Hàng trăm người nước ngoài được cấp sổ đỏ chung cư tại Hà Nội

18:24 | 31/07/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội vừa công bố danh sách các tổ chức, cá nhân nước ngoài đã được cấp Giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ).

Trong danh sách này, có 2 tổ chức là các công ty và 262 cá nhân nước ngoài đã được cấp chứng nhận sở hữu nhà tại một số chung cư trên địa bàn Hà Nội. Đa số các cá nhân là người Hàn Quốc...

Cụ thể, các chung cư có căn hộ đã được cấp giấy tờ sở hữu cho tổ chức, cá nhân nước ngoài gồm: Dự án Tổ hợp công trình thương mại, dịch vụ, văn phòng, nhà ở và nhà trẻ tại ô đất HH, Khu đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) với hơn 90 căn hộ.

Hàng trăm người nước ngoài được cấp sổ đỏ chung cư tại Hà Nội - ảnh 1

Nhiều tổ chức, cá nhân nước ngoài được cấp sổ đỏ, sổ hồng tại Hà Nội

Hàng loạt dự án trên địa bàn quận Nam Từ Liêm như Dự án tổ hợp Mỹ Đình Pearl (phường Phú Đô); Dự án Khu ĐTM Tây Mỗ-Đại Mỗ (phường Tây Mỗ); Vinhomes Sky Lake (phường Mỹ Đình 1); Chung cư 48 tầng Keangnam Vina Lô E6 khu đô thị mới Cầu Giấy (phường Mễ Trì); Tòa nhà CT1-CT2 tại ô đất CT8 Khu đô thị mới Mỹ Đình, Mễ Trì (phường Mỹ Đình 1); Dự án Tổ hợp công trình DVTM nhà ở, văn phòng kết hợp lưu trú và nhóm trẻ- Vinhomes Melodia, lô đất HH;

Tòa nhà cao tầng CT1-CT2 dự án công trình hỗn hợp nhà ở và xây dựng nhà trẻ tại ô đất ký hiệu 017-HH1 Khu đô thị Tây Hồ Tây, phường Xuân La (quận Tây Hồ); Dự án nhà ở chung cư kết hợp dịch vụ thương mại, lô đất CT03A-CT thuộc ô đất CT03 Khu đô thị Nam Thăng Long (quận Tây Hồ);

Tổ hợp chung cư văn phòng, kết hợp dịch vụ thương mại Newtatco, phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm); Khu nhà ở, văn phòng, dịch vụ tại số 136 Hồ Tùng Mậu (quận Bắc Từ Liêm); Dự án nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại, nhà ở thấp tầng tại ô đất I.A.23 thuộc Khu đô thị Nam Thăng Long, phường Đông Ngạc và Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm);

Tòa nhà The Two Residence Khu đô thị mới C2 Gamuda Gardens phường Trần Phú (quận Hoàng Mai); Tòa nhà hỗn hợp thương mại dịch vụ văn phòng và căn hộ thuộc dự án Tổ hợp công trình hỗn hợp Pandora số 53 Triều Khúc (quận Thanh Xuân); Khu chung cư và thương mại dịch vụ hỗn hợp Capitaland Hoàng Thành, phường Mỗ Lao (quận Hà Đông);

Tòa nhà hỗn hợp dịch vụ thương mại, văn phòng trường mầm non và nhà ở số 109 Nguyễn Tuân, phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân); Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn-Parkcity Hà Nội đường Lê Trọng Tấn, phường La Khê (quận Hà Đông); Dự án Tòa nhà hỗn hợp TMDV, văn phòng, nhà ở PCC1 số 44 phố Triều Khúc (quận Thanh Xuân); Dự án Khu đô thị Gia Lâm xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm)…

Tại Việt Nam cũng quy định người nước ngoài có được đứng tên trên Sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, đất ở) không và cần phải đáp ứng điều kiện gì theo quy định của Việt Nam.

