Kinh tế ban đêm - Tiềm năng thúc đẩy BĐS du lịch phát triển
(DNVN) - Theo ông Phùng Văn Năng - Cố vấn cấp cao HĐQT, Công ty Hưng Lộc Phát, việc đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm không chỉ giúp tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội, mà còn giải quyết được vấn đề về việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó còn giúp níu giữ chân du khách, đây chính là “đòn bẩy” quan trọng giúp gia tăng giá trị BĐS ở khu vực phát triển mô hình kinh doanh này.
Nhận định trên được đại diện công ty Hưng Lộc Phát đưa ra tại Hội nghị Bất động sản Việt Nam 2019 diễn ra vào sáng 12/12 ở Hà Nội.
Chia sẻ về kinh tế ban đêm, ông Phùng Văn Năng cho biết: Kinh tế ban đêm - Night time economy (NTE) là sự kéo dài của một số ngành kinh doanh đặc thù, nhất là dịch vụ thương mại và du lịch. Nói cách khác, đây là các hoạt động kinh doanh dịch vụ từ 18h đến 6h sáng hôm sau, bao gồm ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, cho tới các điểm du lịch chỉ mở cửa vào ban đêm…
Trên thực tế từ các nước trên thế giới, kinh tế đêm đã mang lại những giá trị lớn, thúc đẩy đời sống kinh tế, xã hội; tạo giá trị thặng dư, góp phần thu hút ngoại tệ; tăng việc làm cũng như dịch vụ, tiêu dùng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo một nghiên cứu của Ernst & Young (E&Y), ngành công nghiệp về đêm đóng góp khoảng 6% GDP của nước Anh với quy mô xấp xỉ 66 tỷ bảng Anh, tạo ra hơn 1,25 triệu việc làm. Nền kinh tế ban đêm mang lại 120 tỷ USD cho Australia mỗi năm.
Giá trị của nền kinh tế dưới ánh đèn điện đã không ngừng tăng trưởng các năm qua khi nhiều quốc gia áp dụng chính sách mở cửa mạnh mẽ.
Tại Việt Nam, ông Năng cho biết, các khu phố đêm như Bùi Viện ở Thành phố Hồ Chí Minh, hay Tạ Hiện ở Hà Nội luôn là địa điểm hấp dẫn du khách thập phương và quốc tế. Mới đây, Chính phủ đã yêu cầu các bộ liên quan và các địa phương chủ động nghiên cứu chính sách kinh tế ban đêm. Tuy nhiên, trên thực tế, phát triển kinh tế ban đêm tại Việt Nam vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ; chưa tận dụng được văn hóa địa phương, một trong các yếu tố quan trọng hấp dẫn du khách; chưa tạo được nhiều sản phẩm phong phú, hệ sinh thái. Trong khi đó vẫn còn tồn đọng các vướng mắc về quản lý an ninh trật tự cũng như các chính sách và cơ sở hạ tầng chưa phù hợp để phát triển kinh tế ban đêm.
Mặt khác, dưới góc độ doanh nghiệp kinh doanh các dự án BĐS du lịch, ông Phùng Văn Năng nhìn nhận, kinh tế đêm hiện có thể chiếm đến 70% doanh thu của du lịch, giúp tăng trưởng GDP và giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động. Nếu một vùng đất đẹp hấp dẫn du khách đến thăm thì kinh tế ban đêm chính là sản phẩm “đỉnh” giúp giữ chân du khách và tối đa hóa lợi nhuận cho ngành du lịch. Tuy nhiên, trên thực tế, các dự án bất động sản dành cho du lịch rất nhiều, nhưng để tạo ra hệ sinh thái vui chơi giải trí để phục vụ cho du khách nghỉ dưỡng thì chưa nhiều và chưa đồng bộ.
Khảo sát cho thấy tất cả sản phẩm du lịch của Việt Nam hiện nay chủ yếu chỉ tập trung từ 7h sáng đến 17h chiều. Trong ngành du lịch, đây là các sản phẩm cứng, nhưng sản phẩm có thể thu được nhiều tiền nhất là từ 18h đến 24h, thì đến nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức, chưa được phát triển. Ông Năng đưa ra dẫn chứng tại dự án của công ty ở Bình Thuận nói chung và Phan Thiết nói riêng, chỉ làm các khu khách sạn, ressort, nhưng không có nhiều tiện ích nên khách đến 1 - 2 ngày nghỉ rồi đi. Do đó, ông Năng nhìn nhận, đây là cơ hội để đầu tư vào bất động sản giải trí để tạo tiền đề thu hút du lịch. Điều này sẽ tạo nên những cú huých, những điểm nhấn cho nơi đây bừng sáng cả ngày lẫn đêm.
Vì vậy, theo ông Năng để phát triển kinh tế đêm, việc quy hoạch lại, hạn chế những điều không tốt và phát huy cái tốt là điều ngành du lịch cần làm. Đồng thời, các nhà đầu tư khi phát triển dự án gắn liền với kinh tế ban đêm cần tập trung tối ưu trải nghiệm khách hàng; giữ gìn bản sắc địa phương; tạo dấu ấn trong thiết kế và văn hóa riêng cũng như đa dạng hóa, luôn làm mới các hoạt động.