Hà Nội thanh rà soát các dự án “treo”, chậm làm sổ đỏ
UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 3195/UBND-TNMT về tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn Thành phố. Văn bản nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND TP Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chủ trì, phối hợp với sở, ngành, đơn vị liên quan rà soát, tổ chức thực hiện các nội dung:
Tham gia hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai; lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; xây dựng, vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai và thực hiện cung cấp dịch vụ công về đất đai; cải cách thủ tục hành chính công tác đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; thực hiện điều tra, đánh giá đất đai; thanh tra, kiểm tra đối với công tác quản lý, sử dụng đất.
Chấn chỉnh công tác đăng ký, cấp giấy chứng nhận; rà soát, thống kê đầy đủ các trường hợp còn tồn đọng chưa đăng ký đất đai, chưa cấp giấy chứng nhận, làm rõ nguyên nhân và có kế hoạch, biện pháp cụ thể giải quyết dứt điểm trường hợp tồn đọng; làm rõ trách nhiệm và xử lý vi phạm đối với cán bộ, người có trách nhiệm nếu chậm giải quyết hồ sơ đã tiếp nhận... Tổ chức thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm trường hợp san ủi đồi núi, san lấp hồ ao, bờ sông, bờ suối… để phân lô, bán nền; xây dựng trên đất nông nghiệp trái quy định.
Đồng thời, thanh tra, kiểm tra, rà soát những dự án có sử dụng đất, không hoặc chậm đưa đất vào sử dụng; dự án chậm làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua nhà ở.
Các vi phạm đối với việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, công trình dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận việc chuyển mục đích; Thanh tra, kiểm tra vi phạm trong việc tách thửa, phân lô, bán nền làm phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng đến thị trường bất động sản; công tác xác định giá đất; công tác thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn.
Chấn chỉnh, tổ chức sắp xếp, bố trí hợp lý công tác tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân; không để tình trạng quá tải, kéo dài thời gian tiếp nhận, giải quyết hồ sơ làm phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu, gây bức xúc trong Nhân dân; rà soát, tham mưu sửa đổi, bãi bỏ các thủ tục không hợp lý, kéo dài thời gian thực hiện, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch đất đai. Rà soát, tham mưu sửa đổi, bãi bỏ các thủ tục không hợp lý, kéo dài thời gian thực hiện, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch về đất đai.
TP Hà Nội cũng yêu cầu tổ chức thanh tra, kiểm tra toàn diện đối với diện tích đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường bàn giao về địa phương quản lý còn khó khăn, vướng mắc trong việc giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tổng hợp đề xuất báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Cục Thuế Thành phố tham mưu UBND TP Hà Nội bảo đảm dành tối thiểu 10% tổng số thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hằng năm cho việc đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và vận hành hệ thống thông tin đất đai. Trước mắt, ưu tiên bố trí cho hoạt động quản lý, xây dựng, nâng cấp, duy trì, vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai.
Kiên quyết thu hồi dự án chậm tiến độ, dự án "treo"
Trước đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện rà soát quy hoạch, kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi; rà soát các dự án để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng "dự án treo"; xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, công khai quy hoạch và kế hoạch thực hiện theo đúng quy định.
Công văn số 4358/VPCP-CN ngày 13/7/2022 nêu rõ, thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 59/2018/QH14 ngày 16/6/2018 của Quốc hội về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019 về thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019 về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.
Để khắc phục tình trạng "quy hoạch treo", "dự án treo", ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Xây dựng sửa đổi, trong đó có mục tiêu phát huy hiệu quả, giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Để triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế liên quan đến vấn đề "quy hoạch treo", "dự án treo" nêu trên, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường, phối hợp đồng bộ.
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện rà soát quy hoạch, kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi; rà soát các dự án để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng "dự án treo"; xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, công khai quy hoạch và kế hoạch thực hiện theo đúng quy định.
Lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm, trong đó có lĩnh vực đầu tư phát triển đô thị, hạ tầng đô thị; xây dựng chương trình đô thị, khu vực phát triển đô thị và kiểm soát chặt chẽ tốc độ, chất lượng phát triển đô thị; kịp thời xử lý các vi phạm trong việc thực hiện quy hoạch và tăng cường việc giám sát của người dân, cơ quan dân cử, của đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp trong quá trình lập và thực hiện quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành, địa phương rà soát các dự án để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ, cũng như kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ. Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nâng cao chất lượng công tác thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án nhằm phát huy hiệu quả, giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.