Về quyền sử dụng đất của người nước ngoài

Về người sử dụng đất được quy định tại Điều 5 Luật Đất đai 2013 (Luật số: 45/2013/QH13, ngày 29/11/2013) như sau:

Điều 5. Người sử dụng đất

Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này, bao gồm:

1. Tổ chức trong nước gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức sự nghiệp công lập và tổ chức khác theo quy định của pháp luật về dân sự (sau đây gọi chung là tổ chức);

2. Hộ gia đình, cá nhân trong nước (sau đây gọi chung là hộ gia đình, cá nhân);

3. Cộng đồng dân cư gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và điểm dân cư tương tự có cùng phong tục, tập quán hoặc có chung dòng họ;

4. Cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và cơ sở khác của tôn giáo;

5. Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện khác của nước ngoài có chức năng ngoại giao được Chính phủ Việt Nam thừa nhận; cơ quan đại diện của tổ chức thuộc Liên hợp quốc, cơ quan hoặc tổ chức liên chính phủ, cơ quan đại diện của tổ chức liên chính phủ;

6. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch;

7. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp Việt Nam mà nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Theo quy định này, người nước ngoài ở trong nước hoặc ở nước ngoài đều không thuộc các đối tượng được quyền sử dụng đất, được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất.

Đồng thời, theo Khoản 3 Điều 186 Luật Đất 2013 quy định, tất cả người nhận thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất đều là người nước ngoài thì người này không được cấp Sổ đỏ nhưng được chuyển nhượng hoặc tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế như sau:

a) Chuyển nhượng quyền sử dụng đất: Người nhận thừa kế được đứng tên là bên chuyển nhượng trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất;

b) Tặng cho quyền sử dụng đất: Người được tặng cho phải là Nhà nước, cộng đồng dân cư để xây dựng các công trình phục vụ lợi ích chung của cộng đồng, tặng cho nhà tình nghĩa gắn liền với đất và phù hợp pháp luật về nhà ở. Trong đó, người nước ngoài được đứng tên là bên tặng cho trong hợp đồng hoặc văn bản cam kết tặng cho.

c) Chưa chuyển nhượng hoặc tặng cho quyền sử dụng đất: Người nước ngoài nộp hồ sơ về việc nhận thừa kế tại cơ quan đăng ký đất đai để cập nhật vào sổ địa chính.

Như vậy, theo các quy định trên, với quyền sử dụng đất, người nước ngoài sẽ không được đứng tên trên Sổ đỏ.

Về quyền sở hữu, sử dụng nhà ở của người nước ngoài

Tại Điều 159 Luật Nhà ở (Luật số: 65/2014/QH13, ngày 25/11/2014) nêu rõ, đối tượng được sở hữu nhà ở và hình thức sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài như sau:

1. Đối tượng tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm:

a) Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;

b) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức nước ngoài);

c) Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.

2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua các hình thức sau đây:

a) Đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;

b) Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.

Ngoài ra, điều kiện, giấy tờ để người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam quy định cụ thể tại Điều 74 Nghị định 99 (Số: 99/2015/NĐ-CP, ngày 20/10//2015):

Điều 74. Giấy tờ chứng minh đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam

1. Đối với cá nhân nước ngoài thì phải có hộ chiếu còn giá trị có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam và không thuộc diện được quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao theo quy định của Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan Đại diện ngoại giao, cơ quan Lãnh sự và cơ quan Đại diện của Tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

2. Đối với tổ chức nước ngoài thì phải thuộc đối tượng quy định tại Điều 159 của Luật Nhà ở và có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép hoạt động tại Việt Nam còn hiệu lực tại thời điểm ký kết các giao dịch về nhà ở (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư).

Như vậy, người nước ngoài chỉ được mua và đứng tên trên Sổ đỏ với căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, chứ không được mua ngoài khu vực này cũng như phải đáp ứng các điều kiện nêu trên.

Đăng Khôi