Hàng không chạy đua 'kiếm tiền lẻ'

16:19 | 12/03/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong thời gian ăn nên làm ra của ngành hàng không Việt Nam từ năm 2019 về trước, hành khách vẫn có cơ hội - dù là khá thấp - để mua vé máy bay với giá 0 đồng từ Vietjet Air.
Nhưng hiện tại, việc mua một chiếc vé máy bay với giá vài chục ngàn đồng (chưa bao gồm thuế phí) từ các hãng hàng không nội địa, đã trở thành điều khá dễ dàng.
 

Đua nhau tung ra vé "siêu rẻ"

 

Hôm 9/3, Bamboo Airways công bố mở bán các chuyến bay từ Hà Nội/TPHCM đến Rạch Giá (Kiên Giang) với giá vé chỉ từ 36 ngàn đồng/người/lượt (chưa bao gồm các loại thuế phí). Tất nhiên, không phải khách hàng nào cũng có thể dễ dàng đặt được loại vé này thì hãng lại “bủa vây” hàng loạt chặng bay giá rẻ khác để hút khách. Ví dụ như chương trình mua vé trong ngày thứ 4 (10-3), có cơ hội đặt được mức giá 36 ngàn đồng/chặng cho Hà Nội-Đà Nẵng, TPHCM-Phú Quốc...Thời gian bay cho phép kéo dài đến cuối tháng 10 năm nay.
 
Nhưng giá vé của Bamboo Airways chưa phải là đáy. Từ cuối tháng 1, trước Tết Nguyên đán, hãng bay mới ra mắt là Vietravel Airlines đã đi theo bài mà hãng hàng không chi phí thấp Vietjet Air đã áp dụng từ nhiều năm nay là mở bán 50 ngàn vé bay với giá 0 đồng (chưa bao gồm thuế phí) cho các chặng bay nội địa (kèm điều kiện về thời gian cất cánh).

Còn nếu không mua được vé 0 đồng, khách hàng cũng dễ dàng mua được cả một tour du lịch trọn gói, ví như TPHCM-Đà Lạt với giá chỉ có 990.000 đồng/người bao gồm cả vé máy bay khứ hồi và khách sạn 3 sao trong vòng 3 ngày. Nếu có tiền hơn, từ đầu tháng 3, khách có thể đặt vé từ TPHCM đến Đà Lạt với giá xấp xỉ 2 triệu đồng nhưng bao gồm tất cả vé máy bay khứ hồi, tour du lịch hút khách đến các điểm ở Đà Lạt, khách sạn 3 sao...Số tiền này chỉ bằng 1/3 so với số tiền nếu hành khách tự bỏ ra để đi du lịch cùng thời gian, địa điểm.
 
Hàng không chạy đua 'kiếm tiền lẻ'
Một chuyến bay đầy kín khách của Vietjet Air trong thời hoàng kim của ngành hàng không từ 2019 trở về trước. 
 
Thậm chí, nếu không cần mua vé máy bay-khách sạn kèm tour thì Vietravel Airlines vẫn có thể bán vé cho khách với giá từ 26 ngàn đồng (chưa bao gồm thuế phí). Điều đó cho thấy, chiến lược của Vietravel Airlines cũng là tận dụng hết mọi kênh bán có thể và giá nào cũng bán để cất cánh ba máy bay mà hãng hiện có.
 
Tất nhiên là hai hãng lớn còn lại là Vietnam Arilines và Vietjet Air cũng không thể ngồi yên trong “cuộc đua xuống đáy” về giá vé.
 
