Hà Nội sẽ rà soát, xử lý loạt dự án trên 'đất vàng' bỏ hoang

Đông Bắc 18:00 | 13/10/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nhằm xử lý thực trạng nhiều dự án rầm rộ khởi công, xong lại quây tôn kín mít... UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các ban, ngành liên quan vào cuộc rà soát, thu hồi.

Theo kết quả giám sát của HĐND TP Hà Nội, đến nay trên địa bàn thành phố có 379 dự án chậm triển khai tại khắp các quận, huyện. Trong đó có không ít các dự án “treo” từ thập niên này sang thập niên khác ngay tại các địa bàn, trục đường trung tâm được xem là “đất vàng”.

Một trong những Dự án “tai tiếng”, “treo” dài trên địa bàn Hà Nội là Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Năm 2004, UBND TP Hà Nội quyết định thu hồi khoảng 35ha đất tại các phường Tương Mai, Hoàng Văn Thụ, Thịnh Liệt thuộc quận Hoàng Mai và giao cho Licogi làm chủ đầu tư, để tổ chức điều tra, lập phương án giải phóng mặt bằng, chuẩn bị triển khai dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt.

Theo kế hoạch, dự án được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn 1 dự kiến kết thúc vào cuối năm 2008 với các công việc như giải phóng mặt bằng, xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, xây thô nhà vườn, cụm chung cư phục vụ tái định cư…Giai đoạn 2 là tiến hành xây dựng nhà cao tầng, cụm nhà biệt thự.

Theo kế hoạch, dự án sẽ kết thúc vào năm 2011. Tuy nhiên, sau 18 năm dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt vẫn "án binh bất động", với nguyên nhân là chậm giải phóng mặt bằng (GPMB), khiến hàng trăm hộ dân trong diện bị thu hồi đất phải sống trong điều kiện thiếu thốn như không điện, không nước sạch, không hộ khẩu...

  Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội bỏ hoang nhiều năm. Ảnh TP.

Ngoài ra còn có những dự án "treo" có thể kể đến như Dự án xây dựng nhà ở và văn phòng làm việc (diện tích 13.000m2) tại phường Yên Phụ do Công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng IDC (khởi công năm 1999); Dự án Trấn Sông Hồng-Song Hong City (60.000m2- địa bàn hai phường Phúc Xá - quận Ba Đình và Yên Phụ - quận Tây Hồ) do Công ty đầu tư phát triển nhà Hà Nội liên doanh với nước ngoài để xây dựng và kinh doanh nhà ở, Văn phòng thương mại, khách sạn (khởi công năm 1995); Dự án xây dựng Bến xe Yên Sở tại quận Hoàng Mai.

Theo Quyết định năm 2016 của UBND thành phố Hà Nội, việc xây dựng Bến xe Yên Sở (với diện tích khoảng 3,5 ha) sẽ hoàn thành trong năm 2018. Tuy nhiên, quá thời hạn hoàn thành, Bến xe Yên Sở vẫn là bãi đất hoang, quây tôn kín mít.

Nhằm xử lý thực trạng dự án treo trên địa bàn, UBND Thành phố Hà Nội đã nhiều lần có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan quyết liệt vào cuộc đôn đốc, gỡ vướng. Tuy nhiên, trên thực tế việc xử lý, thu hồi các dự án này diễn ra vẫn rất chậm chạp.

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội về tiến độ xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố (7/2022), Tổ công tác liên ngành và UBND các quận, huyện, thị xã kiến nghị UBND thành phố Hà Nội thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất; chấm dứt hoạt động đối với 8 dự án với tổng diện tích 34,4 ha. Nâng tổng số dự án xử lý đến nay là 37 dự án, với diện tích trên 1.800 ha.

