Indonesia miễn thuế xuất khẩu dầu cọ để giải phóng hàng tồn

Phương Lê 16:32 | 18/07/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nhằm giải phóng hàng tồn tại các kho dự trữ, Indonesia miễn thuế xuất khẩu dầu cọ từ 15/7 đến hết tháng 8.

Các quan chức bộ Tài chính Indonesia cho biết nước này đã loại bỏ thuế xuất nhập khẩu đối với tất cả sản phẩm dầu cọ cho đến ngày 31/8 trong một nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu và giảm lượng hàng tồn kho cao. Động thái này được thực hiện chỉ vài tháng sau khi Indonesia ban hành lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ kéo dài 3 tuần.

Phía Indonesia cho rằng hành động này không tác động đáng kể đến nguồn thu của chính phủ. Quyết định của nhà xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới có thể làm giảm thêm giá dầu cọ trên thị trường toàn cầu, vốn đã giảm khoảng 50% kể từ cuối tháng 4 xuống mức thấp nhất trong hơn một năm. 

Cách đây 3 tháng, Indonesia ban hành lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ kéo dài 3 tuần đến ngày 23/5 nhằm bình ổn giá lương thực trong nước. Lệnh cấm này khi đó đã tác động khiến giá các mặt hàng dầu ăn tăng vọt trên thị trường quốc tế, đồng thời làm hụt thu của Indonesia khoảng 3 tỷ USD từ xuất khẩu dầu cọ.

Lệnh cấm được gỡ bỏ chỉ sau 3 tuần áp dụng, nhưng các nhà sản xuất dầu cọ Indonesia từ đó đến nay đã phải vật lộn với lượng hàng tồn kho cao đáng kể. Lượng dầu cọ tồn kho cao cũng buộc các nhà máy hạn chế mua trái cọ, khiến người nông dân không bán được hàng. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Dầu cọ Indonesia (GAPKI), vào cuối tháng 5, có 7,23 triệu tấn dầu cọ thô trong các bồn chứa khắp đất nước. 

Các động thái nhằm giải phóng hàng tồn trong các kho dự trữ lập tức được nước này đưa ra, trong đó có quy định về bán hàng địa phương bắt buộc, được gọi là quy tắc thị trường nội địa (DMO) để giữ sản phẩm trong nước được sản xuất thành dầu ăn. 

Đồng thời, giới chức Indonesia đã cố gắng giải quyết các bể chứa dầu tồn kho bằng cách cắt giảm thuế xuất khẩu và khởi động chương trình tăng tốc vận chuyển. Tuy nhiên đến nay, tốc độ xuất khẩu vẫn chậm. Các công ty đã đổ lỗi cho các quy tắc DMO, cũng như các vấn đề trong việc đảm bảo an toàn cho tàu chở hàng. 

Ông Febrio Kacaribu, người đứng đầu cơ quan chính sách tài khóa của Bộ Tài Chính nói với truyền thông bên lề cuộc họp Bộ trưởng Tài chính G20 ở Bali rằng các chính sách giải quyết dầu cọ tồn kho không tác động nhiều tới nguồn thu của Chính phủ. 

Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati cho biết thuế xuất khẩu dầu cọ lũy tiến sẽ được áp dụng bắt đầu từ ngày 1/9, với các mức từ 55 đến 240 USD/tấn đối với dầu cọ thô. Tổng thư ký Eddy Martono cho biết GAPKI hoan nghênh biện pháp mới của Indonesia trong việc kích thích xuất khẩu dầu cọ nhưng cũng khuyến nghị xóa bỏ các quy tắc DMO. Ông nói với Reuters: "Hiện tại, hãy loại bỏ DMO cho đến khi lượng dự trữ giảm xuống còn 3 triệu đến 4 triệu tấn. Vấn đề của chúng tôi là tồn kho quá cao". 

Indonesia hiện là nước sản xuất, xuất khẩu và tiêu thụ dầu cọ hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 60% tổng nguồn cung. Năm 2021, Indonesia sản xuất gần 46,9 triệu tấn dầu cọ, 40% trong đó được tiêu thụ trong nước, còn lại là xuất khẩu. Indonesia thu 35 tỷ USD từ xuất khẩu dầu cọ năm 2021, tăng trên 50% so với năm 2020 nhờ giá tăng.

Năm nay, nước này đặt kế hoạch sản xuất 49 triệu tấn dầu cọ, trong đó xuất khẩu 33,21 triệu tấn. Số liệu của Chính phủ Indonesia cho thấy, xuất khẩu dầu cọ đã tăng trong tháng 6, lên 1,76 triệu tấn; nhưng hợp đồng tương lai dầu cọ tuần này đã giảm 14%.