Indonesia từ chối khoản đầu tư 100 triệu USD của Apple, so sánh với 15 tỷ USD đổ vào Việt Nam

Thành Vũ 16:20 | 26/11/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chính phủ Indonesia bày tỏ quan điểm cứng rắn rằng khoản đầu tư 100 triệu USD của Apple chưa đủ để chấm dứt lệnh cấm bán iPhone 16.

Indonesia tuyên bố kế hoạch đầu tư 100 triệu USD của Apple là chưa đủ để chấm dứt lệnh cấm bán iPhone 16 tại nước này, đồng thời kêu gọi công ty xem xét xây dựng cơ sở sản xuất tại địa phương, theo Nikkei Asia.

Tuần trước, Apple đã trình bày một đề xuất nhằm mở khóa việc bán dòng smartphone mới nhất, nhưng Bộ Công nghiệp Indonesia hôm 25/11 cho biết họ không hài lòng với mục tiêu đầu tư mà Apple đưa ra. Bộ cũng nhấn mạnh rằng công ty vẫn còn nợ khoảng 10 triệu USD từ cam kết đầu tư trước đó.

"Bên cạnh việc phải hoàn tất cam kết đầu tư còn lại cho năm 2023, với giá trị khoảng 10 triệu USD, Apple hiện không đáp ứng đủ điều kiện để được cấp chứng nhận bán hàng cho iPhone 16," Bộ trưởng Công nghiệp Agus Gumiwang Kartasasmita phát biểu trong một cuộc họp báo.

Indonesia tiếp tục cấm bán iPhone 16 và từ chối đề xuất đầu tư 100 triệu USD của Apple. (Ảnh minh hoạ: Yahoo Finance).

Theo Bloomberg, Bộ trưởng Kartasasmita dẫn số liệu Apple đã đầu tư hơn 244 tỷ rupiah (15 tỷ USD) cho các cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Để so sánh, tại Indonesia, nhà sản xuất iPhone mới đầu tư 1,5 tỷ rupiah cho học viện dành cho nhà phát triển.

"Chúng tôi cũng đang đánh giá về giá trị gia tăng, đóng góp ngân sách quốc gia và tác động tạo việc làm từ đề xuất này," ông nói. Ông cho rằng đề xuất hiện tại của Apple chưa đáp ứng được "nguyên tắc công bằng".

Indonesia yêu cầu tất cả các thiết bị điện tử có kết nối di động phải bao gồm ít nhất 35% linh kiện được sản xuất trong nước, nhằm thúc đẩy ngành sản xuất công nghệ cao nội địa.

Chính phủ Indonesia đã quyết định cấm bán dòng iPhone 16 sau khi Apple không đáp ứng đầy đủ cam kết đầu tư cho năm 2023, trị giá khoảng 107 triệu USD, để tuân thủ quy định này.

Hiện tại, Apple đã chọn đáp ứng yêu cầu địa phương thông qua việc đầu tư vào các trung tâm Apple Academy, nơi đào tạo và phát triển nhân tài địa phương. Trong khi đó, các công ty khác như Oppo đã đầu tư trực tiếp vào sản xuất tại Indonesia.

Tuy nhiên, theo ông Kartasasmita, nếu tiếp tục duy trì cách tiếp cận này, Apple sẽ phải đệ trình kế hoạch đầu tư mới cứ mỗi ba năm một lần.

Bộ Công nghiệp Indonesia cho biết sẽ triệu tập Apple để đàm phán nhằm giải quyết vấn đề cam kết đầu tư còn lại và thảo luận về đề xuất đầu tư kéo dài đến năm 2026 của công ty.

Apple hiện chưa đưa ra phản hồi về vấn đề này.