Khu vực nào sẽ được chọn để xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô?

Đông Bắc 15:09 | 07/10/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
UBND thành phố Hà Nội vừa có Quyết định số 3627 phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030. Trong đó, Hà Nội sẽ phát triển đô thị vệ tinh và các khu vực dự kiến phát triển thành quận; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô.

 

 Việc phát triển nhà ở của  thành phố Hà Nội trong giai đoạn 2021-2030 gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng quy hoạch, kiểm soát chặt chẽ, quản lý theo quy hoạch, hạn chế tối đa việc điều chỉnh quy hoạch; quản lý chặt chẽ phát triển nhà ở cao tầng và gia tăng dân số tại khu vực đô thị trung tâm; phát triển, hiện đại hóa đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị theo hướng bền vững.

Hà Nội sẽ phát triển đô thị vệ tinh và các khu vực dự kiến phát triển thành quận; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai); xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài; tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên sông Hồng và sông Đuống...

 Hà Nội xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc và phía Tây. Ảnh MH.

 Bên cạnh phát triển nhà ở bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, sử dụng quỹ đất tiết kiệm, hiệu quả, Hà Nội cũng chú trọng phát triển đa dạng các loại hình nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội, nhà chung cư, nhà cho thuê, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp dân cư, đặc biệt là đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở...

Dự báo nhu cầu tổng thể nhà ở giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn thành phố là 89 triệu mét vuông sàn. Trong đó, nhu cầu nhà ở giai đoạn 2021-2025 khoảng 44 triệu mét vuông sàn; giai đoạn 2026-2030 là 45 triệu mét vuông sàn. Dự báo nhu cầu vốn đầu tư xây dựng nhà ở giai đoạn 2021-2030 là khoảng 880.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách khoảng 11.700 tỷ đồng.

Đến năm 2025, thành phố phấn đấu diện tích sàn nhà ở bình quân đạt 29,5m2/người; phát triển mới 22,5 triệu mét vuông sàn nhà ở riêng lẻ; khoảng 1,25 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội; khoảng 0,565 triệu mét vuông sàn nhà ở tái định cư; 19,69 triệu mét vuông sàn nhà ở thương mại.

Triển khai cải tạo, xây dựng lại 4 khu chung cư cũ có nhà nguy hiểm cấp D (Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, tập thể Bộ Tư pháp), các khu chung cư, nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại có phát sinh trong quá trình kiểm định và các khu chung cư, nhà chung cư khác có tính khả thi, đủ điều kiện để triển khai theo quy định.

Đến năm 2030, diện tích sàn nhà ở bình quân đạt 32m2/người; phát triển mới khoảng 22,5 triệu mét vuông sàn nhà ở riêng lẻ; 2,5 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội; 1,3 triệu mét vuông sàn nhà ở tái định cư; 15,19 triệu mét vuông sàn nhà ở thương mại. Triển khai cải tạo, xây dựng lại 10 khu chung cư cũ (6 khu có tính khả thi cao: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân và hoàn thành 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D).

Không đồng ý xây sân bay thứ hai ở Thường Tín

Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã có buổi tiếp xúc với cử tri tại Thường Tín trước kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV. Tại buổi tiếp xúc, cử tri tại huyện Thường Tín cho biết, huyện Thường Tín hiện đang triển khai quy hoạch vùng huyện tới năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch các khu, cụm, điểm công nghiệp; đặc biệt hiện đã có Quy hoạch hướng tuyến đường sắt Bắc Nam. Do đó, cử tri đề nghị Trung ương không  xây dựng sân bay ở huyện Thường Tín.

 Cử tri đề nghị không xây sân bay tại huyện Thường Tín. Ảnh BNB.

Cử tri cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải có văn bản chấp thuận để huyện sớm đầu tư xây dựng cầu vượt Dương Trực Nguyên để giảm tải mật độ giao thông khu vực trung tâm huyện. Đề nghị điều chỉnh lại tên Khu đô thị vệ tinh Phú Xuyên là khu đô thị vệ tinh Phú Tín…

Bên cạnh đó, cử tri cũng đề nghị UBND thành phố Hà Nội có chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn để giải quyết các tồn tại trong thực hiện dự án, xây dựng công trình theo quy định pháp luật của nhà nước và tuân thủ theo Quy hoạch đô thị vệ tinh Phú Xuyên đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000 đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt đối với Công ty cổ phần Phong Phú, tại xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín.

Các Đại biểu Quốc hội thành phố khẳng định sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến, kiến nghị của cử tri để chuyển tới các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết, trả lời cử tri theo thẩm quyền.