Lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ của Indonesia làm “nóng” thị trường dầu thực vật
Quyết định ngừng xuất khẩu dầu cọ của Indonesia trong bối cảnh nguồn cung trong nước thiếu hụt đã đẩy giá dầu thực vật này lên mức cao mới, khiến thị trường, vốn đã bị thắt chặt do căng thẳng ở Ukraine và tình trạng nóng lên toàn cầu, lại càng bị thắt chặt hơn.
Giá cọ, đậu tương, hạt cải dầu châu Âu và thậm chí cả dầu hạt cải GMO của Canada đã chạm mức cao kỷ lục sau thông báo của Indonesia ngày 27/4.
Theo ông James Fry, chủ tịch công ty tư vấn LMC, dầu cọ là loại dầu thực vật được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới và Indonesia chiếm 35% tổng xuất khẩu toàn cầu.
Mặc dù các nhà chức trách Indonesia cho biết lệnh cấm xuất khẩu của nước này được đưa ra nhằm “hạ nhiệt” giá trong nước và hạn chế tình trạng khan hiếm hàng. Song ông Philippe Chalmin, giáo sư kinh tế tại Đại học Paris-Dauphine, Pháp, nói rằng động thái này "đến vào thời điểm tồi tệ nhất". Ông giải thích việc tăng giá đã bắt đầu từ năm 2021 và tình hình càng trở nên trầm trọng hơn do căng thẳng Ukraine.
Không giống như các loại hạt có dầu khác, quả cọ không dự trữ được sau khi hái, mà phải được chế biến ngay lập tức.
Ông Fry cho biết hệ thống dự trữ dầu cọ của Indonesia, vốn đã có trữ lượng đáng kể, hiện đang chịu sức ép. Mặc dù giá dầu thực vật, cùng với nhiều mặt hàng nông sản khác, đã tăng trong nhiều tháng, nhưng nhu cầu vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại.
Dầu cọ, được sử dụng nhiều trong thực phẩm chế biến như mì gói và bánh nướng, cũng có mặt trong các sản phẩm tiêu dùng khác, chẳng hạn như các mặt hàng chăm sóc cá nhân và mỹ phẩm.
Trong ngắn hạn, loại hạt có dầu duy nhất có thể giúp giảm bớt tình trạng căng thẳng trên thị trường dầu thực vật là đậu tương.
Mỹ và Brazil, hai nhà xuất khẩu đậu tương hàng đầu thế giới, vẫn còn dự trữ sẵn sàng, nhưng nguồn cung từ các quốc gia này sẽ chỉ có tác động nhẹ đến giá dầu ăn.
Tháng trước, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thông báo diện tích trồng đậu tương dự kiến sẽ tăng 4% so với năm 2021, trong khi diện tích ngô sẽ giảm với mức tương đương.
Trong khi đó, nhà xuất khẩu hạt cải dầu hàng đầu thế giới Canada ngày 26/4 cho biết dự kiến sẽ giảm 7% diện tích đất trồng dành cho hạt cải dầu biến đổi gien được sử dụng trong chế biến dầu hạt cải.
Các nhà phân tích và kinh tế học cho rằng cần phải có chính sách công liên quan đến cuộc khủng hoảng lương thực, vì ngoài thực phẩm, dầu thực vật cũng được sử dụng rộng rãi trong nhiên liệu sinh học.