Kienlongbank đặt mục tiêu lợi nhuận đạt 1.000 tỷ đồng năm 2021
Năm 2021, Kienlongbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 1.000 tỷ đồng, gấp 6 lần so với năm 2020.
Theo tài liệu họp cổ đông thường niên năm 2021, ngân hàng TMCP Kiên Long, nhà băng này đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2021 lên tới 1.000 tỷ đông, so với con số 158 tỷ đồng năm 2020, kế hoach lợi nhuận năm nay của Kienlongbank tăng tới 532%. Nếu đạt lợi nhuận này thì Kienlongbank sẽ đạt mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động.
Tổng tài sản tại thời điểm cuối năm dự kiến đạt 66.800 tỷ đồng, tăng 16,62% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cấp tín dụng tăng 28,47% lên 44.600 tỷ đồng.Tổng nguồn vốn huy động tăng 14,08% lên 59.400 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu mục tiêu kiểm soát dưới 2%.
Kienlongbank có tổng cộng 176 triệu cổ phiếu STB phải xử lý với dư nợ có khả năng mất vốn liên quan đến khoản vay này là gần 1.900 tỷ đồng. Trên thị trường, STB gần đây giao dịch giá trên 20.000 đồng/cổ phiếu, với 176 triệu cổ phiếu bán được, Kienlongbank có thể thu về khoảng 3.500 tỷ đồng, sau khi trừ vốn và các khoản phí liên quan khác, ngân hàng chắc chắn cộng thêm vào lợi nhuận phần không nhỏ và mục tiêu lợi nhuận 1.000 tỷ có thể gọi là nằm trong tầm tay.
Năm nay Kienlongbank có kế hoạch mở rộng thêm 18 điểm trong đó có 5 chi nhánh và 13 phòng giao dịch, đưa tổng số phòng giao dịch lên 152.
Hiện HĐQT ngân hàng có 6 thành viên, ngân hàng muốn tăng số lượng thành viên của nhiệm kỳ 2018 - 2022 lên 8 thành viên, trong đó có 1 thành viên độc lập, nên tại đại hội lần này ngân hàng sẽ bầu bổ sung 2 thành viên. Hiện tại ngân hàng chưa công bố danh sách ứng cử viên vào HĐQT nên chưa rõ ai sẽ được bầu bổ sung đợt này.
Trước đó hồi cuối tháng 1, Kienlongbank đã tổ chức đại hội cổ đông bất thường và bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT, trong đó có chủ tịch mới và 1 phó chủ tịch mới - đều đến từ nhóm cổ đông mới của ngân hàng.
Năm 2020 ngân hàng Kienlongbank đạt lợi nhuận sau thuế 126 tỷ đồng, sau khi trích lập các quỹ ngân hàng còn lại 98 tỷ đồng, kết hợp với lợi nhuận để lại các năm trước là hơn 317 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/12/2020, tổng tài sản của ngân hàng tăng 12% so với cuối năm trước, lên 57.282 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 3,7%, đạt 34.716 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 27,6%, đạt 42.018 tỷ đồng.
Kienlongbank có khoảng hơn 415 tỷ đồng chưa phân phối và ngân hàng định dùng toàn bộ số lợi nhuận này để chia cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 13% trong năm nay, qua đó tăng vốn điều lệ lên 3.653 tỷ đồng.
Tổng số dư nợ xấu là 1.883 tỷ đồng, gấp 5,5 lần so với cuối năm 2019; trong đó, nợ có khả năng mất vốn là 1.782 tỷ đồng, chiếm gần 95%. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 5,4%.
Nợ xấu của Kienlongbank tăng mạnh do việc hạch toán khoản nợ của nhóm khách hàng có tài sản đảm bảo là cổ phiếu của Sacombank (STB) vào nợ nhóm 5 theo quyết định chỉ đạo của NHNN.
Kienlongbank đồng thời dự kiến chia cổ tức 2020 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 13% trong năm 2021. Sau khi hoàn thành việc chia cổ tức, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ 3.237 tỷ lên 3.653 tỷ đồng. Còn tỷ lệ cổ tức 2021 dự kiến là 17%.
Một nội dung đặc biệt dự kiến được thông qua tại đại hội cổ đông sắp tới là ngân hàng này bổ sung thêm tên viết tắt bằng tiếng Anh là KSBank bên cạnh tên Kienlongbank hiện tại.
Cổ phiếu Kienlongbank (mã KLB) đang giao dịch tích cực trên sàn UPCoM. Đóng cửa phiên sáng 9/4, KLB tăng 8% lên 22.900 đồng. Trong một tháng gần nhất, giá cổ phiếu ngân hàng này tăng 24% trong khi thị trường chung chỉ tăng bình quân 6%.
Nguyễn Dung