Ngoài ra, các quận, huyện, thị xã còn bổ sung dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai, dự án vi phạm và tiếp tục đề xuất, kiến nghị xử lý đối với 173 dự án. Trong số này có 53 dự án đã có quyết định chủ trương, nhưng đến nay đã quá tiến độ thực hiện dự án nhưng chưa được nhà nước giao đất, cho thuê đất…

Kiên quyết thu hồi, xử lý nhà, đất không sử dụng, sử dụng không đúng quy định

 Kế hoạch số 258/KH-UBND của UBND TP Hà Nội triển khai Nghị quyết của HĐND thành phố  về việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, trong đó có nội dung kiên quyết thu hồi, xử lý theo quy định diện tích nhà, đất không sử dụng, sử dụng không đúng quy định, sử dụng kém hiệu quả, nợ nghĩa vụ tài chính về nhà, đất kéo dài để tránh lãng phí….

 Mục đích là hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách về quản lý, sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển; phòng, chống thất thoát, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xây dựng, cập nhật đầy đủ, khoa học cơ sở dữ liệu về tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của thành phố; xử lý, khắc phục dứt điểm các tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng quỹ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước.

 Dự án khu trung tâm điều hành và giao dịch Vicem đã hoàn thiện phần thô xong nhiều năm nay vẫn không có tiến triển gì thêm. Ảnh: vietnamfinance. 

Thành phố yêu cầu rà soát, ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng nhà , đất thuộc sở hữu nhà nước của thành phố theo thẩm quyền, bảo đảm quản lý đồng bộ, chặt chẽ, sử dụng hiệu quả, khắc phục tình trạng thiếu sót, bất cập hoặc chồng chéo trong phân công, phối hợp giữa các cơ quan quản lý. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh và hoàn thiện cơ chế phân cấp, ủy quyền nhằm phân định rõ nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, ngành, người đứng đầu; tăng cường phối hợp giữa các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và doanh nghiệp trong công tác quản lý tài sản công.

Cùng với đó là rà soát, thống kê tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của thành phố làm cơ sở quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ pháp lý về nhà, đất đối với các cơ sở nhà, đất; khẩn trương hoàn thành rà soát, lập và phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi quản lý của thành phố.

Đáng chú ý, thành phố yêu cầu thu hồi để xử lý theo quy định các diện tích nhà, đất không sử dụng, sử dụng không đúng quy định, sử dụng kém hiệu quả, nợ nghĩa vụ tài chính về nhà, đất kéo dài và lập phương án sử dụng hiệu quả nhà, đất đã thu hồi; phân loại, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm (nợ đọng tiền thuê, bị chiếm dụng hoặc tự bố trí cho thuê trái phép, vi phạm trật tự xây dựng, có tranh chấp, khiếu kiện về quyền sử dụng, sở hữu...).

Giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan; chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ được giao, xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao theo kế hoạch này.

UBMTTQ thành phố Hà Nội, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể quần chúng và nhân dân tham gia giám sát công tác quản lý, sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của thành phố theo quy định.

 

TP Hà Nội cũng đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra, chỉ đạo xử lý sau thanh tra đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất, chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai.

Đoàn kiểm tra có sự tham gia của các sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch - Kiến trúc, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Thanh tra, Cục Thuế, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã.

Để ngăn chặn tình trạng dự án chậm triển khai, GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng bên cạnh việc thu hồi cần có chế tài mạnh hơn để xử phạt các chủ đầu tư. "Tốt nhất nên xử phạt thật nặng đối với chủ đầu tư, chậm một năm phạt 25% tiền sử dụng đất phải nộp, như vậy chủ đầu tư sẽ phải có cách giải quyết đối với dự án".

Cũng theo GS Đặng Hùng Võ, cần lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực tài chính để giao đất. Cơ sở để đánh giá năng lực tài chính là báo cáo kiểm toán nội bộ, báo cáo tài chính trong vòng 3 năm gần nhất. Bên cạnh đó, cũng cần gắn trách nhiệm của địa phương nếu trên địa bàn có dự án chậm tiến độ nhưng sau nhiều năm không kiến nghị thu hồi theo quy định.