Vì sao ‘những gã khổng lồ’ chọn Indonesia?

Khả Nhân 09:24 | 16/06/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Một số quốc gia châu Á có thể đang ghen tỵ với Indonesia khi dàn lãnh đạo cấp cao của các gã khổng lồ công nghệ thế giới liên tục ghé thăm nước này trong vài tuần gần đây.

Bến đỗ của những gã khổng lồ

Một số quốc gia châu Á có thể đang ghen tỵ với Indonesia khi dàn lãnh đạo cấp cao của các gã khổng lồ công nghệ thế giới liên tục ghé thăm nước này trong vài tuần gần đây.

CEO Satya Nadella của Microsoft đến Indonesia vào ngày 30/4. Ông gặp mặt Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) và mang theo một thông báo quan trọng: Microsoft sẽ đầu tư 1,7 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng đám mây và AI mới ở đây.

Chưa đầy hai tuần trước đó, vào ngày 17/4, CEO Tim Cook của Apple đã đến thăm thủ đô Jakarta, gặp ông Jokowi và gợi ý rằng nhà sản xuất iPhone có thể bắt đầu sản xuất ở Indonesia.

Indonesia là điểm dừng chung duy nhất của hai nhà lãnh đạo trong chuyến công tác Đông Nam Á. Ông Cook còn đến thăm Việt Nam và Singapore, trong khi ông Sadella ghé qua Thái Lan và Malaysia.

Trước đó không lâu, Nvidia - hãng chip giá trị nhất thế giới - đã lên kế hoạch xây dựng một trung tâm AI trị giá 200 triệu USD tại Indonesia sau khi CEO Jensen Huang đến thăm nước này vào cuối năm 2023. Trước đó, vị CEO này cũng đã đến thăm Việt Nam.

Nhìn từ động thái của ba ông lớn công nghệ Mỹ, có thể thấy ngoài những truyền thuyết về rồng Komodo hay thiên đường biển xanh cát trắng Bali, “đất nước vạn đảo” vẫn còn nhiều sức hấp dẫn với các nhà đầu tư quốc tế.

Điều gì khiến Indonesia trở nên hấp dẫn?

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á

Indonesia là một trong số ít nền kinh tế châu Á có GDP trên 1.000 tỷ USD. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 - 1998, nền kinh tế Indonesia phát triển khá năng động, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 6%.

Năm 2020, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á tăng trưởng âm lần đầu tiên trong 20 năm do tác động của đại dịch COVID-19, nhưng mức giảm tương đối khiêm tốn so với các nước ASEAN khác.

Trong dự báo tháng 4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế kỳ vọng nền kinh tế Indonesia sẽ tăng trưởng 5% trong năm 2024 - tương đương tốc độ năm 2023, sau đó nâng lên 5,1% vào năm 2025.

Xa hơn, các nhà phân tích tại ngân hàng Phố Wall Goldman Sachs cho biết Indonesia sẽ trở thành một trong năm nền kinh tế lớn nhất thế giới - nằm cùng nhóm với Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và Đức.

 

Giai đoạn trở mình ấn tượng của Indonesia là gần 10 năm Tổng thống Joko Widodo cải tổ nền kinh tế, biến nó thành một trong những thị trường đầu tư hấp dẫn nhất thế giới.

Ông Jokowi chi tiêu cho cơ sở hạ tầng mạnh tay hơn bất kỳ người tiền nhiệm nào khác. Phân bổ ngân sách cho cơ sở hạ tầng tăng vọt từ 154,7 nghìn tỷ rupiah (tương đương 9,9 tỷ USD) vào năm 2014 - thời điểm ông mới nhậm chức - lên 422,7 nghìn tỷ rupiah trong năm 2024, theo dữ liệu từ Bộ Tài chính Indonesia.

Ít nhất 16 sân bay, 18 cảng biển và hơn 2.000 km đường thu phí mới đã được xây dựng. Chính phủ của ông Jokowi nhấn mạnh các công trình này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải và xuất khẩu các mặt hàng chính của Indonesia.

Quả thực, sự mạnh tay của Jakarta đã mang lại thành quả. Năm 2023, FDI vào Indonesia tăng 3,7% lên mức cao nhất mọi thời đại là 47,3 tỷ USD. Khoảng 1/3, chủ yếu đến từ Trung Quốc, rót vào các ngành khai thác mỏ và kim loại.

Chia sẻ với Financial Times, các nhà kinh tế cho biết sự ổn định dưới thời ông Jokowi đã giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng. GDP bình quân đầu người cũng đi lên và tiến gần đến mức lý tưởng là 5.000 USD.

