Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh quý II âm 163 tỷ, HAGL của ‘bầu Đức’ vẫn thoát lỗ nhờ lợi nhuận khác

Lạc Lạc 15:29 | 31/07/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mới đây, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (mã: HAG) đã công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm hơn 61% so với cùng kỳ.

Thoát lỗ nhờ mua rẻ Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Bolaven

Theo đó, doanh thu thuần của HAGL trong quý II ghi nhận 1.450 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu trái cây 561 tỷ, doanh thu bán heo 443 tỷ và doanh thu bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ 445 tỷ. 

Thương hiệu heo ăn chuối là chiến lược kinh doanh phát triển trụ cột của HAGL. Tháng 3/2022, doanh nghiệp đã chính thức cho ra mắt sản phẩm thịt heo ăn chuối thương hiệu Bapi Food. Năm 2022, thịt heo đóng góp 33% doanh thu thuần và 450 tỷ đồng lãi gộp, bằng 2/3 mức lãi gộp của chuối. Giá heo hơi năm 2022 dao động quanh mốc 55.000 – 65.000 đồng/kg.

Sang năm 2023, giá heo liên tục ở mức thấp, thậm chí có lúc chạm đáy ở mức 45.000 đồng/kg khiến lợi nhuận qua từng tháng ở mảng heo gần như không có. Trong bối cảnh đó, mảng cây trái với sản phẩm chủ lực là chuối đã "cứu" lại doanh thu và lợi nhuận. 

Trong quý II, thị trường heo ghi nhận sự hồi phục đáng kể. Hiện, giá heo hơi trên thị trường đang dao động quanh mức 61.000 đồng/kg. Với giá này, HAGL đã có lãi gộp trở lại ở mảng chăn nuôi heo với 55 tỷ đồng, mảng cây ăn trái đóng góp 135 tỷ đồng.

Khi so sánh với quý II/2022, có 2 khoản mục chi phí trong quý II/2023 của HAGL giảm mạnh nhất là chi phí tài chính và chi phí bán hàng. Cụ thể, chi phí tài chính giảm mạnh 58%, xuống 363 tỷ do khoản dự phòng đầu tư tài chính dài hạn giảm gần 500 tỷ. Chi phí bán hàng giảm gần một nửa do chi phí vận chuyển và dịch vụ mua ngoài giảm. 

Do không còn khoản hoàn nhập dự phòng các công nợ phải thu như quý II/2022, HAGL vẫn ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh quý II âm gần 163 tỷ đồng.

Tuy vậy, nhờ có lãi từ hoạt động khác 247 tỷ đồng (chủ yếu đến từ lãi do giao dịch mua rẻ công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Bolaven) nên doanh nghiệp thoát lỗ và có lợi nhuận trước thuế gần 85 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 102 tỷ trong quý II.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, HAGL ghi nhận doanh thu 3.147 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên lãi trước thuế và sau thuế giảm 16% và 22% xuống 388 và 405 tỷ đồng, lợi nhuận chủ yếu thuộc về công ty mẹ. So với kế hoạch lợi nhuận cả năm là 1.130 tỷ đồng, HAGL đã thực hiện được 36% chỉ tiêu sau 6 tháng.

 Ảnh: Mai Trang tổng hợp từ BCTC doanh nghiệp. 

Đáng chú ý, theo trình bày trên BCTC, trong quý II này, HAGL đã mua mới 6 công ty con với tỷ lệ sở hữu gần như tuyệt đối, bao gồm: Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Bolaven (Lào), Công ty cổ phần Lê Me, Công ty TNHH sản xuất bột mỳ (Campuchia), CTCP Chế biến thức ăn gia súc Trà Bá, Công ty TNHH MTV Phát triển Nông nghiệp Hoàn Thịnh Attapeu (Lào) và công ty CP trồng trọt Gia Lai.

Trong đó, Công ty TNHH MTV Phát triển Nông nghiệp Hoàn Thịnh Attapeu (Lào) và công ty CP trồng trọt Gia Lai vẫn đang trong giai đoạn đầu tư, chưa chính thức hoạt động tại ngày lập BCTC.

Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của HAGL vào mức 21.342 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm. Trong kỳ, biến động đáng chú ý có các khoản phải thu ngắn hạn giảm mạnh, từ 6.765 tỷ còn 4.346 tỷ đồng. Ngược lại, khoản phải thu dài hạn tăng hơn 1.000 tỷ lên 3.608 tỷ. Tiền mặt chỉ có 50 tỷ. Hàng tồn kho còn 1.259 tỷ với chi phí sản xuất, kinh doanh cho chăn nuôi 805 tỷ, hoạt động sản xuất 293 tỷ. 

HAGL dành tới 618 tỷ dự phòng đầu tư tài chính dài hạn vào các đơn vị khác, trong khi giá trị góp thực tế 1.050 tỷ đồng. Các đơn vị HAGL góp vốn tính đến 30/6/2023 là CTCP Nông nghiệp Quốc tế HAGL (HAGL Agrico, mã: HNG) với 1.041 tỷ, CTCP Truyền thông Thanh niên 6,2 tỷ. 

Tổng nợ công ty đang vào mức 15.954 tỷ đồng, tổng nợ vay ngân hàng chiếm 8.085 tỷ đồng. Thuế thu nhập hoãn lại phải trả gần 400 tỷ. 

Vốn chủ sở hữu vào mức 5.388 tỷ đồng, HAGL đang lỗ luỹ kế 2.947 tỷ đồng. Liên quan đến khoản nợ với HAGL Agrico (đã thuộc về Thaco), hiện HAGL Agrico còn nợ hơn 1.500 tỷ đồng với HAGL.

Kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ để huy động vốn

Trong diễn biến mới nhất, HAGL vừa công bố Nghị quyết về việc chốt ngày đăng ký cuối cùng để lập danh sách cổ đông, nhằm thực hiện việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản thông qua phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Ngày đăng ký cuối cùng là 10/8, thời gian thực hiện dự kiến là tháng 9. Thông tin chi tiết về phương án chào bán chưa được ghi cụ thể.

Trước đó hồi tháng 4, Công ty đã không thành công trong đợt phát hành riêng lẻ thông qua hồi năm 2022, nguyên nhân do diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường không phù hợp với giá chào bán nên các nhà đầu tư đã từ chối mua.

Việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ là bước đi cần thiết của HAGL để có vốn mở rộng sản xuất kinh doanh, cũng như giảm nợ giúp cơ cấu vốn tốt hơn. Cụ thể, HAGL khi đó dự kiến chào bán gần 162 triệu cổ phiếu với mức giá 10.500 đồng/cp. Tổng số tiền dự kiến huy động là gần 1.700 tỷ đồng, HAGL sẽ dùng để bổ sung vốn cho các công ty con và thanh toán một phần nợ gốc trái phiếu. Danh sách nhà đầu tư tham gia gồm 2 tổ chức là Công ty TNHH Glory Land, CTCP Quản lý quỹ Việt Cát và 6 cá nhân (trong đó có 5 cá nhân là cổ đông của HAGL).

Dù vậy, thị trường không phù hợp nên các nhà đầu tư đã từ chối mua. Không huy động được tiền nên năm 2023, HAGL chỉ duy trì quy mô trồng trọt và chăn nuôi heo, không mở rộng. 

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT HAGL nhấn mạnh: “Giá heo mà lên 70.000 đồng/kg thì có quyền gáy lại”. Tại đây, ông cũng nhấn mạnh kế hoạch là vậy, nhưng nếu thị trường heo khởi sắc HAGL sẽ huy động vốn để mở rộng quy mô. Nhiều bên cũng cho rằng, giá heo sẽ khởi sắc hơn về cuối năm.Chia sẻ với báo chí hôm 13/7, đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng giá heo hơi sẽ còn tăng, có thể chạm mốc 70.000 đồng/kg, còn vượt mức này rất khó. Bởi, giá heo hơi ở nước ta đang cao hơn giá các nước lân cận như Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Lào...