'Hệ chính sách của chúng ta chưa thúc đẩy đổi mới sáng tạo'

19:08 | 28/10/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đây là nhận định của TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khi trao đổi với phóng viên.

Thời gian qua, số lượng và chất lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngày càng tăng, cả nước có hàng nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp, gần 70 khu không gian làm việc chung, 50 cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh, đã hình thành thêm một số quỹ đầu tư mạo hiểm như Quỹ đầu tư mạo hiểm của Tập đoàn Vingroup, Start-up Viet Partner..., với những vườn ươm tiêu biểu như: Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao Hòa Lạc, Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, Vườn ươm Đà Nẵng (DNES), Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC), Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội.

Có thể nói, chưa bao giờ phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam lại rầm rộ như hiện nay. Tuy nhiên điều đáng lo ngại là doanh nghiệp Việt vẫn gặp nhiều rào cản về chính sách khiến khởi nghiệp sáng tạo bị dập tắt ngay từ trong “trứng nước”.

'Hệ chính sách của chúng ta chưa thúc đẩy đổi mới sáng tạo' - ảnh 1
 TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).
Phóng viên Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) để làm rõ vấn đề trên.
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam thời gian gần đây? Theo ông, khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam có thực sự được gọi là khởi nghiệp sáng tạo?
Trong mấy năm gần đây, phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam bắt đầu khởi động và phát triển tương đối mạnh mẽ ở các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM. Điều đó cũng không có gì ngạc nhiên bởi đây là những trung tâm hội tụ đầy đủ các yếu tố thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo.
Tuy nhiên, so với nhu cầu phát triển, có thể nói các đội ngũ startup người Việt tại Việt Nam còn ít, chất lượng chưa cao, còn thiếu khá nhiều yếu tố thúc đẩy để đưa ý tưởng nhanh chóng ra thị trường thành sản phẩm.
Có hai cụm từ có thể nói về khởi nghiệp, đó là “khởi nghiệp kinh doanh bình thường” và “khởi nghiệp sáng tạo”. Ở mức độ nào đó tôi thấy nhiều bạn trẻ đã bắt đầu đưa ra những ý tưởng, cách làm hoàn toàn mới dựa trên ý tưởng xây dựng mô hình kinh doanh mới. Và không phải ai cũng thành công đối với khởi nghiệp sáng tạo, nhưng ý tưởng, xu hướng hiện đã có tại Việt Nam.
Ông có thể chỉ ra điểm bất cập nổi cộm về chính sách cản trở khởi nghiệp sáng tạo tại nước ta?
 Theo tôi, điều quan trọng là hệ chính sách của chúng ta chưa phải hệ chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Bởi chúng ta thường đòi hỏi doanh nghiệp “làm theo quy định, tiến theo quy trình”, mà đổi mới sáng tạo phải là điều gì đó có thể chưa có quy định trong một lĩnh vực, một mô hình kinh doanh hoàn toàn mới hoặc thậm chí chúng ta chưa hiểu về nó để quy định… Bởi vậy, tôi nghĩ rằng, ở Việt Nam với hệ chính sách như vậy rất khó để thực hiện đổi mới sáng tạo.
'Hệ chính sách của chúng ta chưa thúc đẩy đổi mới sáng tạo' - ảnh 2
 Hệ chính sách của chúng ta chưa phải hệ chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Tôi lấy một ví dụ rất đơn giản: Đối với những doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lúc đầu sử dụng vốn cá nhân, sau khi hình thành được ý tưởng sẽ có vốn thiên thần, vốn mạo hiểm, rồi đến vốn ngân hàng.
Thực tế, các nhà đầu tư người Việt muốn đầu tư mạo hiểm còn rất ít, phần lớn là đầu tư mạo hiểm từ nước ngoài vào, mà đầu tư mạo hiểm từ nước ngoài cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thì chúng ta coi là đầu tư nước ngoài.
Theo chính sách, nhà đầu tư nước ngoài buộc phải xây dựng dự án, sau đó, dự án phải được nhiều cơ quan phê duyệt, lúc ấy nhà đầu tư mới được đầu tư vào. Và như vậy, hoàn toàn không đúng, bởi đây là đầu tư mạo hiểm chứ không phải đầu tư bình thường. Hơn nữa, với startup cũng chưa có một điều gì chắc chắn để đảm bảo sự thành công sau này… Thế nên, tất cả những quy trình đòi hỏi một nhà đầu tư mạo hiểm nước ngoài đầu tư vào startup như vậy là không thể thực hiện được, mà đầu tư mạo hiểm họ phải làm rất nhanh, “đánh nhanh thắng nhanh” chứ không thể kéo dài chờ đợi 6, 7 tháng.
Ngoài ra, đáng lẽ các startup có thể huy động được vốn đầu tư mạo hiểm ngay tại Việt Nam thì cũng chính vì chính sách, họ phải chạy sang các nước khác như Singapore để phát triển ý tưởng…
Vậy, ông có thể đưa ra một số hướng giải quyết vấn đề để giúp Việt Nam trở thành môi trường phát triển của các startup?
 Từ những dân chứng trên, theo tôi, cần thay đổi hệ tư duy để có thể tạo ra những dư địa, có những cách làm mới ngoài quy định. Nếu chúng ta cứng nhắc, vẫn quan niệm rằng “không có quy định sẽ không được làm” thì rõ ràng điều đó cản trở chính sự hình thành và phát triển của các doanh nghiệp startup.
Không chỉ riêng các startup phải sáng tạo mà trước tiên, chính sách phải sáng tạo, linh hoạt với nguyên tắc: “Cái gì mới, người dân được làm; Nếu nhà nước chưa biết quản điều gì thì đừng quản”.
Trong trường hợp thực sự cần thiết, nhà nước hãy ban hành những quy định thí điểm (dù vậy cũng nên hạn chế ban hành quy định ngoại trừ những lĩnh vực rất nhạy cảm như an ninh, quốc phòng...).
Xin cảm ơn ông!