Lịch sử PYD – Ông vua xe điện Trung Quốc, Kẻ thách thức Tesla
Con đường khởi nghiệp của đứa trẻ mồ côi
Wang Chuanfu (Vương Truyền Phúc) sinh năm 1966 trong 1 gia đình nông dân nghèo tại huyện Vô Vi, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Cha mẹ ông mất sớm khi ông đang học trung học. Wang được anh chị nuôi ăn học đến năm 1987, sau khi ông tốt nghiệp trường Đại học Công nghiệp Trung Nam, Wang vào làm việc tại Viện kim loại màu Bắc Kinh và đến năm 1990 thì ông hoàn thành chương trình thạc sĩ tại đây. Cũng từ đây, con đường của 1 công chức mẫn cán đang hiện ra trước mắt Wang.
Nhưng năm 1995, trong bối cảnh thị trường Trung Quốc mở cửa, Wang quyết định từ bỏ viện nghiên cứu để tạo dựng sự nghiệp của riêng mình. Khó khăn đầu tiên mà chàng trai mồ côi khởi nghiệp là vốn đầu tư. Sau khi chạy vạy khắp nơi thì cuối cùng ông cũng vay được 350.000 USD từ họ hàng để mở công ty sản xuất pin bằng nickel. Tuy nhiên, ông vẫn không đủ vốn để nhập dây chuyền tự động sản xuất ắc quy của Nhật Bản.
Vốn là 1 kỹ sư, Wang đã mày mò tìm hiểu qua sách kỹ thuật về sản xuất pin, thậm chí ông còn tháo rời pin của Sony và Sanyo để nghiên cứu cấu tạo. Quá trình nghiên cứu tốn khá nhiều thời gian và cũng gặp không ít thất bại. Thậm chí, Wang còn từng phải đối mặt với vụ kiện từ phía các nhà sản xuất pin như Sony và Sanyo, nhưng cuối cùng Wang đã dàn xếp ổn thỏa để tránh việc ra tòa.
Với tư duy của 1 nhà kinh doanh tài ba, thay vì phải mất 1 số tiền lớn để nhập khẩu hệ thống sản xuất tự động như Sony và Sanyo, Wang đã chọn cách tận dụng một trong những nguồn lực lớn nhất của Trung Quốc, đó là nguồn lao động kỹ thuật cao giá rẻ. Điều này đã giúp ông tiết kiệm được chi phí đầu tư đáng kể. Thay vì sử dụng hàng trăm cánh tay robot tự động với chi phi lên tới 100.000 USD cho mỗi thiết bị, Wang cắt giảm chi phí bằng cách thuê hàng trăm, rồi hàng nghìn nhân công.
Để quản lý chất lượng, Wang chỉ đạo chia nhỏ các khâu sản xuất ra thành các phần việc cơ bản, được thiết bị máy móc giám sát chặt chẽ. Chính việc sản xuất bán tự động này đã mang lại thành công vang dội cho Wang. Năm 2000, BYD đã trở thành nhà sản xuất pin điện thoại di động lớn nhất thế giới, cung cấp pin cho Nokia, Motorola, Sony, Samsung. Đã có thời kỳ các sản phẩm của Apple như iPod, iPhone cũng đều sử dụng Pin của BYD.
Rẽ lối sang ngành công nghiệp xe hơi
Công việc kinh doanh và sản xuất Pin đang thuận lợi, thì bất ngờ vào năm 2003, Wang mua lại 77% cổ phần của công ty sản xuất ô tô Quinchuan Auto với giá 279 nhân dân tệ. Quinchuan Auto lúc đó đang ở trong tình trạng kinh doanh thua lỗ triền miên, nhiều nhà phân tích nhận định, với người chân ướt, chân ráo bước vào ngành công nghiệp ô tô như Wang thì thất bại là điều khó tránh khỏi. Nhưng Wang không lại không cho là vậy, ông đã nhanh chóng áp dụng những phương thức sản xuất mà ông đã sử dụng trong sản xuất pin điện thoại và linh kiện để sản xuất ô tô.
Tuy nhiên, cách áp dụng này dường như lại không mấy phù hợp với xe hơi, khi mà mẫu xe đầu tiên do BYD sản xuất vấp phải những lời chỉ trích bởi chất lượng kém và kiểu dáng quê mùa, lạc hậu. Tuy vậy Wang vẫn kiên trì theo đuổi cách sản xuất ít tốn kém của mình. Ông đã thiết lập được một hệ thống nhà xưởng quy mô, với xưởng chính ở Xian được mở rộng, trung tâm R&D ở Thượng Hải, một trung tâm trưng bày xe mẫu ở Bắc Kinh và 1 văn phòng tiếp thị sản phẩm ở Shenzen. Vị doanh nhân trẻ tuổi này từng thổ lộ: “Tôi muốn sản xuất những chiếc xe phù hợp với túi tiền của mọi gia đình Trung Quốc”.
