HoREA: 3 điểm sáng dẫn dắt thị trường bất động sản trong thập niên tới
HoREA dự đoán trong thập niên tới giai đoạn 2020-2030 sẽ có ít nhất 3 điểm sáng dẫn dắt thị trường bất động sản Tp.HCM.
Mới đây, trong báo cáo triển vọng thị trường bất động sản trong thập niên tới giai đoạn 2020-2030, Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) dự đoán sẽ có ít nhất 3 điểm sáng dẫn dắt thị trường bất động sản tại TP.HCM. Những địa điểm này đang phát triển đô thị và đô thị hóa mạnh mẽ, phát triển hệ thống hạ tầng đô thị, giao thông. Đây sẽ là điểm nóng tiếp thêm nguồn lực cho sự phát triển của thị trường bất động sản TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, giúp thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi hậu đại dịch COVID-19.
Thành phố Thủ Đức
Theo HoREA, một trong 3 điểm nóng thị trường bất động sản thời gian tới là TP. Thủ Đức khi nơi này sắp sửa sáp nhập thêm các quận 2, 9, Thủ Đức thành đơn vị hành chính mới rộng tới 211 km2. TP. Thủ Đức có tiềm năng phát triển thành khu đô thị sáng tạo với khu công nghệ cao thu hút đầu tư hơn 7 tỷ USD, cụm đại học ở phía Đông thành phố với khoảng 100.000 sinh viên, đường vành đai 3, tuyến Metro số 1,...
HoREA nhận định TP sẽ đóng góp khoảng 30% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn), chiếm 7% GDP của cả nước. Đây được coi là nơi có nhiều dự án khu đô thị hiện đại bậc nhất TP.HCM, cũng là nguồn cung dồi dào về phân khúc nhà ở, bất động sản thương mại, dịch vụ trong thời gian tới và sẽ là hạt nhân thúc đẩy kinh tế cho TP.HCM. Trong vòng 5-10 năm tới, thành phố mới sẽ tung ra đa dạng các loại hình bất động sản, với các dự án đại đô thị lớn, trở thành điểm nóng thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu nhận định, trong 3 điểm sáng của thị trường bất động sản thì TP. Thủ Đức có nhiều yếu tố để bứt phá nhanh nhất trong vòng một thập niên tới.
4 huyện trong đề án chuyển đổi thành quận
HoREA cho hay, điểm nóng thứ 2 của thị trường bất động sản trong thời gian tới là 4 huyện thuộc đề án chuyển đổi thành quận gồm huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh và huyện Nhà Bè.
Hiện huyện Củ Chi có 43.000 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 32%, tuy nhiên dự báo tới năm 2025 sẽ chỉ còn 4% hộ dân làm nông nghiệp. Huyện Hóc Môn với diện tích đất nông nghiệp khoảng 21%, dự kiến tới năm 2025 sẽ chỉ còn 0,6% hộ làm nông nghiệp. Huyện Bình Chánh có 7.900 ha đất nông nghiệp, chiếm 31% diện tích đất tự nhiên tại huyện; dự tính đến năm 2025 chỉ còn 0,4% hộ làm nông nghiệp. Còn huyện Nhà Bè, hiện diện tích đất nông nghiệp chỉ còn 3%, tính đến năm 2025 sẽ chỉ còn khoảng 0,1% hộ làm nông nghiệp. Trong đó, huyện Bình Chánh là địa phương chịu nhiều áp lực nhất khi tỷ lệ đất nông nghiệp cao nhưng người dân lại không có nhu cầu làm nông nghiệp.
HoREA nhận định 4 huyện vùng ven TP sẽ sớm được chuyển đổi lên quận, sẽ trở thành tâm điểm mới của thị trường nhà ở. Khi đó, hạ tầng giao thông và tư duy bất động sản về di chuyển sẽ được thay đổi, biến đây thành yếu tố quyết định thị trường tại đây. HoREA cũng cho rằng huyện Cần Giờ cũng có khả năng chuyển thành quận trong thời gian tới, biến nơi đây thành "đô thị biển, đô thị sinh thái, đô thị môi trường" với diện tích đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp đang chiếm tới 60%, cùng với khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ trở thành lá phổi xanh của thành phố.
26.000 ha đất nông nghiệp có thể chuyển đổi
HoREA dự đoán, có khoảng 26.000 ha đất nông nghiệp có thể được chuyển đổi chức năng thành đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị, nhà ở... Chính phủ đã cho phép TP.HCM chuyển đổi 26.000 ha đất này vào giai đoạn 2016-2002. Hiện 26.000 ha đất đang nằm rải rác ở nhiều quận, huyện với quỹ đất nông nghiệp, phần lớn là do hộ dân sử dụng. Nhiều diện tích đất đang được dùng để canh tác nông nghiệp, một phần không còn canh tác được do ảnh hưởng quá trính đô thị hóa tác động tới thổ nhưỡng, tưới tiêu...
HoREA cho hay, hiện 1 ha đất công nghiệp, thương mại,... có thể tạo ra giá trị gấp gần 100 lần so với 1 ha đất nông nghiệp. Do đó, việc chuyển đổi đất nông nghiệp là cần thiết, đem lại nhiều lợi ích cho người dân, cho thành phố và đặc biệt là thị trường bất động sản.
Linh Chi (t/h)