Nghệ An: Kết nối doanh nghiệp hỗ trợ việc làm cho người lao động từ miền Nam về quê tránh dịch

07:00 | 20/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hàng ngàn lao động từ nhiều tỉnh, thành miền Nam về quê do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang tạo áp lực về nhiều mặt đối với các địa phương ở Nghệ An, đặc biệt là một số huyện miền núi. Để giải tỏa áp lực này, các địa phương đã lên kế hoạch dần tạo sinh kế cho những lao động để từ áp lực tạo thành động lực phát triển kinh tế, xã hội.

Biến áp lực trở thành nguồn lực

Qua tìm hiểu được biết, tính từ ngày cuối tháng 4 đến nay, huyện biên giới Kỳ Sơn đã có khoảng trên 7.000 người, chủ yếu là con em đồng bào Thái, Mông, Khơ Mú trở về từ các tỉnh, thành phía Nam. Do đó, việc chăm lo đời sống, giải quyết việc làm cho bà con là bài toán nan giải cho cấp ủy, chính quyền nơi đây.

Theo ông Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Kỳ Sơn, không nên coi 7.000 người trở về là gánh nặng mà là nguồn nhân lực góp phần phát triển địa phương. Nguồn lao động này đã làm việc trong các doanh nghiệp, có tay nghề nên, có nhiều kinh nghiệm.

Trước mắt, huyện Kỳ Sơn sẽ làm việc với các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thu nhận để họ có thu nhập. Cùng với đó, sẽ kêu gọi đầu tư thêm xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao như ở xã Na Ngoi để thu hút một lượng lao động vào làm việc.

Ngoài ra, UBND huyện tiếp tục mở rộng diện tích ruộng nước để bà con có đất sản xuất. Đồng thời, khôi phục lại nhiều diện tích chè lâu nay bị bỏ hoang, xây dựng các hợp tác xã chè để thu hút bà con tham gia. Địa phương kêu gọi tài trợ cây, con giống để những hộ nghèo trở về từ vùng dịch phát triển sản xuất. Đề án sẽ được tiến hành trên 7 xã, trước mắt chọn xã Huồi Tụ và Mường Lống để làm thí điểm.

Hàng ngàn lao động từ nhiều tỉnh, thành miền Nam về quê do ảnh hưởng của dịch Covid-19

Xã Tiền Phong là địa phương cửa ngõ của huyện miền núi Quế Phong. Xã có 1.200 lao động ngoài tỉnh, trong đó có trên 300 người đã trở về vì dịch. Người lao động về, công ăn việc làm không có, chỉ trông chờ vào ruộng nương ít ỏi không tạo ra thu nhập hàng ngày khiến cho cuộc sống càng khốn khó.

Đến thời điểm này, huyện biên giới Quế Phong, tỉnh Nghệ An có 7.000 lao động làm ăn xa, trong đó, đã có trên 2.000 người hồi hương. Đây là nguồn lực nhưng cũng là áp lực cho địa phương trong bối cảnh dịch Covid-19. Bởi huyện Quế Phong tiếp giáp với nước bạn Lào, kinh tế còn khó khăn, nạn vận chuyển, buôn bán ma túy vẫn còn phức tạp.

Ông Võ Khánh Toàn, Chủ tịch UBND xã Tiền Phong chia sẻ: “Xã Tiền Phong đã cử ra 1 bộ phận chuyên tiếp nhận hồ sơ thông tin cá nhân, tổng hợp dữ liệu về người lao động để họ tìm kiếm việc làm sau này. Địa phương cũng liên lạc động viên con em của mình đang làm việc trong miền Nam cố gắng ở lại để làm khi doanh nghiệp hoạt động trở lại. Hồ sơ việc làm của con em nếu còn thiếu thủ tục gì thì UBND xã sẽ bổ sung gửi vào. Đối với lao động đã hồi hương, chính quyền sẽ liên hệ với doanh nghiệp ở trên địa bàn tỉnh Nghệ An có nhu cầu sử dụng lao động để kết nối. Ưu tiên tiêm vắc xin cho những người lao động trở về từ vùng dịch để an toàn công tác phòng dịch và tạo điều kiện để họ có thể đi lại làm việc khi đẩy lùi dịch”.

Tăng cường tạo việc làm cho lao động sau dịch

Trước làn sóng đổ về quê vì ảnh hưởng dịch, ngày 10/8/2021, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Công văn số 5305 yêu cầu các cơ quan, đơn vị và địa phương đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm cho người lao động, trong đó có lao động từ nước ngoài về nước do dịch Covid-19.

Tại cuộc họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội Nghệ An quý 3, ông Bùi Văn Hưng - phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An - cho biết, tỉnh đang nỗ lực kết nối hơn 45.000 việc làm trong và ngoài tỉnh cho lao động hồi hương, với mức lương khảo sát từ 5-30 triệu đồng/người/tháng.

Theo ông Hưng, toàn tỉnh Nghệ An có hơn 344.200 người đang làm việc, sinh sống và học tập ở ngoài tỉnh. Từ đầu năm đến nay, có hơn 92.000 công dân trở về địa phương, riêng các tỉnh, thành phố phía Nam có hơn 66.700 lao động về quê do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Trong số đó, lao động không có chuyên môn, không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) chiếm phần lớn với hơn 62%. Đây là một áp lực lớn đối với công tác dạy nghề, tìm việc làm cho lao động với các địa phương.

Trên cơ sở số lượng công dân trở về, Sở đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan và các địa phương rà soát, phân loại các đối tượng lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm. Qua rà soát có hơn 45 nghìn người đăng ký tìm việc làm trong tỉnh, ngoài tỉnh và đi xuất khẩu lao động.

Sở cũng đã kết nối với các doanh nghiệp và được biết, hiện tại có hơn 80 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có nhu cầu đăng ký tuyển dụng gần 30 nghìn lao động.

Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam, các doanh nghiệp và các địa phương tuyên truyền về nhu cầu, chính sách việc làm; chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm kết nối cung cầu việc làm cho người lao động trên hệ thống trang thông tin điện tử, hội chợ việc làm.

Ông Bùi Văn Hưng - phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An

"Đến nay, có hơn 45.200 lao động đăng ký xin việc làm qua các khu kinh tế và gần 3.000 người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động. Chúng tôi đã khảo sát và có 84 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động, trong đó có 57 doanh nghiệp trong tỉnh cần 15.000 lao động, với mức lương từ 5-30 triệu đồng, tùy năng lực chuyên môn tay nghề", ông Hưng thông tin.

Về giải pháp, ông Hưng cho biết thông qua các khu kinh tế, nhà máy trên địa bàn, sở sẽ kết nối cung, cầu miễn phí cho người lao động qua sàn giao dịch, có cơ chế chính sách đào tạo nghề.

"Những lao động từ miền Nam từng làm việc ở các nhà máy may mặc, nông sản, cơ khí… sẽ thuận lợi hơn. Riêng người chưa có tay nghề sẽ được hỗ trợ đào tạo nghề, giúp người lao động có mức thu nhập ổn định ngay ở quê nhà", ông Hưng nói.

Ông Hưng cho biết thêm, tính đến ngày 30-9, tỉnh Nghệ An đã phê duyệt chi hơn 19,2 tỉ đồng hỗ trợ hơn 12.900 lượt đối tượng cho người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 theo nghị quyết 68 của Chính phủ.