 

Thị trường lao động lớn nhất Đông Nam Á

Hiện tại, Indonesia là quốc gia đông dân thứ tư thế giới và thứ nhất Đông Nam Á. Với dân số khoảng 277 triệu người, các nhà đầu tư nước ngoài có thể dễ dàng tiếp cận nguồn lao động dồi dào, giá rẻ ở đây.

Trái ngược với một Trung Quốc đang già đi nhanh chóng, Indonesia có dân số trẻ. Độ tuổi trung bình của người dân “xứ sở vạn đảo” là 29 và 60% dân số dưới 40 tuổi.

Mức lương ở Indonesia khá thấp, dù có sự chênh lệch giữa các vùng. Chẳng hạn, mức lương ở thủ đô Jakarta rơi vào khoảng 4,9 triệu rupiah (tương đương 316 USD) mỗi tháng, trong khi ở khu vực Yogyakarta là gần 2 triệu rupiah (128 USD).

Mức lương này khá cạnh tranh so với Trung Quốc. Lương của người lao động Trung Quốc dao động từ trung bình 400 USD mỗi tháng ở Thượng Hải đến 226 USD ở Quảng Tây.

 

Tầng lớp trung lưu Indonesia đang phát triển khá nhanh, ít nhất 52 triệu người hiện được coi là ổn định về mặt kinh tế. Mặt khác, tầng lớp trung lưu đang chiếm gần 50% tiêu dùng hộ gia đình, so với mức 12% vào năm 2002.

Mở rộng nhóm này là chìa khoá để mở khoá tiềm năng tăng trưởng của Indonesia. Theo ước tính của ASEAN Briefing, tầng lớp trung lưu dự kiến sẽ đạt 90 triệu người vào năm 2030, tạo ra cơ hội kinh doanh trị giá 1,1 nghìn tỷ USD.

Mỏ tài nguyên cả thế giới khao khát

Tài nguyên khoáng sản là điểm mạnh khác của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, hễ nói đến Indonesia là phải nói tới trữ lượng kim loại. Tính chung, lĩnh vực khai thác mỏ (bao gồm dầu khí) đóng góp khoảng 10% cho GDP của quốc đảo này.

Trên hết, Indonesia là nơi có trữ lượng nickel lớn nhất thế giới, cùng với trữ lượng cobalt lớn thứ hai. Theo số liệu năm 2020 của Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản, trữ lượng nickel của Indonesia đạt khoảng 4,5 tỷ tấn.

Chính quyền Tổng thống Jokowi từng gây bất ngờ vào năm 2019 khi đột ngột cấm xuất khẩu quặng nickel. Động thái này đã tiếp thêm sinh lực cho ngành khai thác mỏ và kim loại nội địa bằng cách buộc các nhà tinh chế và sản xuất pin phải xây dựng nhà máy ngay tại Indonesia, qua đó hút thêm vốn đầu tư.

Quyết định của Jakarta cũng giúp nâng kim ngạch xuất khẩu nickel. Dữ liệu hải quan chỉ ra xuất khẩu nickel đã mang về cho Indonesia gần 22 tỷ USD vào năm 2022, cao gấp 16 lần năm 2014.

Ngoài nickel và cobalt, Indonesia còn nhiều tài nguyên khác từ than đá, bạc, vàng, đồng cho đến dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Nằm gần đỉnh núi cao nhất cả nước Puncak Jaya, mỏ Grasberg được cho là mỏ vàng lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, đây còn là mỏ đồng lớn thứ hai hành tinh.

Ông Jokowi đã đưa ra các biện pháp kiểm soát xuất khẩu tượng tự với bauxit, loại quặng dùng để sản xuất nhôm và chính phủ dự kiến sẽ áp dụng với đồng trong năm nay.

Hiện tại, trong bối cảnh cơn sốt xe điện và AI ngày càng nóng lên, Indonesia đang muốn hạn chế xuất khẩu những kim loại trên để tập trung vào sản xuất chất bán dẫn, pin xe điện và xe điện ở thị trường nội địa. Bản thân Indonesia đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất pin xe điện và xe điện lớn thứ ba thế giới vào năm 2027.

 

Nền kinh tế số lớn nhất Đông Nam Á

Như đã nói, nền kinh tế Indonesia từng thu hẹp trong đại dịch nhưng mức độ suy giảm tương đối nhỏ so với các nước ASEAN khác. Một số nhà phân tích cho rằng sự phát triển của kinh tế số là động lực giúp nền kinh tế này bền bỉ như vậy.

