JPMorgan: 2022 sẽ đánh dấu cái kết của đại dịch và phục hồi kinh tế hoàn toàn
Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới năm 2022 của JP Morgan cho biết, vaccine và các phương pháp điều trị mới sẽ giúp “dập” dần đại dịch và dẫn đến sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ theo chu kỳ, hoạt động di chuyển sôi động trở lại và sự giải phóng nhu cầu bị dồn nén của người tiêu dùng.
Ông Marko Kolanovic, Giám đốc chiến lược thị trường toàn cầu của JPMorgan viết trong lưu ý gửi đến khách hàng ngày 8/12: "Quan điểm của chúng tôi là 2022 sẽ là năm kinh tế toàn cầu phục hồi hoàn toàn, đại dịch toàn cầu kết thúc và quay trở lại tình hình kinh tế bình thường mà chúng ta đã tận hưởng trước khi COVID-19 xuất hiện".
"Kịch bản này được đảm bảo bởi việc đạt được trạng thái miễn dịch cộng đồng và với sự trợ giúp từ trí thông minh của loài người, ví dụ như các phương pháp điều trị mới được kỳ vọng sẽ trở nên phổ biến rộng rãi trong 2022".
JPMorgan, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ kỳ vọng tiến bộ trong lĩnh vực y tế sẽ châm ngòi cho cuộc phục hồi "mạnh mẽ" trong nền kinh tế, đánh dấu bởi sự phục hồi của khả năng dịch chuyển lực lượng lao động toàn cầu và chi tiêu mạnh của người tiêu dùng và doanh nghiệp.
JPMorgan dự đoán thị trường chứng khoán Mỹ sẽ tiếp tục đà tăng trong năm sau nhưng với tốc độ thấp hơn năm nay. Ngân hàng cho rằng mục tiêu cuối năm 2022 của chỉ số S&P 500 là 5.050 điểm, cao hơn khoảng 7,4% so với mức hiện nay.
Ông Klonavic viết: "Trong 2021, các nền kinh tế trên toàn cầu đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc phục hồi và mở cửa trở lại. Tuy nhiên, thế giới vẫn còn nhiều việc phải làm vì quá trình phục hồi diễn ra không đồng đều, không đầy đủ và thường bị gián đoạn bởi các đợt bùng phát virus mới và nỗi sợ".
JPMorgan lưu ý rằng bất chấp vắc xin, miễn dịch tự nhiên và các biện pháp chống dịch, số người tử vong vì COVID-19 trong năm nay vẫn cao hơn năm ngoái. Ngân hàng cảnh báo về những vật cản phía trước, bao gồm việc chấm dứt chính sách tiền tệ dễ dàng của các ngân hàng trung ương.
"Khi cuộc phục hồi diễn ra, thị trường sẽ bắt đầu điều chỉnh với chính sách tiền tệ thắt chặt hơn. Quá trình này nhiều khả năng sẽ gây ra biến động".
Ông Kolanovic nói thêm rằng sự chuyển biến này sẽ là "lực cản" đối với các thị trường có định giá cao như Nasdaq.
Theo CNN, các rủi ro khác mà JPMorgan nhắc đến bao gồm căng thẳng địa chính trị tại châu Á và châu Âu, sự bất ổn xung quanh lạm phát cao và "cuộc khủng hoảng năng lượng đang rình rập".
Trong khi Citigroup hôm 7/12 dự đoán trung bình giá dầu Mỹ sẽ chỉ ở mức 59 USD/ thùng trong quý IV năm sau, JPMorgan vẫn lạc quan về thị trường năng lượng. Ngân hàng kỳ vọng dầu thô ở mức 86 USD/thùng vào cuối năm 2022 và giá dầu Brent sẽ là 90 USD/thùng.