'Hoán đổi trái phiếu có thể giảm áp lực nợ nhưng cần minh bạch'

Đông Bắc 07:38 | 10/03/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chuyên gia cho rằng, quy định mới từ Nghị định 08 gỡ khó cho trái phiếu sẽ giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp giảm áp lực trả nợ và lượng cung trái phiếu trên thị trường, qua đó giảm xác suất bán tháo trái phiếu.

 

Nghị định số 08/2023/NĐ-CP mới ban hành về trái phiếu doanh nghiệp cho phép tổ chức phát hành kéo dài kỳ hạn và thanh toán gốc và lãi bằng tài sản khác ngoài tiền mặt.

Cụ thể, quy định mới cho phép kéo dài thời hạn của trái phiếu thêm tối đa hai năm. Trong trường hợp trái chủ không đồng ý thay đổi này, doanh nghiệp phải có trách nhiệm đàm phán để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Nếu quá trình đàm phán vẫn không đạt kết quả như mong đợi, doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ với trái chủ theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố.

Với trái phiếu chào bán trong nước, nếu doanh nghiệp không thể thanh toán đầy đủ và đúng hạn nợ gốc, lãi bằng tiền đồng theo phương án công bố trước đó thì có thể đàm phán với trái chủ để thanh toán bằng những tài sản khác. Điều này cần đảm bảo nguyên tắc là trái chủ chấp thuận và doanh nghiệp phải công bố thông tin bất thường, chịu trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản dùng để thanh toán.

Đánh giá Nghị định 08 (Nghị định) về hoán đổi trái phiếu, luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch SBLaw cho biết, Nghị định gần như tháo gỡ hoàn toàn những nút thắt mà Nghị định 65/2022/NĐ-CP ban hành trước đây gây ra một số khó khăn thực tế cho doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư mua trái phiếu. Nghị định mới đánh vào những vấn đề nóng và nhức nhối nhất, mở đường cho các doanh nghiệp trong nước có cơ hội phục hồi sau những sóng gió vừa qua.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho hay: "Nghị định sửa đổi và bổ sung mới sẽ tránh cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp sự sụp đổ ngắn hạn, bao gồm việc giảm lượng cung trái phiếu, kéo dài thời gian trả nợ và tăng lượng cầu mua trái phiếu. Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc “gỡ rối” cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Chúng ta cùng hy vọng các doanh nghiệp có thể tận dụng chính sách này và vững vàng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay".

 

 Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLaw. Ảnh SBL.

Trong Nghị định có quy định nếu gặp khó khăn về dòng tiền, doanh nghiệp có thể thương lượng với trái chủ gia hạn thêm 2 năm. Điều này giúp nhà phát hành có thời gian thu xếp dần nguồn tiền trả cho trái chủ.

Theo ông Hà, quy định này là hợp lý trong bối cảnh hiện tại. Doanh nghiệp có thể tránh được sự sụp đổ nhất thời ở mảng trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên nếu vẫn không hoạt động tốt thì khó có thể khôi phục niềm tin và trả nợ được. Bởi lẽ thời gian 2 năm là không quá dài và không quá nhiều. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải hết sức tập trung vào các phương án kinh doanh sao cho hiệu quả nhất, nếu không sang các năm tiếp theo áp lực trả nợ trái phiếu lại tiếp tục diễn ra.

Với quy định về có thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác, luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng chỉ là giải pháp tạm thời để cứu nguy cho doanh nghiệp hiện nay.

Về mặt tích cực, quy định có thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác nhưng phải tuân theo quy định của Luật Dân sự và pháp luật có liên quan, đặc biệt phải được người sở hữu trái phiếu chấp thuận.

"Vấn đề vẫn là đề cao thoả thuận giữa doanh nghiệp và các trái chủ. Nếu những nhà đầu tư này không đồng ý thì phía doanh nghiệp vẫn buộc phải thanh toán theo thoả thuận trước đó. Quy định có thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác sẽ giúp cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp giảm áp lực trả nợ và giảm lượng cung trái phiếu trên thị trường, qua đó có thể giảm xác suất bán tháo", luật sư Nguyễn Thanh Hà cho hay.

Về mặt tiêu cực, ngoài việc giúp doanh nghiệp nới lỏng thời gian trả nợ thì cũng tiềm ẩn những rủi ro cho trái chủ. Bởi việc thanh toán bằng tài sản khác này cần được quy định minh bạch và rõ ràng hơn đối với từng loại trái phiếu cũng như cần nói rõ về thời gian trả, hình thức quy đổi từ trái phiếu sang tài sản…

Xung quanh lo lắng điều này sẽ tạo tiền lệ xấu khi doanh nghiệp cứ nghĩ phát hành, không bán được thì sẽ chuyển đổi sang tài sản khác, luật sư Hà cho rằng khó có thể xảy ra bởi làm vậy họ sẽ khó nhận được sự chấp thuận từ phía các trái chủ. Còn thực tế trong giai đoạn hiện nay với doanh nghiệp hoạt động nghiêm túc, họ gặp khó khăn do bị kẹt về dòng tiền chứ không phải vi phạm sai trái. Nếu cứ siết thì doanh nghiệp có thể phá sản trong sự không mong muốn.

