Giá vật liệu tăng chóng mặt, thị trường bất động sản sẽ ra sao?

Duy Anh 11:59 | 30/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã nêu thực trạng giá nguyên liệu đầu vào xây dựng tăng chóng cao đang khiến các nhà thầu gặp khó. Đồng thời, điều này cũng ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản sau dịch COVID-19.

Cụ thể, Hiệp hội cho biết xi măng là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc tăng giá than. Hiện giá than trong nước tăng bình quân từ 7 - 10%, dầu DO dùng để đốt khi mới sấy lò tăng giá trên 10% và hàng loạt phụ gia dùng trong sản xuất xi măng cũng tăng giá. Trong khi đó, giá than chiếm 40 - 45% giá thành sản xuất xi măng. 

Từ ngày 25/10, giá xi măng đã tăng rất mạnh, trung bình từ 80.000 - 100.000 đồng/tấn và đang gây sốc cho thị trường vật liệu xây dựng (VLXD).

Tình trạng bão giá vật liệu xây dựng giống hồi đầu năm có lặp lại? Ảnh: Báo Thanh Niên

Đồng thời, từ đầu tháng 10 trở lại nhiều doanh nghiệp (DN) thép đã điều chỉnh mức tăng giá bán khoảng 17.000 - 192.000 đồng/kg. Cụ thể, giá thép cuộn CB240 của Tập đoàn Hòa Phát tăng 460 đồng/kg, hiện ở mức 16.770 đồng/kg. Thép cây D10 CB300 tăng 410 đồng/kg, lên mức 16.820 đồng/kg. Công ty Thái Nguyên cũng tăng giá thép CB240 thêm 860 đồng/kg, lên mức 17.200 đồng/kg, thép D10CB300 tăng 260 đồng, lên mức 17.260 đồng/kg. Các công ty khác cũng tăng từ 200 - 400 đồng/kg.

Đây không phải tình trạng lần đầu diễn ra, hồi đầu năm 2021  thép tăng giá chóng mặt so với năm 2020 khiến các bộ ngành phải vào cuộc kiểm tra. Hay giá các loại kính hiện cũng tăng hơn 30% so với đầu năm 2021. Rồi hàng loạt VLXD khác cũng theo hiệu ứng tăng cao theo. 

Bộ Xây dựng cũng cho biết chỉ số giá xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng 3,82% so với cùng kỳ năm 2020, nguyên nhân chính được chỉ ra từ việc tăng giá của các nguyên vật liệu đầu vào như: giá thép xây dựng tăng 30 - 40% (mức tăng này được xem là không theo quy luật thông thường), giá nhựa đường tăng 9 - 10%, giá xi măng tăng 3 - 5%... Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp cả trong nước và trên thế giới làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Một số vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất VLXD phải nhập khẩu dẫn đến nguy cơ thiếu hụt, từ đó làm tăng giá VLXD…

Hệ quả phía chịu ảnh hưởng đầu tiên chính là các nhà thầu thầu xây dựng.  việc giá nhiều loại vật liệu xây dựng tăng cao như vậy, các công ty xây dựng đã gặp nhiều khó khăn trong thi công công trình. Việc nhận thầu các công trình phải chững lại, thậm chí không dám nhận thầu do nhiều yếu tố khác nhau. 

Công trình xây dựng thì chi phí sắt thép chiếm khoảng 15-20% (thuộc nhóm chi phí xây dựng). Giá sắt thép tăng lên 50% buộc chủ đầu tư phải điều chỉnh giá bán thêm 5-10%, thậm chí 15%. Trường hợp không điều chỉnh giá bán, chủ đầu tư phải chấp nhận giảm kỳ vọng lợi nhuận xuống.

Việc giá thép tăng trong thời gian qua đã tạo nên rất nhiều khó khăn cho chủ đầu tư và cả các đơn vị xây dựng. Đây là vấn đề cực kỳ lớn của doanh nghiệp, một lời chia sẻ của một đại diện nhà thầu với báo chí. 

Bên cạnh việc khiến các nhà thầu đứng trước nguy cơ “vỡ trận” thì giá vật liệu tăng phi mã cũng tác động tới thị trường bất động sản. 

