6 tháng đầu năm 2022 là 7,1%.
Dù vậy, người đứng đầu Bộ Xây dựng thừa nhận tình trạng vi phạm trật tự xây dựng dù giảm nhưng vẫn còn phức tạp. Việc phát hiện có thời điểm, có trường hợp chưa kịp thời, xử phạt chưa nghiêm khắc, triệt để.
Do đó, thời gian tới, Bộ cùng các cơ quan thẩm quyền sẽ tập trung hoàn thiện pháp luật về xử phạt vi phạm trong xây dựng. Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị các địa phương bổ sung ngân sách để thực hiện quy hoạch cũng như thẩm định, cấp giấy phép xây dựng làm cơ sở để quản lý các công trình trên địa bàn.
Các địa phương đồng thời phải tăng cường trách nhiệm trong quản lý, thanh tra, xử lý nghiêm cán bộ công chức phát hiện sai phạm nhưng không xử lý hay xử lý không triệt để. Bộ trưởng cũng cho biết, cần tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật để người dân và các chủ thể chấp hành nghiêm túc.