Loạt địa phương công bố quy định tách thửa mới có gì đặc biệt?
Theo Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8, người dân muốn tách thửa đất phải đảm bảo đất không tranh chấp, có lối đi, kết nối giao thông công cộng, cấp, thoát nước hợp lý.
Cụ thể, Điều 220 Luật Đất đai 2024 quy định về việc tách thửa, hợp thửa đất. Theo đó, người dân có thể tách, hợp thửa đất khi đảm bảo các điều kiện. Nhiều địa phương đã ban hành quyết định tách thửa theo Luật Đất đai mới.
Bắc Giang: UBND tỉnh Bắc Giang mới đây đã ban hành quyết định về việc quy định chi tiết hạn mức giao đất ở, hạn mức công nhận đất ở; diện tích tối thiểu và điều kiện tách thửa, hợp thửa đất cùng nhiều vấn đề liên quan khác. Quyết định có hiệu lực từ ngày 21/9/2024.
Theo đó, hạn mức giao đất ở cho cá nhân đối với đất ở tại đô thị thuộc các phường của TP Bắc Giang tối đa 100 m2.
Đất ở đô thị tại các thị trấn, đất ở tại các thị trấn chuyển thành phường; đất ở tại các phường thuộc thị xã Việt Yên; đất ở tại các xã Dĩnh Trì, Song Khê, Tân Tiến, Đồng Sơn, Tân Mỹ, Song Mai thuộc TP Bắc Giang; đất ở tại các xã thuộc địa giới TP Bắc Giang chuyển thành phường; đất ở tại nông thôn bám đường gom cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ tối đa 120 m2.
Đất ở tại các xã thuộc địa giới hành chính các huyện, thị xã chuyển thành phường, thị trấn do thành lập mới, chia tách, sáp nhập địa giới hành chính tối đa 200 m2.
Đất ở tại xã trung du thuộc các huyện, thành phố, thị xã tối đa 300 m2. Đất ở tại xã miền núi thuộc các huyện, thị xã tối đa 360 m2.
Về hạn mức công nhận đất ở, trường hợp thửa đất được hình thành trước ngày 18/12/1980 thì diện tích đất ở được xác định bằng 5 lần hạn mức giao đất ở tương ứng với từng vùng, khu vực theo quy định nhưng không vượt quá diện tích thửa đất đang sử dụng và tối đa 800 m2.
Trường hợp thửa đất được hình thành từ ngày 18/12/1980 đến trước ngày 15/10/1993 thì hạn mức công nhận đất ở được xác định bằng 3 lần hạn mức giao đất đất ở tương ứng với từng vùng, khu vực theo quy định nhưng tổng diện tích không vượt quá diện tích thửa đất đang sử dụng và tối đa là 600 m2.
Về điều kiện tách thửa đất, đối với đất ở phải có diện tích tối thiểu 32 m2, kích thước mặt tiền tối thiểu 4 m, chiều sâu so với chỉ giới xây dựng (nếu có) tối thiểu 5,5 m đối với thửa đất gốc có chiều sâu hiện hữu từ 5,5 m trở lên. Trường hợp sau khi Nhà nước thu hồi đất, thửa đất có chiều sâu hiện hữu nhỏ hơn 5,5 m thì chiều sâu tối thiểu phải đảm bảo 3 m.
Về điều kiện hợp thửa đất, phải đảm bảo các điều kiện của Luật Đất đai, các thửa đất phải liền kề nhau. Trường hợp thửa đất có nhiều mục đích sử dụng, trước khi hợp thửa đất phải xác định vị trí, diện tích của từng loại đất.
Ngoài ra, quyết định cũng quy định rõ về hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân; hạn mức giao đất chưa sử dụng cho cá nhân đưa vào sử dụng; hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân; tiêu chí, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất sang mục đích khác…
Nam Định: UBND tỉnh Nam Định cũng vừa ban hành Quyết định số 35/2024 quy định về điều kiện, diện tích tối thiểu việc tách thửa, hợp thửa đối với các loại đất trên địa bàn. Quy định này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10.
Về phân định khu vực để quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa trên địa bàn tỉnh, khu vực I gồm các vị trí đất thuộc các phường của TP Nam Định, các thị trấn hiện hữu. Tại khu vực I, với thửa đất là bộ phận cấu thành dãy phố, ngõ phố có chiều rộng mặt đường trên 2,5 m thì thửa đất ở sau khi tách thửa phải có diện tích tối thiểu 30 m2, chiều rộng mặt tiền tối thiểu 4 m, chiều sâu tối thiểu so với chỉ giới xây dựng 5 m.
