Nghị định 08 có giúp thị trường TPDN 'qua cơn bĩ cực': Giới chuyên gia còn nhiều băn khoăn
Tại một tọa đàm kinh tế diễn ra đầu tháng 3, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV ước tính năm nay tổng giá trị trái phiếu đáo hạn lên tới 280 nghìn tỷ đồng. Trừ đi khối lượng trái phiếu mua lại trước hạn mà một số doanh nghiệp đã tiến hành trong thời gian qua, ước khối lượng trái phiếu đáo hạn năm 2023 còn khoảng 200 nghìn tỷ. Đáng chú ý, khoảng 120 nghìn tỷ (tương ứng 60%) trong số 200 nghìn tỷ này là trái phiếu BĐS đáo hạn.
Sang năm 2024, ông Lực ước tính khối lượng trái phiếu doanh nghiệp BĐS đáo hạn cũng vào khoảng 110 nghìn tỷ đồng.
Những con số này tương tự thống kê mà nhóm phân tích VNDirect đưa ra trong một báo cáo mới đây về thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Cụ thể, nhóm này dự phóng riêng trong năm 2023-2024, áp lực đáo hạn trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản là rất lớn, ước tính lần lượt hơn 119.000 tỷ đồng và gần 112.000 tỷ đồng. Tính chung trong giai đoạn 2023-2025, sẽ có khoảng 700.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (chưa tính tiền lãi) đáo hạn.
Đáng chú ý, VNDirect nhấn mạnh khoảng 3-6 tháng tới sẽ là giai đoạn cao điểm của trái phiếu đáo hạn. Tính riêng quý II/2023, ước khối lượng trái phiếu doanh nghiệp BĐS đáo hạn có thể lên tới khoảng 37.642 tỷ đồng, tăng 306% so với cùng kỳ năm trước. Trong hai quý cuối năm 2023, dự kiến có thêm 65.905 tỷ đồng trái phiếu BĐS đáo hạn, tăng 13%.
Áp lực thanh khoản quá lớn đang khiến các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp BĐS nói riêng đau đầu trong bài toán tìm kiếm nguồn tiền. Theo VNDirect, đến giữa tháng 2 vừa qua, đã có tới 54 tổ chức phát hành TPDN thông báo chậm trả lãi. Trên cổng cbonds của HNX, số lượng doanh nghiệp cập nhật thông tin chậm trả gốc, lãi trái phiếu cũng rất đáng kể, mà lý do chính là chưa kịp thu xếp nguồn thanh toán.
Trong bối cảnh này, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được giới chuyên gia xem là “giải pháp tình thế” giúp phần nào giải toả sức ép tâm lý của doanh nghiệp, nhà đầu tư, đồng thời tạo niềm tin nhất định cho thị trường về những điều hành chính sách của cơ quan quản lý. Thực tế, chỉ một ngày sau khi có Nghị định 08, trong phiên giao dịch 6/3, một loạt mã cổ phiếu bất động sản tăng trần như CRE, DIG, DXG, HPX, HQC, MH3, NVL, PDR, SCR, VHD.
NGHỊ ĐỊNH 08: LỐI MỞ CHO THỊ TRƯỜNG TPDN?
Theo TS Cấn Văn Lực, ông đánh giá Nghị định 08 sẽ có ba tác động chính đến thị trường TPDN. Một là tạo hành lang, cơ sở pháp lý cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu đàm phán với các trái chủ để giãn hoãn nợ trái phiếu đáo hạn với thời gian gia hạn tối đa 2 năm, qua đó phần nào giảm áp lực trả nợ trái phiếu đáo hạn với điểm rơi cao điểm năm 2023-2024.
Hai là, Nghị định tạo cơ sở pháp lý kèm theo hướng dẫn cơ bản về việc cho phép tổ chức phát hành trả gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác thông qua đàm phán với trái chủ, mà hiểu một cách đơn giản là đổi “trái phiếu lấy hàng” (chủ yếu là tài sản, bất động sản hay tài sản khác), đảm bảo quá trình này diễn ra một cách rõ ràng và nhất quán hơn, giảm thiểu rủi ro tranh chấp sau này.
Ba là, cho phép giãn tiến độ sang năm sau đối với việc áp dụng một số điều kiện, yêu cầu cao liên quan đến tiêu chí nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng như lùi thời hạn xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp. Ông Lực cho rằng đây là nỗ lực cần thiết trong bối cảnh thị trường khó khăn, niềm tin giảm, thanh khoản giảm và cũng cần thêm thời gian để các bên liên quan như nhà đầu tư, DN phát hành và tổ chức xếp hạng tín nhiệm chuẩn bị tinh thần, năng lực, quy trình, nhân lực.
Theo quan điểm của TS. Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia đánh giá, nhìn chung, nội dung của Nghị định 08 giúp cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư có khả năng tái cơ cấu lại các khoản nợ đáo hạn TPDN, từ đó mở lối cho các doanh nghiệp còn có tài sản đảm bảo có cơ hội phát hành trái phiếu mới, thúc đẩy thị trường phục hồi và phát triển.
