Hoàn thiện đề án xây dựng 1 triệu nhà ở xã hội trong tháng 10

Đông Bắc 07:44 | 06/10/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025” sau khi nhận được ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 

Theo đó, tại Kế hoạch triển khai thực hiện các nội dụng kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, vừa được Bộ Xây dựng ban hành, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị giao Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu đề xuất các chính sách để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp.

Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng và các địa phương tổ chức rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định pháp luật; thực hiện nghiêm quy định dành quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở xã hội, khu đô thị và đảm bảo nhu cầu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn.

 

  Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội" trong tháng 10 này. Ảnh MH.

Bộ Xây dựng cũng xác định từ nay đến ngày 31/12/2023, sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đối với nội dung chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp và cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.

Ngoài ra, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản sẽ chủ trì, phối hợp với các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp thực hiện rà soát, lập và công bố danh mục các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ được vay gói hỗ trợ lãi suất 2% thông qua hệ thống ngân hàng thương mại.

Trước đó, sáng 1/8/2022, tại Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp do Chính phủ tổ chức, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề xuất Thủ tướng giao Bộ Xây dựng lập "Đề án đầu tư xây dựng một triệu căn hộ cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, giai đoạn 2022 - 2030".

Để thực hiện, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương khẩn trương báo cáo số liệu. Đến đầu tháng 9/2022 đã có 40 địa phương đăng ký nhu cầu và kế hoạch thực hiện.

Theo đó, nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp của các địa phương giai đoạn 2021 - 2030 vào khoảng 2,6 triệu căn và mục tiêu đề ra của các địa phương cho giai đoạn này là hoàn thành khoảng 1,8 triệu căn hộ.

Lộ trình thực hiện được chia ra theo 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn từ năm 2021 - 2025, Bộ Xây dựng cho biết thống kê nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp khoảng 1,3 triệu căn và mục tiêu được các địa phương đặt ra là hoàn thành 700.000 căn, đáp ứng khoảng 54% nhu cầu.

Tiếp đó, trong giai đoạn 2025 - 2030, nhu cầu là 1,3 triệu căn nhưng mục tiêu hoàn thành tăng lên thành 1,1 triệu căn hộ, đáp ứng khoảng 85% nhu cầu.

 

  Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương khẩn trương báo cáo số liệu về đề án  Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội". Ảnh MH.

Và để xây thêm khoảng 1,8 triệu căn nhà ở xã hội  trong những năm tới, Bộ Xây dựng đề xuất với Thủ tướng nghiên cứu sửa đổi Luật nhà ở, Luật đất đai, Luật đấu thầu, Luật thuế…, trong đó tập trung sửa đổi các cơ chế chính sách cho nhóm người thu nhập thấp, quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện thụ hưởng chính sách.

Cần lập quy hoạch, dành quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, tạo thuận lợi trong chọn chủ đầu tư dự án, hoàn thiện các cơ chế ưu đãi của Nhà nước.

Đồng thời, tách riêng chính sách nhà lưu trú công nhân, nhà ở cho lực lượng vũ trang khi sửa Luật nhà ở để có cơ chế khuyến khích phát triển.

Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng chỉ đạo các địa phương phải công khai, giới thiệu quỹ đất xây nhà ở xã hội để các doanh nghiệp tiếp cận, nghiên cứu, đề xuất đầu tư. Quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân độc lập, quy mô lớn tại các vị trí phù hợp, thuận tiện ở các đô thị Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Nghiên cứu, đơn giản hóa thủ tục lập, phê duyệt, cấp phép dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để khuyến khích doanh nghiệp tham gia.

Về nguồn vốn thực hiện đề án, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và 2025-2030.

Giao Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội trình Thủ tướng quyết định phương án bảo lãnh phát hành trái phiếu của Ngân hàng Chính sách xã hội để huy động vốn cho cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đẩy mạnh việc xây dựng các thiết chế công đoàn gồm nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, y tế, giáo dục, các công trình văn hóa thể thao tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng khoảng 50 thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước.