Loạt công ty trong hệ sinh thái của VNDirect cùng bị tấn công mạng
Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) trong thông cáo phát đi cho biết đã bị tấn công mạng. Công ty này cho biết hệ thống bị tấn công từ 10h sáng chủ nhật (24/3). Đến sáng nay, đội ngũ công nghệ đã "khắc phục được toàn bộ và đang trong quá trình kết nối trở lại để kịp thời gian giao dịch".
Tuy vậy, theo thông báo, việc hồi phục dự kiến sẽ mất thời gian. Công ty sẽ cập nhật với khách hàng.
Đến 12h30 hôm nay, website của Bảo hiểm PTI vẫn chưa thể đăng nhập.
Ngoài PTI, 2 công ty có liên quan tới VNDirect là Tập đoàn Đầu tư I.P.A (IPA) và Công ty Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán I.P.A (IPAAM) cũng ghi nhận tình trạng website không thể truy cập sáng 24/3. Trong đó, IPAAM thông báo "đang bảo trì và nâng cấp".
Trong khi đó, Công ty chứng khoán VNDIRECT (mã: VND) bị sập hệ thống khiến nhà đầu tư sáng đầu tuần chưa thể giao dịch được. Đến trưa 25/3, VNDirect phát đi thông báo mới nhất: "Chúng tôi xin thông báo, đây chỉ là sự cố bị tấn công và đã được khắc phục. Chúng tôi cam kết sẽ cố gắng hết sức để đưa giao dịch trở lại trong thời gian sớm nhất".
Theo VNDirect, toàn bộ hệ thống của đơn vị này bị tấn công bởi một tổ chức quốc tế dẫn đến toàn bộ nền tảng giao dịch (của VNDirect) bị tạm thời không truy cập được. Đội ngũ công nghệ của VNDirect đã nỗ lực hết sức để khôi phục nhưng do hạ tầng dữ liệu rất lớn nên sẽ cần thêm thời gian để kết nối.
Hiện tại, công ty cũng đang làm việc với các đối tác là các tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam, cũng như đã phối hợp xử lý cùng PA05, A05 để đảm bảo ngăn chặn sự cố tương tự như VNDirect cho an toàn của thị trường.
“Có rất nhiều cá nhân hoặc đội nhóm lợi dụng thời điểm này để tung các tin đồn bất lợi ảnh hưởng tới thị trường và VNDirect. Chúng tôi xin thông báo, đây chỉ là sự cố bị tấn công và đã được khắc phục. Chúng tôi cam kết sẽ cố gắng hết sức để đưa giao dịch trở lại trong thời gian sớm nhất.
Toàn bộ thông tin và tài sản của khách hàng đều được đảm bảo trạng thái an toàn, không ảnh hưởng bởi sự cố tấn công. Sự cố chỉ gây ảnh hưởng đến việc giao dịch hiện tại và chúng tôi đang nỗ lực tối đa để khôi phục toàn bộ hệ thống, hạn chế ảnh hưởng gián đoạn đến việc giao dịch của khách hàng ngày hôm nay (25/3).”, VNDirect thông báo.
Đến 10h40, trang chủ của VNDirect vẫn đang để thông báo về sự cố này. Nhà đầu tư là khách hàng tại VNDirect không thể đăng nhập để mua bán cổ phiếu.
Trước đó, từ đêm 24/3, fanpage của VNDIRECT cũng có thông báo về sự cố này. Theo quy định, nhà đầu tư có thể đặt lệnh trước giờ giao dịch chính thức là 9 giờ và đến 9 giờ 15 phút sẽ khớp lệnh cho đợt giao dịch mở cửa trên sàn HOSE. Riêng sàn HNX và UPCoM hệ thống giao dịch bắt đầu từ 9 giờ và khớp lệnh liên tục đến khi hết giờ. Không truy cập được đồng nghĩa các nhà đầu tư có tài khoản tại VNDIRECT sẽ phải đứng ngoài cuộc chơi trong phiên khớp lệnh mở cửa. VNDIRECT là một trong những công ty chứng khoán lớn có mặt đầu tiên trên thị trường chứng khoán nên số lượng khách hàng cũng rất đông.