Khi đặt chân sang ngành công nghiệp ô tô, Wang đã triển khai kế hoạch kết hợp công ty sản xuất Pin của mình với công ty sản xuất ô tô nhằm mục đích chế tạo ra xe hơi chạy bằng điện. “Tôi tin rằng thời đại của nhiên liệu hoá thạch sắp kết thúc, để nhường chỗ cho các dạng năng lượng xanh và sạch”, Wang nói. Năm 2006, mẫu xe điện đầu tiên của BYD có tên là F3e, đã được ra mắt tại Bắc Kinh. Sau đó, các mẫu xe chạy bằng điện như F3DM, F6DM và E6 lần lượt được đưa vào sản xuất vào năm 2008.
Dù phải cạnh tranh gay gắt với những mẫu xe điện đến từ các thương hiệu nổi tiếng Renault, Nissan, Mercedes-Benz và General Motor, nhưng tự tin Wang khẳng định với chất lượng vượt trội của các loại pin và ắc quy của mình, anh sẽ đưa BYD trở thành công ty sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới năm 2025.
Cũng trong năm 2008, nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett đã mua 225 triệu cổ phiếu của BYD. Sau khi nhận được khoản đầu tư này, BYD phát triển mạnh mẽ, vào năm 2012, BYD nhận được đơn đặt hàng 500 chiếc xe BYD E6 được sử dụng làm taxi từ chính quyền thành phố Thâm Quyến. Tính đến cuối năm 2013 đã có tới 500 nghìn xe chở khách đã được BYD bán ra trên toàn Trung Quốc. Lúc này BYD đã nằm trong Top 10 những nhà sản xuất xe bán chạy nhất trong nước.
Vươn ra thế giới
Song song với việc phát triển trong nước, BYD đã lần lượt đưa những chiếc xe của mình đến với thị trường Châu Phi, Châu Mỹ và nhiều nơi khác trên toàn cầu. Công ty đã bắt đầu nhận được những đơn đặt hàng nhỏ từ Amsterdam, Frankfurt và Los Angeles… với sản phẩm xe bus điện.
Những năm gần đây, BYD mới bắt đầu tập trung vào mảng ô tô điện cá nhân, khi mà các hãng sản xuất xe không chỉ ở Trung Quốc mà trên toàn thế giới bắt đầu chạy đua trong việc sản xuất sản phẩm này. Mặc dù có rất nhiều đối thủ cạnh tranh ở cả trong nước cũng như thế giới, nhưng doanh số bán xe của BYD vẫn vô cùng khả quan, nhờ vào mức gia tương đối dễ chịu, số lượng xe sản xuất lớn và quan trong nhất là việc BYD có thể tự sản xuất Pin cho các sản phẩm của mình.
Năm 2018, BYD khánh thành nhà máy sản xuất Pin tại Thanh Hải, Trung Quốc, ước tính số nhà máy sản xuất Pin của BYD tại Trung Quốc có thể sản xuất được số lượng Pin lớn với tổng công suất lên tới 30.000 kW.
Một trong những chiếc xe nổi tiếng nhất của BYD phải kể đến là BYD Tang, chiếc xe này được sản xuất vào năm 2015 và tới 2016, thời điểm ô tô điện chưa nổi tiếng như hiện nay, công ty đã bán được hơn 31 nghìn chiếc. Tang trở thành chiếc xe điện bán chạy nhất năm 2016 tại Trung Quốc và nâng tầm thương hiệu của BYD.
Với giá bán chỉ tầm khoảng 240 nghìn NDT tương đương chưa tới 37.000 USD, chiếc xe đã nhắm thẳng vào phân khúc khách hàng trung lưu tại Trung Quốc và đạt được thành công lớn. Những năm sau đó, các phiên bản nâng cấp của BYD Tang vẫn là 1 trong những chiếc xe bán chạy nhất tại thị trường tỷ dân này.
Giữa năm 2020, BYD công bố kế hoạch mở rộng thị trường của mình ra Châu Âu, bắt đầu từ Na Uy. Trong tháng 3/2021 vừa qua, số lượng xe điện của BYD bán ra đạt hơn 16.000 xe, gấp đôi số xe điện được bán ra của Nio – 1 Startup xe điện mới nổi ở Trung Quốc. Tổng số xe điện bán ra trong quý I của hãng đạt 53.380 chiếc, nhỉnh hơn đôi chút so với số lượng xe truyền thống chạy xăng.
Cũng trong giai đoạn đầu năm nay, BYD cũng ký được hợp đồng đặt hàng xe bus điện với Bogotá, Colombia, dự kiến vào năm 2022 sẽ có 1.000 chiếc xe được giao tới đây nhằm phục vụ cho hoạt động giao thông công cộng.
Hiện tại, BYD có vốn hoá thị trường đạt 71,4 tỷ đô, đứng thứ 6 toàn cầu chỉ sao Tesla, Volkswagen, Toyota, GM, Daimler. Chỉ từ 1 công ty vô danh, BYD đã ghi tên mình vào bản đồ ngành công nghiệp ô tô điện của thế giới.
Khi xu hướng xe điện ngày càng trở nên phổ biến, BYD đã không giấu tham vọng là lật đổ Tesla để trở thành công ty số 1 trong ngành sản xuất ô tô điện. Và Wang hoàn toàn có cơ sở để thực hiện tham vọng này khi BYD đang nắm trong tay thị trường nội địa lên tới 1,4 tỷ người.