Khởi nghiệp cần đi vào thực chất
Nếu như năm 2016 được coi là năm khởi động của khởi nghiệp thì năm 2017 chính là năm tăng tốc của khởi nghiệp khi đã có nhiều hỗ trợ nổi bật, từ sự hoàn thiện của hệ sinh thái khởi nghiệp, nhưng cũng có không ít các chướng ngại vật phải vượt qua.
Trong năm 2017, các quỹ đầu tư cho khởi nghiệp được thành lập nhiều hơn, các thương vụ gọi vốn và góp vốn cũng lớn hơn. Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định về đầu tư khởi nghiệp sáng tạo giúp tạo hành lang pháp lý rõ ràng hơn để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước rót vốn vào các dự án khởi nghiệp tiềm năng ở Việt Nam. Không chỉ vậy, năm 2017, Việt Nam có công ty đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán NASDAQ, sàn giao dịch điện tử lớn nhất nước Mỹ.
Những con số ấn tượng trên đã khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, làm sao để start-up không phải là phong trào trong một lúc mà liên tục, dài hơi, bền vững.
Khảo sát của Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu (GEN) đánh giá, Việt Nam được xếp vào nhóm 20 nền kinh tế khởi nghiệp cao nhất nhưng lại nằm trong nhóm 20 quốc gia có khả năng thực hiện các kế hoạch kinh doanh thấp nhất. Đa phần các khởi nghiệp trẻ vẫn còn tập trung vào ý tưởng sản phẩm mà quên đi việc lên bài toán lớn về năng lực và khả năng vận hành của bản thân doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia và nhà đầu tư, với môi trường kinh doanh năng động sẽ có rất nhiều cơ hội kinh doanh cho các khởi nghiệp trẻ. Nhưng chính điều đó đang cám dỗ các khởi nghiệp nhảy vào thị trường quá nhanh. Sự vấp ngã là điều khó tránh khỏi và khởi nghiệp cần đi vào thực chất hơn.
Khởi đầu năm mới 2018 mở ra những cơ hội mới cho cộng đồng khởi nghiệp. Khởi nghiệp cần trở thành động lực thực sự cho khối doanh nghiệp phát triển lớn mạnh hơn. Để làm được điều đó rất nhiều người đã kỳ vọng vào việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động, phát triển và có nhiều dự án start-up huy động vốn thành công hơn nữa trong năm 2018.
Theo VTV