Loạt đại gia bất động sản chứng kiến kho tiền mặt vơi đi đáng kể sau nửa đầu năm

Thùy Dương 07:35 | 08/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trải qua 1 năm ảm đạm bao trùm thị trường bất động sản, các doanh nghiệp đầu ngành đã chứng kiến sự sụt giảm rõ rệt về lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng tính đến cuối quý II/2023, phần lớn giảm 3 đến 4 lần so với nửa đầu năm ngoái.

Ảnh: Thùy Dương tổng hợp từ BCTC doanh nghiệp

Theo đó, Tập đoàn VINGROUP - CTCP (HOSE: VIC) dù sở hữu lượng tiền dồi dào nhưng chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong quy mô tổng tài sản. Cụ thể, Vingroup nắm 20.468 tỷ đồng tổng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng, chiếm khoảng 3,3% tổng tài sản của tập đoàn thời điểm cuối tháng 6/2023.  Nhìn lại thời điểm cuối quý II/2022, doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng có gần 45.000 tỷ đồng tổng tiền nhàn rỗi, đến nay đã bị "ngót" hơn 1 nửa. 

Về phía nguồn vốn, nợ vay tài chính của Vingroup và các công ty con ghi nhận kỷ lục 176.049 tỷ đồng tính đến cuối quý II/2023. Trong nửa đầu năm, công ty phải trả chi phí lãi vay hơn 3.572 tỷ đồng.

Tại ngày 30/6, tổng tài sản của CTCP Vinhomes (HOSE: VHM) đạt gần 396.349 tỷ đồng, tăng 9,5% so với đầu năm và 32,3% so với cùng kỳ (svck) 6 tháng đầu năm ngoái. Trong đó, lượng tiền mặt và tiền gửi của VHM chỉ chiếm hơn 2% tổng tài sản, ghi nhận khoảng 9.085 tỷ đồng, giảm 38,4% so với đầu năm và giảm mạnh hơn 71% svck. Trong đó, tiền mặt và các khoản tương đương tiền đạt 5.105 tỷ đồng, giảm mạnh khoảng 83%, tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn 3.980 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 2,5 lần svck 2022.

Nhờ đó, VHM thu lãi khoảng 1.626 tỷ đồng trong nửa đầu năm, tăng mạnh 120% svck năm trước, đồng thời chiếm 75% doanh thu tài chính quý II/2023 của công ty.

Dù vậy, nợ vay tài chính của VHM vẫn tăng hơn 7.162 tỷ đồng so với đầu năm, lên mức 43.368 tỷ đồng tại thời điểm 30/6. Sự gia tăng chủ yếu đến từ nợ vay dài hạn từ gần 21.000 tỷ đồng đầu năm lên trên 25.000 tỷ đồng vào cuối quý II. Nợ ngắn hạn cũng tăng 13,4% lên 17.380 tỷ đồng.

So với cùng thời điểm năm ngoái, tổng nợ vay tài chính của VHM đã tăng hơn 11.000 tỷ đồng, tương đương 36%. Chi phí lãi vay và phát hành trái phiếu trong nửa đầu năm nay cũng tăng hơn 39% svck nửa đầu 2022, bên cạnh yếu tố lãi suất.

Cũng chung tình trạng tổng tiền mặt và tiền gửi giảm mạnh là CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (HOSE: NVL). Đến cuối quý II, NVL có tổng tài sản đạt 257.245 tỷ đồng, gần như đi ngang so với đầu năm. Trong đó tiền mặt và các khoản tương đương tiền 4.035 tỷ đồng; tiền gửi có kỳ hạn chỉ hơn 47 tỷ đồng. So với đầu năm, tổng tiền mặt và tiền gửi của NVL đã giảm hơn một nửa. Nếu so với thời điểm cuối quý II năm ngoái, mức giảm thậm chí lên tới khoảng 3/4. 

Hết 30/6, công ty có tổng nợ khoảng 213.039 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với đầu năm. Trong đó vay và nợ thuê tài chính đạt 61.578 tỷ đồng, giảm 5% từ số đầu năm. Chi phí lãi vay lũy kế 6 tháng theo đó giảm 17% còn 358 tỷ đồng.

CTCP Đầu tư Nam Long (HOSE: NLG) có 3.492 tỷ đồng tổng tiền mặt và tiền gửi tính đến 30/6/2023, thấp hơn so với đầu năm và cùng kỳ năm ngoái lần lượt 26,6% và 11,3%. So với đầu năm, công ty đã giảm lượng tiền gửi, đồng thời gia tăng nắm giữ tiền mặt. Theo đó, lượng tiền mặt tính đến cuối quý II năm nay của NLG đạt 7,4 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với số đầu năm, các khoản tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn giảm lần lượt 12,2% và 76%. 

CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (HOSE: KDH) ghi nhận tổng tiền mặt và tiền gửi đầu năm đến nay giảm từ khoảng 2.572 tỷ đồng xuống còn hơn 2.021 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 1.396 tỷ đồng. Khoản đầu tư đến ngày đáo hạn của công ty tại thời điểm 30/6 và 1/1 năm nay đều chiếm phần nhỏ, lần lượt là 3,8 triệu đồng và 42 triệu đồng, trong khi 6 tháng đầu năm ngoái, con số này đã đạt 70 tỷ đồng. 

Tại ngày 30/6, tiền mặt của công ty đạt 89 tỷ đồng, gấp xấp xỉ 5 lần so với đầu năm, đồng thời tăng 17% svck. Tiền gửi không kỳ hạn đạt 768 tỷ đồng, tăng 10,5% so với đầu năm nhưng giảm 13,6% cùng kỳ. Tuy nhiên, lãi tiền gửi lũy kế 6 tháng đầu năm nay vẫn tăng mạnh 233% cùng kỳ 2022. Tổng tài sản của KDH đạt 22,8 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Nợ vay tài chính 5.802 tỷ đồng, đã giảm hơn 14% so với đầu năm. 

CTCP Tập đoàn Hà Đô (HOSE: HDG) có tổng tài sản tính đến 30/6 đạt 14.376 tỷ đồng, giảm 4,8% so với đầu năm. Tổng lượng tiền, tương đương tiền cùng tiền gửi các kỳ hạn đạt 209 tỷ đồng, giảm xấp xỉ 70% so với đầu năm và 66% cùng kỳ năm ngoái. Khoản tiền gửi, cho vay và đầu tư thu về cho HDG hơn 16 tỷ đồng lãi trong 6 tháng đầu năm, giảm gần 41% cùng kỳ 2022.

Ngoài ra, sau nửa đầu năm 2023, một số doanh nghiệp bất động sản lớn khác cũng đều chứng kiến lượng tiền nắm giữ "ngót" dần như CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HOSE: PDR) với 228 tỷ đồng, giảm 15,5% so đầu năm và 63,2% svck; Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – CTCP (HOSE: BCM - Becamex IDC) với 741 tỷ đồng, giảm khoảng 51% so đầu năm và 76% svck;  CTCP Tập đoàn Đất Xanh (HOSE: DXG) với 558 tỷ đồng, giảm 49% so đầu năm và 78,8% svck.

Riêng CTCP Phát triển Sunshine Homes (UPCoM: SSH) có tổng tiền mặt và tiền gửi cuối quý II cao hơn đầu năm, tuy vẫn giảm svck. 

Kết thúc quý II, công ty ghi nhận tổng tài sản 13.471 tỷ đồng, giảm 30,3% so với đầu năm. Tổng lượng tiền, tương đương tiền cùng tiền gửi các kỳ hạn đạt 193 tỷ đồng, tăng khoảng 20% so với đầu năm nhưng vẫn giảm 44,8% cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, tiền mặt đạt hơn 13,3 tỷ đồng, giảm 28,9% so đầu năm, tiền gửi có kỳ hạn khoảng 6,7 tỷ đồng. So với đầu năm, tiền gửi có kỳ hạn của SSH biến động không đáng kể. Tuy nhiên, cơ cấu đã thay đổi với sự tăng mạnh gần 64% lên 173 tỷ đồng của khoản tiền gửi không kỳ hạn so với đầu năm. Tính đến 30/6, SSH thu về 193 tỷ đồng lãi, giảm 48,5% cùng kỳ 2022.

Nhìn chung, lượng tiền gửi và tiền mặt của các doanh nghiệp được thống kê chủ yếu ghi nhận giảm dần trong 1 năm qua theo nhịp trầm lắng của thị trường BĐS. Duy chỉ có Nam Long, Khang Điền và Hà Đô là 3 cái tên ghi nhận mức tăng tiền mặt và tiền gửi đột biến ở số đầu năm nay, trước khi giảm tại thời điểm hết quý II.