Ông Trần Đức Vinh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trần Anh, phân tích với báo Thanh Niên rằng dịch bệnh kéo dài làm thị trường BĐS trầm lắng, giao dịch giảm mạnh nên khó tăng giá BĐS.

Nhưng một vấn đề phát sinh là do giá VLXD tăng mạnh mà trước đó nhà thầu đã ký hợp đồng “chốt” với chủ đầu tư nên họ tìm cách kéo dài tiến độ thi công, làm cho dự án bị chậm tiến độ. Hệ quả chủ đầu tư có thể bị khách hàng phạt vì chậm bàn giao nhà ở theo hợp đồng. 

Điều này làm thiệt hại cả hai phía nhà thầu xây dựng lẫn những người đứng đằng sau các dự án bất động sản: “Giá VLXD tăng theo nguyên tắc buộc chủ đầu tư phải tăng giá bán căn hộ. Tuy nhiên, hiện nay thị trường trầm lắng, lượng khách hàng ít nên chủ đầu tư buộc lòng phải cắt giảm lợi nhuận để giữ giá bán và kéo khách hàng”, ông Vinh cho hay.

Hội Môi giới BĐS VN nhận định rằng, giá VLXD tăng phi mã thời gian qua đã kéo theo căn hộ chung cư đã tăng 4 - 6% trong thời gian gần đây. Dự báo giá sẽ còn tăng từ 10 - 15% trong thời gian tới. 

Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) Nguyễn Quốc Hiệp nhận định hiện nhà thầu xây dựng thông tin rằng hiện các nhà thầu đều gặp khó mà không có cách tháo gỡ do các chủ đầu tư không phải vốn nhà nước đa số đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định và không điều chỉnh ở thời điểm ký, trừ trường hợp bất khả kháng. 

Thực tế cho thấy cả chủ đầu tư lẫn nhà thầu xây dựng đều phải giải bài toán khó mang tên vật liệu xây dựng tăng giá. Hiện đơn giá xây lắp đang bị đội cao hơn hẳn so với dự toán ban đầu, ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư. Với sản phẩm bất động sản thì một điều có thể xảy ra là tất cả chi phí này sẽ được tính vào giá bán và người mua nhà sẽ phải "trả hết". 

 

Hưởng lợi từ giá vật liệu tăng cao, doanh nghiệp thép lãi lớn

Nhiều doanh nghiệp ngành thép đã công bố kết quả tài chính quý 3 với lợi nhuận khủng, vượt kế hoạch cả năm gấp nhiều lần bình thường chỉ sau 9 tháng.

CTCP Đầu tư Thương mại SMC (HOSE: SMC) đã công bố báo cáo tài chính quý 3 với doanh thu đạt 4.140 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước, song lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 127 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. SMC cho biết, sản lượng tiêu thụ quý 3 chỉ bằng 53% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhờ giá bán duy trì ở mức cao, giá vốn ở mức bình quân thấp giúp biên lợi nhuận tốt, đảm bảo bù đắp toàn bộ chi phí cố định và có lãi.

CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (HOSE: TLH) cũng là đơn vị hưởng lợi từ giá cả thị trường sắt thép tăng mạnh giúp doanh thu bán hàng trong kỳ tăng 15 tỷ đồng so với cùng kỳ, lên mức 909 tỷ đồng. Lãi sau thuế đạt 106 tỷ đồng, tăng 8,5 lần so với quý 3/2020.

CTCP Thép Mê Lin (HNX: MEL) báo lãi ròng quý 3 tăng 17 tỷ đồng so với năm ngoái. Phía MEl giải trình, do biến động giá thép trong nước tăng trong khi lượng hàng tồn kho của công ty vẫn ở giá tương đối thấp nên lợi nhuận tăng.

Tất nhiên, không thể kể đến doanh nghiệp đầu ngành Tập đoàn Hòa Phát công bố kết quả kinh doanh quý 3 lời kỷ lục lên đến 10.000 tỷ đồng, tăng tương ứng 56% và 170% so với cùng kỳ. Tổng kết 9 tháng đầu năm, nhờ giá thép mà Hòa Phát ghi nhận doanh thu hơn 105.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 27.100 tỷ đồng, tăng hơn 60% và 200% so với cùng kỳ. Với kết quả này, Hòa Phát đã vượt 45% kế hoạch lợi nhuận của năm 2021.