Indonesia đang là nền kinh tế internet lớn nhất và phát triển nhanh nhất Đông Nam Á - hơn 215 triệu người có thể tiếp cận internet vào năm 2023, trong đó 10% đã tham gia mua sắm trực tuyến.

Hiếm nơi nào trên thế giới tập trung nhiều startup như Indonesia. Hiện quốc đảo này có hơn 2.100 startup, chỉ sau Mỹ, Ấn Độ, Anh và Canada. 5 startup đã bước lên hàng kỳ lân và một đã chạm cột mốc siêu kỳ lân.

Báo cáo năm 2020 do Google, Temasek và Bain & Co. thực hiện ước tính nền kinh tế số của Indonesia sẽ đạt quy mô 124 tỷ USD vào năm 2025, chủ yếu được hỗ trợ bởi thương mại điện tử, du lịch, gọi xe và truyền thông trực tuyến.

Quy mô ước tính của nền kinh tế số Indonesia cao hơn gấp đôi so với các thị trường xếp ngay sau là Thái Lan (53 tỷ USD) và Việt Nam (52 tỷ USD).

Những thách thức

Indonesia quả thực là một đất nước có thể mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng đáng kinh ngạc cho doanh nghiệp quốc tế. Song, cơ hội cũng đi kèm với thách thức.

Thách thức thứ nhất liên quan đến đặc điểm địa lý của Indonesia. Nổi tiếng là “xứ sở vạn đảo”, Indonesia là một quần đảo tập hợp hơn 17.000 hòn đảo lớn nhỏ. Điều này khiến giao thông vận tải và logistics trở thành một hoạt động phức tạp.

Cho nên, chìa khoá để khai thác tiềm năng của Indonesia là kết nối hơn 17.000 hòn đảo đó lại bằng mạng lưới sân bay, đường sắt, tàu hoả và đường thu phí rộng khắp. Nhưng bất cập xuất hiện ở đây.

Tuy chính quyền Tổng thống Jokowi đã mạnh tay đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhiều dự án lại không tạo ra tác động như kỳ vọng.

Theo Bloomberg, một sân bay tầm cỡ trên hòn đảo lớn nhất của Indonesia tự hào có công suất hàng năm sánh ngang với sân bay Sydney của Australia, nhưng mỗi tuần chỉ phục vụ vài chuyến bay.

Ở nơi khác, giá vé quá cao khiến người dân địa phương e ngại đi tàu cao tốc đầu tiên ở Đông Nam Á, phương tiện được cho là nhanh hơn tàu Shinkansen của Nhật Bản.

Tại đảo Sumatra, những đoạn đường thu phí đắt đỏ không có mấy xe qua lại, đến mức chúng trở thành nơi sinh sống của gia súc hoặc được người ta sử dụng để học lái xe.

Là hệ quả từ các gói đầu tư hạ tầng quy mô lớn của chính quyền ông Jokowi, các công ty nhà nước đang phải gánh những khoản nợ khổng lồ.

Tổng nợ phải trả của 5 công ty xây dựng nhà nước lớn đã chạm mức cao nhất mọi thời đại là 295 nghìn tỷ rupiah vào năm 2020, theo dữ liệu của Bloomberg. Khối nợ còn 287 nghìn tỷ rupiah vào năm 2022 - gấp hơn 6 lần so với thời điểm ông Jokowi nhậm chức.

Hai công ty Waskita Karya và Wijaya Karya phải bán bớt tài sản và trì hoãn thanh toán lãi trái phiếu, làm dấy lên lo ngại rằng khó khăn sẽ lan sang các doanh nghiệp khác bởi phần lớn nợ của họ do các ngân hàng nhà nước và khu vực nắm giữ.

Ở diễn biến khác, dù Indonesia đã thành công vượt trội so với nhiều quốc gia ASEAN khác trong việc hút FDI, vốn đầu tư vẫn chưa giúp nâng cao nguồn nhân lực, một trong những mục tiêu phát triển quan trọng nhất của Indonesia.

Đầu tư của chính quyền Jakarta vào nghiên cứu và phát triển cùng giáo dục đại học là thấp nhất trong số các quốc gia G20. Năng lực đổi mới của quốc đảo này bị tụt hậu đáng kể so với xu hướng chung toàn cầu.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Prabowo Subianto sẽ lên thay ông Jokowi làm tổng thống Indonesia vào tháng 10 tới. Chính phủ mới sẽ hưởng thụ những quả ngọt mà chính quyền tiền nhiệm tạo ra, nhưng cùng lúc phải gánh vác trọng trách giải quyết những vấn đề mà họ chưa thể tháo gỡ.

 

(Trích từ Đặc san Doanh nhân số tháng 6/2024)