Trung tuần tháng 2, Hãng hàng không quốc gia (Vietnam Airlines) mở bán 1 triệu vé đồng giá 88 ngàn đồng/người/lượt (chưa bao gồm thuế phí). Nếu tính cả thuế phí cho loại vé này là 567 ngàn đồng/ người/lượt, đến tất cả các điểm nội địa, thời gian bay từ cuối tháng 2 đến cuối năm. Một triệu vé giá rẻ lập tức bán hết. Theo dự kiến, có thể cuối tháng này, sẽ có một lượng vé rẻ rất lớn nữa, dưới 100 ngàn đồng/vé/lượt lại được tung ra.Để có thêm nguồn tiền, tránh ghế trống, Vietnam Airlines còn mở chương trình bán vé ghế trống để giúp tăng thêm nguồn thu. Tất cả các vé trước, sau, bên cạnh ghế của khách nếu trống đều có thể mua với giá 55 ngàn đồng/ghế.
 
Còn Vietjet Air không tính tiền hành lý ký gửi đối với khách mua vé của hãng. Thông thường, mức hành lý ký gửi đến 20 kg sẽ mang về thêm cho hãng từ 150 ngàn đồng trở lên /kiện, thậm chí nguồn thu còn cao hơn giá vé thực thu về. Nhưng nay, để cạnh tranh hút khách, hãng cũng tặng luôn. Và mở thêm hạng vé Deluxe với nhiều tiện ích, là hạng vé cao hơn hạng vé Econonomy thông thường chỉ với giá từ 399 ngàn đồng.
 

Tung vé rẻ để có khách, tránh máy bay nằm không

 

Với những mức giá siêu rẻ như trên, thực tế các hãng hàng không tăng thêm doanh thu không được nhiều vì phần thu nhiều trên mỗi vé thuộc về các loại thuế phí. Ví dụ, giá vé 88 ngàn đồng/chiều mà Vietnam Airlines bán ra, hành khách thực trả 567 ngàn đồng/vé thì có đến 479 ngàn đồng là trả cho các loại thuế phí.
 
Đối với các chuyến bay nội địa thì khách phải trả thêm phí an ninh soi chiếu, phí sân bay...nộp về cho nhà nước qua Tổng công ty cảng hàng không. Các hãng có thể thu thêm (khác nhau) phí quản trị hệ thống, phí thanh toán... nên dù giá khởi điểm của tấm vé rẻ thì giá cuối cùng đến tay hành khách có thể không còn cực rẻ như giá ban đầu. Đây cũng là điều hành khách phải cân nhắc khi đặt vé giá rẻ. Ngoài ra, vé giá rẻ luôn kèm theo các điều kiện ràng buộc khác.
 
Không hãng hàng không nào muốn bán nhiều vé rẻ hay mở nhiều đường bay ngách đến những điểm mà doanh thu/chuyến bay thấp nhưng không thể để máy bay nằm không mà vẫn tốn hàng loạt chi phí cố định. Cũng vì dịch bệnh, đóng cửa đường bay quốc tế, khách nội địa sụt giảm nghiêm trọng, cộng thêm mùa thấp điểm nên nhiều giá vé máy bay thậm chí còn rẻ hơn xe khách liên tỉnh.
 
Doanh thu hợp nhất năm 2020 của Vietnam Airlines ước đạt 42.523 tỉ đồng. Trong đó, công ty mẹ ước đạt 32.983 tỉ đồng, đều vượt so với kế hoạch lần lượt là 1.937 tỉ đồng (4,8%) và 448 tỉ đồng (1,4%). Song số lỗ hợp nhất dự kiến ở mức 14.445 tỉ đồng. Mức lỗ sẽ giảm thêm khoảng 2.858 tỉ đồng khi hoàn tất các thủ tục điều chỉnh khấu hao, phân bổ chi phí sửa chữa bảo dưỡng theo chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của Chính phủ.
 
Còn Vietjet Air đạt doanh thu hợp nhất năm 2020 là 18.210 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 70 tỉ đồng đến từ việc cơ cấu lại tài sản và lợi nhuận doanh thu phụ trợ bù đắp cho doanh thu vé máy bay sụt giảm nghiêm trọng.
 
Riêng Bamboo Airways tự công bố hãng này lãi 400 tỉ năm 2020 nhưng Báo cáo tài chính riêng của hãng lại không được công bố để xác định doanh thu và lợi nhuận thực tế ra sao.

Theo Kinh tế Sài Gòn Online