Nợ xấu ngân hàng quay đầu giảm sau 8 quý tăng, bộ đệm dự phòng tích luỹ trong đại dịch đã được sử dụng hết

Minh Quang 10:13 | 07/02/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tính đến cuối quý IV/2023, số dư và tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành ngân hàng đã chấm dứt chuỗi tăng kéo dài 7 quý liên tiếp. Đồng thời, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng đã cải thiện nhẹ lên khoảng 95%, vẫn thấp hơn đáng kể so với giai đoạn trước.

Nợ xấu ngân hàng quay đầu giảm sau 8 quý tăng liên tiếp

Nợ xấu ngân hàng đã liên tục duy trì đà tăng qua các quý kể từ cuối năm 2021 khi dịch COVID-19 đi qua, tuy nhiên quý IV/2023 đã ghi nhận quý đầu tiên có số dư nợ xấu giảm (giảm 7,3% so với quý trước).

Mặc dù vậy,tổng số dư nợ xấu nội bảng tính đến cuối năm 2023 của nhóm ngành ngân hàng vẫn tăng 41,5% so với cùng kỳ năm trước, với hơn 194.600 tỷ đồng, theo dữ liệu từ WiChart.

Cùng với đó, nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) cũng đã giảm quý thứ hai liên tiếp, xuống hơn 192.700 tỷ đồng, thấp hơn kết quả cuối quý III là 11% nhưng vẫn tăng 23,1% so với thời điểm cuối năm 2022.

Tỷ lệ nợ xấu toàn ngành đã cải thiện nhanh trong quý IV khi số dư nợ xấu quay đầu giảm và tăng trưởng tín dụng cao tập trung vào tháng cuối năm. Tỷ lệ nợ xấu toàn ngành cũng được cải thiện xuống còn 1,93%, giảm 0,32 điểm % so với cuối quý III. Nếu so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ này vẫn đang cao hơn 0,32 điểm %.

Nợ nhóm 2 đã giảm trong hai quý liên tiếp, trong khi nợ xấu bắt đầu giảm trong quý đầu tiên.

Theo thống kê từ báo cáo tài chính của 28 ngân hàng niêm yết, có 18 nhà băng đã ghi nhận số dư nợ xấu cuối quý IV/2023 giảm so với cuối quý III, trong đó dẫn đầu là BIDV (giảm 4.165 tỷ đồng so với quý III) và LPBank (giảm 3.678 tỷ đồng).

Mặc dù số dư và tỷ lệ nợ xấu đã giảm trong quý IV, Chứng khoán SSI dự báo rằng tỷ lệ này có thể tăng trở lại trong nửa đầu năm 2024 khi tăng trưởng tín dụng chậm lại và các yếu tố vĩ mô chưa có sự cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2024 sẽ không có nhiều thay đổi so với 2023, do cuối năm dự kiến các ngân hàng sẽ đẩy mạnh xóa nợ xấu và nền kinh tế phục hồi mạnh hơn. 

Trong khi đó, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo rằng nợ xấu nội bảng và mức trích lập dự phòng vẫn trong tầm kiểm soát nhờ các chính sách hỗ trợ và việc khách hàng quay trở lại trả nợ khi áp lực chi phí lãi vay giảm bớt.

Trong kịch bản Thông tư 02 không được gia hạn, VCBS ước tính tỷ lệ nợ xấu toàn ngành (loại trừ SCB và các ngân hàng chuyển giao bắt buộc) sẽ tăng nhanh khi nợ tái cơ cấu tới thời hạn trả. Đồng thời, tỷ lệ nợ tái cơ cấu sẽ giảm kể từ quý II/2024.

Tuy nhiên, diễn biến nợ xấu sẽ có sự phân hoá giữa các ngân hàng. Nhóm ngân hàng chất lượng tài sản tốt được dự báo sẽ ghi nhận nợ xấu và nợ tái cơ cấu kiểm soát ở mức vừa phải. Trong khi đó, nhóm ngân hàng có tỷ trọng tín dụng doanh nghiệp cao và có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp có thể sẽ phải đối mặt với rủi ro nợ xấu và áp lực trích lập tăng cao trong năm 2024 – 2025.

Bộ đệm dự phòng tích luỹ trong đại dịch đã được sử dụng hết

Kể từ quý I/2022 đến cuối quý III/2023, trong khi số dư nợ xấu tăng thì tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) lại liên tục đi xuống, từ 148% giảm còn 94%, trái ngược với xu hướng mở rộng dự phòng tạo bộ đệm phòng rủi ro dày hơn trước đó..

Tuy nhiên bước sang quý IV/2023, xu hướng này đã tạm dừng khi tỷ lệ LLR nhích nhẹ lên 95%. Theo dữ liệu từ WiChart, số dư dự phòng rủi ro của các ngân hàng ở mức 184.600 tỷ đồng, tăng 9,5% so với đầu năm. Một số ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu vào cuối quý IV cao hơn quý liền trước như BIDV, LPBank, SHB, HDBank, TPBank, Nam A Bank,...

Theo Chứng khoán BSC dự báo, trong năm 2024 các ngân hàng sẽ ghi nhận chi phí tín dụng tăng nhẹ, tạo điều kiện để củng cố hơn nữa bộ đệm bao phủ nợ xấu khi phần tích lũy trong thời kỳ đại dịch đã gần như được sử dụng trong năm 2023.

Áp lực này sẽ rõ ràng nhất tại nhóm ngân hàng tư nhân. Ngược lại, nhóm ngân hàng quốc doanh sẽ tiếp tục thể hiện vị thế dẫn đầu với mức độ trích lập cao, khiến áp lực lên chi phí tín dụng không quá lớn trong năm 2024.

 

 

 

Hiện nay, nhờ Thông tư 02 về cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng, áp lực từ trích lập dự phòng lên lợi nhuận của ngành ngân hàng được giảm bớt đôi chút khi các ngân hàng được trích lập dần chi phí dự phòng trong thời hạn hai năm thay vì trích lập toàn bộ. Tuy nhiên, nếu không được gia hạn, tới tháng 7/2024, Thông tư 02 sẽ hết hiệu lực thi hành và áp lực nợ xấu cũng như trích lập dự phòng sẽ quay trở lại.