Nghị định mở lối cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp?

Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Nghị định sẽ có ba tác động chính đến thị trường TPDN. Thứ nhất là tạo hành lang, cơ sở pháp lý cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu đàm phán với các trái chủ để giãn hoãn nợ trái phiếu đáo hạn với thời gian gia hạn tối đa 2 năm, qua đó phần nào giảm áp lực trả nợ trái phiếu đáo hạn với điểm rơi cao điểm năm 2023-2024.

Tiếp đến là Nghị định tạo cơ sở pháp lý kèm theo hướng dẫn cơ bản về việc cho phép tổ chức phát hành trả gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác thông qua đàm phán với trái chủ, mà hiểu một cách đơn giản là đổi “trái phiếu lấy hàng” (chủ yếu là tài sản, bất động sản hay tài sản khác), đảm bảo quá trình này diễn ra một cách rõ ràng và nhất quán hơn, giảm thiểu rủi ro tranh chấp sau này.

Cuối cùng, cho phép giãn tiến độ sang năm sau đối với việc áp dụng một số điều kiện, yêu cầu cao liên quan đến tiêu chí nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng như lùi thời hạn xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp. Ông Lực cho rằng đây là nỗ lực cần thiết trong bối cảnh thị trường khó khăn, niềm tin giảm, thanh khoản giảm và cũng cần thêm thời gian để các bên liên quan như nhà đầu tư, DN phát hành và tổ chức xếp hạng tín nhiệm chuẩn bị tinh thần, năng lực, quy trình, nhân lực.

Theo quan điểm của TS. Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia đánh giá, nhìn chung, nội dung của Nghị định 08 giúp cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư có khả năng tái cơ cấu lại các khoản nợ đáo hạn TPDN, từ đó mở lối cho các doanh nghiệp còn có tài sản đảm bảo có cơ hội phát hành trái phiếu mới, thúc đẩy thị trường phục hồi và phát triển.

Trong đó, điểm nổi bật, “đắt nhất và đi đúng trọng tâm” là việc Nghị định cho phép doanh nghiệp được kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá 2 năm. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, “lối mở” này tương tự như việc doanh nghiệp được phép phát hành một đợt trái phiếu mới kỳ hạn 2 năm để đảo nợ nhưng chỉ chịu lãi suất thấp tương đương đợt phát hành trước. Điều này không chỉ giúp giảm sức ép thanh khoản đang đè nặng lên doanh nghiệp mà còn giúp doanh nghiệp duy trì chi phí tài chính thấp tương tự như thời điểm phát hành trước đó với mức lãi suất không đổi.

 Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA). Ảnh Quốc hội.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) nhận định, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP vừa tháo gỡ được vướng mắc, khó khăn, vừa xác định lộ trình xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo hướng minh bạch, lành mạnh, an toàn, bền vững và trở thành kênh huy động vốn xã hội hóa trung hạn, dài hạn quan trọng của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực bất động sản.

Ông Châu cho biết tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đáo hạn trong hai năm 2023-2024 rất lớn, khoảng 230.000 tỷ đồng, trong đó năm 2023 khoảng 119.000 tỷ đồng, năm 2024 khoảng 111.000 tỷ đồng. Do đó, Nghị định 08 sẽ tác động rất tích cực và hiệu quả đến việc xử lý 119.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn trong năm 2023.

Về dài hạn, ông Châu cho rằng việc xử lý trái phiếu đến hạn phải được sự đồng thuận của các trái chủ với doanh nghiệp thông qua đàm phán thỏa thuận nên mất rất nhiều thời gian, mà hiện nay chỉ còn gần 9 tháng để thực hiện Nghị định số 08/2023/NĐ-CP.

Do vậy, HoREA đề nghị Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép sơ kết đánh giá kết quả thực hiện Nghị định số 08/2023/NĐ-CP vào khoảng đầu quý IV/2023 để tiếp tục xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển theo hướng minh bạch, lành mạnh, an toàn và bền vững trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

 

Nghị định số 08/2023/NĐ-CP nhằm sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Nghị định mới cho phép doanh nghiệp thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác.

Cụ thể, đối với trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước, trường hợp doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu bằng tiền đồng Việt Nam, doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán bằng tài sản khác.

Quy định này dựa trên ba nguyên tắc:

(1) Tuân thủ quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan.

(2) Phải được người sở hữu trái phiếu chấp thuận.

(3) Doanh nghiệp chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật.

Nghị định mới cho phép kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá hai năm. Tuy nhiên, trong trường hợp người sở hữu trái phiếu không chấp thuận thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu thì doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm đàm phán để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư.

Nghị định hoãn quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành và yêu cầu kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu đến 31/12/2023.