Trong đó, điểm nổi bật, “đắt nhất và đi đúng trọng tâm” là việc Nghị định cho phép doanh nghiệp được kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá 2 năm. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, “lối mở” này tương tự như việc doanh nghiệp được phép phát hành một đợt trái phiếu mới kỳ hạn 2 năm để đảo nợ nhưng chỉ chịu lãi suất thấp tương đương đợt phát hành trước. Điều này không chỉ giúp giảm sức ép thanh khoản đang đè nặng lên doanh nghiệp mà còn giúp doanh nghiệp duy trì chi phí tài chính thấp tương tự như thời điểm phát hành trước đó với mức lãi suất không đổi.
CÒN NHIỀU BĂN KHOĂN VỀ RỦI RO VÀ TÍNH KHẢ THI
Tạm ngưng xác định tư cách NĐT chuyên nghiệp, lùi xếp hạng tín nhiệm đến 2024: Lúc rủi ro thì siết, thấy khó lại mở?
Ở góc độ thận trọng hơn, TS. Nghĩa cho rằng việc cho phép tạm ngưng quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp đến năm 2024 có thể tạo hiệu ứng tích cực cho thị trường TPDN khi tạo điều kiện cho các nhà đầu tư không chuyên nghiệp vẫn có thể mua vào được trái phiếu doanh nghiệp thay vì phải đáp ứng các điều kiện khá phức tạp…, qua đó kích thích thanh khoản thị trường TPDN ấm lên trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, ông Nghĩa nhấn mạnh về lâu dài, xếp hạng tín nhiệm và xác định tư cách nhà đầu tư vẫn phải được coi là một giải pháp quan trọng để minh bạch hóa và nâng cao chất lượng thị trường.
Tương tự quan điểm của TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng cần hết sức thận trọng với cả hai nội dung cho phép tạm ngưng quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân và tạm ngưng xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp đến năm 2024.
Theo ông Hiếu, việc tạm ngưng quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân có nguy cơ đưa thị trường TPDN vào khủng hoảng khi tiếp tục cho phép NĐT nhỏ lẻ, không có khả năng phân tích chuyên nghiệp tham gia vào thị trường. “Đồng ý là tháo gỡ khó khăn, nhưng việc mở quy định này lại tăng tính rủi ro cho nhà đầu tư cá nhân và cho cả thị trường”, TS. Hiếu cảnh báo.
Đối với quy định rời xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp đến năm 2024, TS. Hiếu cho rằng đây là động thái “thấy rủi ro thì siết, thấy khó lại mở”, điều này không giúp giải quyết vấn đề do theo ông, ở thời điểm hiện tại, việc làm sao xây dựng lại niềm tin cho nhà đầu tư là quan trọng hơn cả, trong khi quy định như vậy lại làm tăng rủi ro.
Cho phép "đổi trái phiếu lấy hàng": Lo vướng khâu định giá
TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng trong Nghị định vẫn còn một số điểm khiến ông băn khoăn, như quy định cho phép doanh nghiệp có thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác.
Cụ thể, Nghị định số 08/2023 bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp phát hành một khi không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu theo phương án phát hành đã công bố cho nhà đầu tư, có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác theo các nguyên tắc theo quy định. Quy định áp dụng với trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước.
Theo ông Nghĩa, việc đàm phán để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác nghe có vẻ khả thi nhưng thực tế rất phức tạp, nhất là ở khâu định giá tài sản. "Chẳng hạn, nếu tài sản là dự án bất động sản hình thành trong tương lai, định giá thế nào, pháp lý ra sao, đây không phải câu chuyện đơn giản có thể dễ dàng đàm phán giữa doanh nghiệp và trái chủ", TS. Lê Xuân Nghĩa nói. “Chưa kể, giải pháp này có thể khả thi khi số lượng người mua trái phiếu của doanh nghiệp ít hoặc đơn lẻ, nhưng ngược lại, với những doanh nghiệp phát hành số lượng lớn trái phiếu cho nhà đầu tư cá nhân, vấn đề đàm phán 1-1 lại càng khó khăn”.
Lo ngại một khi quy định này được triển khai, trường hợp doanh nghiệp đem toàn bộ tài sản ra thanh toán trái phiếu có thể dẫn đến tình trạng “tôi miếng đất trong, anh miếng đất ngoài", ông Nghĩa đề xuất một giải pháp khả dĩ hơn và theo ông là công bằng hơn với trái chủ, đó là thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng cổ phần dự án với những điều khoản cam kết rõ ràng từ phía doanh nghiệp. “Song, việc đàm phán này vẫn phụ thuộc nhiều vào phía trái chủ để đảm bảo tối đa quyền lợi của họ", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Cũng băn khoăn về quy định này, Chuyên gia Kinh tế - TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc tổ chức phát hành và trái chủ đàm phán với nhau, cho phép nhà phát hành trái phiếu thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác là “không có gì mới mẻ”, bởi từ trước đến nay pháp luật không bắt buộc người trả nợ chỉ trả bằng tiền mặt.