Nếu ngõ phố có chiều rộng mặt đường nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 m thì phải có diện tích tối thiểu 45 m2, chiều rộng mặt tiền tối thiểu 4m, chiều sâu tối thiểu so với chỉ giới xây dựng 7 m.
Khu vực II gồm các vị trí đất thuộc khu dân cư nằm ven các đường Quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ; khu dân cư nằm ven các đường trục xã. Bên cạnh đó, còn có các vị trí đất thuộc khu dân cư tại các khu vực đặc thù ở TP Nam Định, huyện Trực Ninh, huyện Ý Yên, huyện Xuân Trường, huyện Giao Thủy, huyện Hải Hậu.
Khu vực III gồm các vị trí đất thuộc các khu vực khác còn lại.
Tại khu vực II và III, thửa đất ở sau khi tách thửa có diện tích tối thiểu lần lượt là 50 m2 và 80 m2, đều có chiều rộng mặt tiền tối thiểu 4 m và chiều sâu tối thiểu so với chỉ giới xây dựng 7 m.
Với đất thương mại, dịch vụ, sau khi tách thửa có diện tích tối thiểu 1.000 m2, chiều rộng mặt tiền tối thiểu 15 m, chiều sâu tối thiểu so với chỉ giới xây dựng 20 m.
Với đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp, diện tích tối thiểu là 3.000 m2, chiều rộng mặt tiền tối thiểu 20 m, chiều sâu tối thiểu so với chỉ giới xây dựng 25 m.
Về quy định chuyển tiếp, đối với thửa đất đang sử dụng hoặc thửa đất đã chia tách có diện tích đất ở nhỏ hơn diện tích đất ở tối thiểu, đã tồn tại trước ngày 27/6/2013 nhưng có đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì người đang sử dụng đất được cấp giấy chứng nhận.
Bà Rịa - Vũng Tàu: UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa ban hành Quyết định 24/2024/QĐ-UBND quy định về điều kiện tách thửa, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn. Quyết định này sẽ thay thế cho Quyết định số 44/2023 đang áp dụng hiện nay. Quy định mới về tách thửa, hợp thửa đất mới ban hành này bám sát theo nội dung Luật đất đai 2024, có hiệu lực áp dụng từ 16/9.
Theo nội dung quyết định, việc tách thửa, hợp thửa đất phải đảm bảo các nguyên tắc, điều kiện theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 điều 200 Luật Đất đai 2024.
Theo Quyết định mới này, đối với hộ gia đình, cá nhân, việc tách thửa đất phải đảm bảo các điều kiện như: bảo đảm quyền với các thửa đất liền kề theo điều 29 Luật Đất đai 2024; diện tích sau tách thửa phải bằng hoặc lớn hơn diện tích tối thiểu quy định tại khoản 1, 2 điều 4 Luật Đất đai 2024; thực hiện tách thửa theo quy hoạch quy định tại điều 66 Luật Đất đai 2024, và quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt.
Trường hợp chưa có quy hoạch 1/500 thì áp dụng quy hoạch 1/2.000 hoặc quy hoạch xây dựng hiện có đã được phê duyệt. Riêng đối với đất nông nghiệp được quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp thì không áp dụng các quy hoạch xây dựng.
Quyết định cũng nêu rõ diện tích đất tối thiểu sau khi tách thửa đối với đất ở là 80 m2, có cạnh không nhỏ hơn 5 m (tại Côn Đảo là 60 m2) và tiếp xúc hoặc có lối đi kết nối với đường giao thông do Nhà nước quản lý.
Diện tích tối thiểu đối với đất thương mại dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp là 100 m2; đất nông nghiệp là 1.000 m2 (tại Côn Đảo là 500 m2)....
Cả 2 quyết định mới và cũ đều không áp dụng các quy hoạch xây dựng khi giải quyết thủ tục tách thửa đối với đất nông nghiệp thuộc quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp.
Về điều kiện tách thửa đất đối với tổ chức, trước đây, quy định khi tách thửa đất theo dự án đầu tư thì chỉ cần phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng đã được duyệt.
Còn theo Quyết định 24, ngoài việc đã được phê duyệt thì phải đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản. Đồng thời, hạ tầng kỹ thuật phải được Sở Xây dựng nghiệm thu, bảo đảm đủ điều kiện đưa vào sử dụng theo quy định trước khi thực hiện thủ tục tách thửa.
Về diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất, Quyết định 24 không thay đổi so với quyết định cũ.
Theo đó, quy định đối với đất ở vẫn áp dụng diện tích và kích thước thửa đất từ 60 m2 trở lên và có cạnh tiếp giáp với đường giao thông do Nhà nước quản lý không nhỏ hơn 5 m, chiều sâu thửa đất không nhỏ hơn 5 m áp dụng với khu vực thuộc phường, thị trấn và huyện Côn Đảo.