Hiện tại, ở PTI, VNDirect là cổ đông lớn thứ 2. VNDirect sở hữu hơn 16 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 20% vốn PTI, chỉ xếp sau Công ty TNHH Bảo hiểm Dongbu nắm giữ 30 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 37,32%). Bà Phạm Minh Hương - Chủ tịch Hội đồng quản trị PTI - cũng là Chủ tịch của VNDirect.
Bảo hiểm PTI thành lập năm 1998. Đến hết năm 2023, tổng tài sản của PTI ghi nhận ở mức 8.289 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 2.064 tỷ đồng.
Trong khi đó, Chứng khoán VNDirect thành lập năm 2006. Tới cuối 2023, tổng tài sản của công ty đạt hơn 41.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu trên 12.100 tỷ đồng và là một trong những thành viên lớn nhất thị trường.
Tới cuối 2023, tổng tài sản của công ty đạt hơn 41.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu trên 12.100 tỷ. VNDirect quản lý hơn 83.000 tỷ đồng tài sản và các khoản phải trả về tài sản của khách hàng.
Bảo hiểm PTI kinh doanh ra sao?
Đầu năm 2024, Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI - Mã: PTI) đã công bố báo cáo tài chính riêng lẻ quý IV, với lợi nhuận trước thuế tăng gần 2.576% so với cùng kỳ. Lũy kế cả năm, công ty đã thoát lỗ mang về khoản lãi sau thuế 250,3 tỷ đồng.
Kết quả khả quan của PTI trong quý IV cũng như cả năm đến từ việc kiểm soát chi phí của hoạt động kinh doanh bảo hiểm và lãi lớn từ hoạt động tài chính.
Cụ thể, mặc dù doanh thu thuần từ bảo hiểm của công ty kém hơn so với cùng kỳ, nhưng tổng chi phí của hoạt động này còn giảm mạnh hơn. Quý IV, doanh thu từ hoạt động này là 1.146,2 tỷ đồng, giảm 13,3% so với cùng kỳ, còn chi phí là 1.001,1 tỷ đồng, giảm 20,7%. Do đó, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã tăng 142,2%, lên 145,1 tỷ đồng.
Ngoài ra, hoạt động tài chính ghi nhận khoản lãi thuần tăng 648,7%, đạt 86,5 tỷ đồng hỗ trợ hơn nữa lợi nhuận của PTI. Những hoạt động như kinh doanh bất động sản đầu tư và các hoạt động khác đóng góp không đáng kể vào cơ cấu lợi nhuận của công ty.
Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 24,2% trong quý IV, tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế của công ty vẫn tăng 1.751,3%, đạt 160 tỷ đồng.
Kết quả cả năm của PTI cũng tương tự khi hoạt động kinh doanh bảo hiểm thoát lỗ 200 tỷ và đem về 309,7 tỷ đồng. Hoạt động tài chính cũng lãi gấp đôi cùng kỳ, ở mức 198,8 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí quản lý giảm 18,6% cũng giúp lợi nhuận trước thuế lên mức 320,2 tỷ đồng.
Theo dữ liệu từ WiChart, lợi nhuận quý IV/2023 của PTI là cao nhất trong lịch sử, trong khi kết quả kinh doanh cả năm là tốt nhất kể từ năm 2021.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của PTI đạt 8.289 tỷ đồng, giảm 1,1% so với đầu năm. Tiền gửi ngân hàng với kỳ hạn dưới ba tháng của công ty ở mức 1.350 tỷ đồng, gấp 13 lần so với cùng kỳ năm trước.
So với đầu năm, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của PTI đã tụt 39,3%, xuống 2.303 tỷ đồng, chủ yếu do tiền gửi có kỳ hạn và chứng chỉ tiền gửi giảm xuống. Trong khi đó, số dư trái phiếu ngắn hạn lại tăng từ 382 tỷ đồng lên 487 tỷ đồng.