IMF nhận định việc Fed tăng lãi suất sẽ làm chậm đà phục hồi kinh tế châu Á
Ông nói với CNBC ngày 26/1: "Nhìn chung, khối nợ đã tăng lên đáng kể sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Vào khoảng năm 2007, châu Á chiếm khoảng 27% tổng số nợ toàn cầu. Năm 2021, châu Á chiếm gần 40%".
Năm 2013, Fed gây ra đợt "taper tantrum" khi bắt đầu cắt giảm chương trình mua tài sản. Nhà đầu tư hoảng sợ và bán tháo trái phiếu, khiến lợi suất trái phiếu Kho bạc tăng vọt.
Kết quả là thị trường mới nổi ở châu Á phải chịu cảnh dòng vốn tháo chạy nặng nề và giảm giá tiền tệ, buộc các ngân hàng trung ương trong khu vực tăng lãi suất để bảo vệ tài khoản vốn.
Lần nay, việc Fed tăng lãi suất "có thể không gây ra cú sốc lớn đến thị trường tài chính, nhưng chắc chắn có khả năng làm chậm lại cuộc phục hồi và tăng trưởng của châu Á".
Trong buổi họp báo sau khi kết thúc cuộc họp chính sách hai ngày 25-26/1, Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố đã sẵn sàng tăng lãi suất vào tháng 3 và không loại trừ khả năng thực hiện động thái tương tự tại các cuộc họp hàng tháng để kiềm chế lạm phát.
Theo ông Rhee, các chính phủ châu Á có thể cần chuẩn bị để đẩy nhanh bình thường hóa chính sách sau khi Fed hành động để kiểm soát áp lực giá cả.
"Tình hình ở các nước châu Á khác nhau rõ rệt. Ở Singapore, Hàn Quốc và một vài nước châu Á, lạm phát đã tăng lên và khoảng cách sản lượng (output gap) thu hẹp. Do đó các ngân hàng trung ương phải hành động nhanh như Singapore". Hôm 25/1, ngân hàng trung ương Singapore đã quyết định thắt chặt chính sách tiền tệ do lo ngại lạm phát.
Khoảng cách sản lượng (hay khoảng trống đầu ra) đo lường sự khác biệt giữa sản lượng thực tế và tiềm năng tối đa mà nền kinh tế có thể sản xuất được, biểu diễn bằng tỷ lệ % GDP.
Tuy nhiên, ông Rhee lưu ý rằng vẫn có các nước châu Á khác với khoảng trống đầu ra tương đối lớn vì bị cản trở bởi làn sóng Delta năm ngoái, và điều này cản trở phục hồi kinh tế.
"Lãi suất cao ở Mỹ sẽ bắt những nước này phản ứng với chính sách tiền tệ. Vì vậy, những nước đó phải hành động cực kỳ khéo léo vào lúc này".
Hôm 26/1, IMF hạ triển vọng tăng trưởng toàn cầu cả năm 2022 do lo ngại về số ca nhiễm COVID-19 gia tăng, gián đoạn chuỗi cung ứng và lạm phát cao. IMF dự kiến tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ suy yếu từ 5,9% trong 2021 còn 4,4% trong 2022 – tương ứng mức giảm 0,5 điểm % so với ước tính trước.
Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 4,8% - thấp hơn hẳn kỳ vọng trước đó là 5,6%.
Gần đây IMF nhận xét rằng chính sách Zero COVID của Trung Quốc có vẻ là "gánh nặng", cản trở sự phục hồi kinh tế của cả nước này lẫn thế giới.
Ông Rhee lưu ý rằng việc Trung Quốc có đạt được tốc độ tăng trưởng 4,8% hay không phụ thuộc vào hai điều. "Một là diễn biến của Omicron và tương lai đại dịch", điều rất khó dự đoán.
"Tôi nghĩ Trung Quốc vẫn còn dư địa để sử dụng thêm nguồn lực tài khóa. Trung Quốc sử dụng nguồn lực tài khóa nhiều đến đâu sẽ quyết định tốc độ tăng trưởng của nước này", ông nói thêm.