Hà Tĩnh: Tại sao doanh nghiệp khó tuyển dụng trong khi lao động dồi dào?

19:00 | 23/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sự trở về của nhiều lao động từ phía Nam lần này được nhìn nhận có thể sẽ tạo ra nguồn nhân lực đáng kể, nhất là những lao động có tay nghề cao cho các doanh nghiệp. Thế nhưng, những lao động hồi hương ấy dường như vẫn không mặn mà với doanh nghiệp trong tỉnh.

Khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, hàng vạn lao động các tỉnh miền Trung lũ lượt rời các tỉnh phía Nam hồi hương tránh dịch, trong đó có hàng ngàn lao động Hà Tĩnh.

Nghịch lý giữa cung và cầu

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay Hà Tĩnh có khoảng 30.000 lao động hồi hương, tính từ tháng 6 đến thời điểm bây giờ có hơn 18.000 lao động ở các tỉnh, thành về quê tránh dịch COVID-19, chủ yếu ở các tỉnh phía nam. Lao động chủ yếu từ các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất chiếm tỷ lệ khá lớn. Điều này mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trên địa bàn trong việc thu hút nguồn lao động lành nghề.

Ngành dệt may tại Hà Tĩnh là ngành nghề thường xuyên thiếu hụt lao động. Hơn nữa, dịch bệnh COVID-19 khiến cho chuỗi sản xuất ở các doanh nghiệp phía Nam bị gián đoạn. Nhiều đối tác chuyển hướng vào các tỉnh miền Trung, trong đó có Hà Tĩnh điều đó đồng nghĩa với số lượng đơn hàng tăng lên. Trước áp lực công việc, nhiều doanh nghiệp đã chủ động đón số lượng lao động từ các tỉnh miền Nam hồi hương. Nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp lớn tuy nhiên số lượng người tham gia tuyển dụng còn rất thấp. Trong đợt 1, Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh có nhu cầu tuyển dụng gần 900 lao động. Thế nhưng, sau khi tuyển dụng lao động tại 7 huyện gần nơi đóng chân của công ty thì đơn vị chỉ tuyển được rất ít lao động.

Lao động chủ yếu từ các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất chiếm tỷ lệ khá lớn

Đại diện công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh – Ông Lưu Toàn Thắng cho biết: “Sau khi sàng lọc hơn 1.700 lao động hồi hương thì có khoảng 58% là lao động trong diện công ty có thể tuyển dụng, thế nhưng hơn một nửa trong đó là phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ, lao động tự do, sinh viên và những người không có nhu cầu làm việc tại doanh nghiệp. Với 7 huyện xung quanh thị xã Hồng Lĩnh, công ty chỉ mới tuyển được 3 lao động, trong đó 2 lao động phổ thông và 1 lao động có tay nghề".

Cùng chung hoàn cảnh, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh có nhu cầu tuyển dụng lớn, đa dạng ngành nghề như: Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, Công ty may Haivina Hồng Lĩnh, Công ty CP may xuất khẩu MTV, Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn, Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh…cũng rất khó tuyển dụng lao động.

Doanh nghiệp thiếu vẫn cứ thiếu trong khi nhân lực thừa vẫn cứ thừa bởi đa phần những lao động vừa về quê tránh dịch không mặn mà gì với công việc ở Hà Tĩnh mà vẫn mong dịch bệnh qua nhanh, quay lại nơi đất khách quê người để mưu sinh.

Theo anh Nam (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh), một công nhân vừa về từ tỉnh Bình Dương cho biết, mức lương trong các doanh nghiệp ở Hà Tĩnh thấp hơn nhiều so với các tỉnh phía Nam. mức lương anh làm việc tại công ty dệt may ở Bình Dương từ 11 – 12 triệu đồng, trừ chi phí anh cũng tích trữ được khoảng 5 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu làm việc tại doanh nghiệp dệt may tại Hà Tĩnh thì mức lương anh nhận được chỉ từ 3,5 – 6 triệu đồng.

Mức lương thấp chính là lực cản khiến công nhân hồi hương không tha thiết với các doanh nghiệp nội tỉnh. Hiện mức lương tại các doanh nghiệp dệt may ở Hà Tĩnh chỉ bằng 1/2, thậm chí 1/3 so mức lương của các doanh nghiệp dệt may ở các tỉnh miền Nam chi trả thì việc lao động không muốn làm việc ở quê nhà là điều dễ hiểu. Ngoài mức lương thấp, một trong những lý do khiến ngành dệt may không thể thu hút được nguồn nhân lực này là các khu, cụm công nghiệp tại Hà Tĩnh cũng chưa hình thành được chuỗi dịch vụ phục vụ đời sống sinh hoạt cho công nhân đã khiến người lao động bỏ việc hoặc chuyển việc.

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hà Tĩnh, hiện trên địa bàn tỉnh có 63 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển gần 2.300 lao động, trong đó, lao động phổ thông chiếm 70%.

Làm sao để níu giữ được người lao động

Theo khảo sát trong 18.000 lao động hồi hương vừa qua có khoảng 6.500 lao động có nhu cầu ổn định việc làm trên địa bàn. Tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh nắm bắt nhu cầu và có phương án đào tạo, chuyển đổi nghề cho lực lượng lao động này. Trong chiến lược chung của tỉnh đang tập trung phát triển doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất để thu hút và mời gọi con em Hà Tĩnh đang làm việc ở các tỉnh thành khác về làm việc tại các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Ông Nguyễn Trí Lạc, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh cho rằng, các vấn đề phúc lợi cho công nhân ở các khu công nghiệp miền Nam đều được chuyên nghiệp hóa, vì vậy tính cạnh tranh trong lao động khá cao, buộc các doanh nghiệp phải chạy đua để thu hút công nhân. Trong khi ngành dệt may ở Hà Tĩnh còn khá non trẻ, số lượng doanh nghiệp còn ít nên chưa có tính cạnh tranh.

Các doanh nghiệp dệt may Hà Tĩnh chi trả chỉ trên mức lương tối thiểu

Điểm mấu chốt khiến doanh nghiệp khó tuyển dụng được số lao động theo nhu cầu là vấn đề tiền lương. Nhu cầu lao động của doanh nghiệp dệt may rất lớn, tuy nhiên đây cũng là ngành nằm trong nhóm chi trả tiền lương thấp. Đặc biệt, tiền lương mà các doanh nghiệp dệt may Hà Tĩnh chi trả chỉ trên mức lương tối thiểu vùng dao động từ 3,5 - 3,7 triệu đồng/tháng, tính thêm các khoản phụ cấp thì tổng tiền lương mà lao động nhận được là 4,5 - 5 triệu đồng/tháng. Vì vây, để giữ chân được người lao động, bên cạnh đảm bảo chế độ lương, thưởng công bằng và hợp lý thì các doanh nghiệp cũng cần đảm bảo vấn đề an sinh xã hội như thành lập các tuyến xe đưa đón công nhân, hỗ trợ tiền ăn trưa, xăng xe nhằm chia sẻ khó khăn cho người lao động.

Ông Lạc cho biết: “Thời gian tới, tỉnh đang có kế hoạch đẩy mạnh thu hút đầu tư, thực hiện các công trình, dự án trọng điểm để người lao động trở về quê hương làm việc; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng lao động, giải quyết việc làm cho con em Hà Tĩnh, tạo điều kiện để doanh nghiệp xây dựng ký túc xá, nhà trẻ, nhà văn hóa công nhân…".

Xem thêm: Trở lại TP.HCM, người lao động cần những điều kiện gì?