Hết tháng 8: 9 DN được phê duyệt phương án cổ phần hóa

06:25 | 11/09/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - 9 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 780 tỷ đồng, 12/62 doanh nghiệp thực hiện thoái vốn thu về 1.700 tỷ đồng.

Hết tháng 8: 9 DN được phê duyệt phương án cổ phần hóa - ảnh 1
Nguồn: Internet. 
Bộ Tài chính vừa cho biết, công tác quản lý tài chính doanh nghiệp và cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước trong 8 tháng đầu năm tiếp tục được phối hợp tích cực giữa các bộ, ngành và địa phương.

Tính đến hết tháng 8/2019, có 09 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 780 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 670 tỷ đồng; có 12/62 doanh nghiệp thuộc danh mục ban hành theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thực hiện thoái vốn với giá trị 783 tỷ đồng, thu về 1.700 tỷ đồng; Các tập đoàn, Tổng công ty, DNNN ngoài danh mục theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg thoái vốn với tổng giá trị 2.432 tỷ đồng, thu về 4.653 tỷ đồng.

Cùng với đó, công tác quản lý thị trường tài chính và dịch vụ tài chính cũng được tiến hành tích cực.

Riêng đối với thị trường chứng khoán, tính đến ngày 30/8, chỉ số VN-Index đạt 984,06 điểm, tăng 10,3% so với cuối năm 2018; Quy mô vốn hóa đạt khoảng 81,6%, tăng 14% so với cuối năm 2018.

Đối với thị trường bảo hiểm, tổng giá trị tài sản bảo hiểm 8 tháng đầu năm ước đạt xấp xỉ 438 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so cùng kỳ năm 2018; đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 366,9 nghìn tỷ đồng, tăng 26,5%.

Tổng nguồn vốn chủ sở hữu tại thị trường bảo hiểm ước đạt 93,5 nghìn tỷ đồng, tăng 20,2%. Tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt khoảng 100 nghìn tỷ đồng, tăng 23,6%. Chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 25,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so cùng kỳ năm 2018.

Cũng trong 8 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan chức năng liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp quản lý, điều hành giá cả hàng hóa và dịch vụ công thiết yếu Nhà nước quản lý giá (dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, điện, xăng dầu) nhằm kiểm soát tốt các yếu tố hình thành giá và mặt bằng giá cả thị trường, ngăn ngừa việc tăng giá đột biến, bất hợp lý.

Bộ đã tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát chặt chẽ việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá, hoạt động đăng ký, kê khai giá của doanh nghiệp; chủ động có giải pháp xử lý kịp thời các mặt hàng biến động mạnh về giá theo chu kỳ mùa vụ (như: dịch vụ giáo dục khi bước vào năm học mới, mặt hàng bánh kẹo khi bước vào mùa trung thu...). Qua đó, góp phần giữ ổn định giá cả hàng hóa, dịch vụ trong nước.