Tại địa bàn các xã còn lại, thửa đất phải có diện tích và kích thước từ 80 m2 trở lên...
Thành phố Hà Nội: UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến góp ý, hoàn thiện dự thảo Quy định về điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích, kích thước tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Dự thảo nhằm cụ thể hóa các điều khoản của Luật Đất đai 2024, xây dựng hành lang pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ, giúp quản lý và sử dụng đất đai hiệu quả, đồng thời bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn Thủ đô.
Theo dự thảo, nếu tách thửa không hình thành lối đi mới, tại phường, thị trấn, thửa đất phải bảo đảm chiều dài từ 4m trở lên, chiều rộng tiếp giáp đường giao thông từ 4 m trở lên và diện tích ngoài chỉ giới đường đỏ không nhỏ hơn 50 m2; tại xã vùng đồng bằng, diện tích tối thiểu là 80m2; tại xã vùng trung du, diện tích tối thiểu 100 m2 và tại xã miền núi, diện tích tối thiểu 150 m2.
Đối với trường hợp tách thửa có hình thành lối đi, lối đi phải có chiều rộng mặt cắt ngang từ 3,5 m trở lên đối với thị trấn, 4 m trở lên đối với khu vực đồng bằng và 5 m trở lên đối với khu vực trung du, miền núi.
Về đất phi nông nghiệp, quy định này áp dụng cho các thửa đất ngoài trường hợp được Nhà nước giao hoặc cho thuê để thực hiện dự án.
Tại phường, thị trấn, đối với đất thương mại, dịch vụ, thửa đất mới phải có chiều rộng tiếp giáp đường giao thông từ 10 m trở lên và diện tích không nhỏ hơn 400 m2. Đối với các loại đất phi nông nghiệp khác, phải có chiều rộng từ 20 m trở lên và diện tích không nhỏ hơn 1.000 m2.
Tại các xã khác, đối với đất thương mại, dịch vụ, diện tích không nhỏ hơn 800 m2 và đối với đất phi nông nghiệp khác, diện tích không nhỏ hơn 2.000 m2.
Còn điều kiện tách thửa đối với đất nông nghiệp, quy định này áp dụng cho đất không thuộc đối tượng giao đất theo Nghị định số 64 ngày 27/9/1993 của Chính phủ về việc ban hành bản quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp và nằm ngoài phạm vi khu vực dồn điền, đổi thửa.
Thời gian qua, việc tách thửa ở Hà Nội áp dụng theo Quyết định số 20/2017. Theo đó, lô đất sau khi tách thửa phải có diện tích tối thiểu 30 m2 với các phường, thị trấn và không nhỏ hơn 50% hạn mức giao đất ở mới (tối thiểu) với các địa bàn còn lại.
Luật Đất đai 2024 quy định 8 nguyên tắc, điều kiện về tách thửa, hợp thửa
Khoản 1 Điều 220 quy định việc tách thửa đất, hợp thửa đất phải bảo đảm 8 nguyên tắc, điều kiện:
Thứ nhất, thửa đất đã được cấp một trong các loại giấy chứng nhận: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Thứ hai, thửa đất còn trong thời hạn sử dụng đất.
Thứ ba, đất không có tranh chấp, không bị kê biên để bảo đảm thi hành án; không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thứ tư, việc tách thửa đất phải bảo đảm có lối đi; được kết nối với đường giao thông công cộng hiện có; bảo đảm cấp, thoát nước và nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý. Trường hợp người sử dụng đất dành một phần diện tích của thửa đất ở hoặc thửa đất có đất ở và đất khác trong cùng thửa đất để làm lối đi, khi thực hiện việc tách thửa đất thì không phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất đối với phần diện tích đất để làm lối đi đó.
Thứ năm, trường hợp tách thửa đất mà có tranh chấp nhưng xác định được phạm vi diện tích, ranh giới đang tranh chấp thì phần diện tích, ranh giới còn lại không tranh chấp của thửa đất đó được phép tách thửa đất.
Thứ sáu, các thửa đất sau khi tách thửa phải bảo đảm diện tích tối thiểu với loại đất đang sử dụng theo quy định của UBND cấp tỉnh. Trường hợp thửa đất được tách có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu được phép tách thửa thì phải thực hiện đồng thời việc hợp thửa với thửa đất liền kề.
Thứ bảy, trường hợp chuyển mục đích sử dụng một phần thửa đất thì thực hiện tách thửa, diện tích tối thiểu của thửa đất sau khi tách ra phải bằng hoặc lớn hơn diện tích tối thiểu của loại đất sau khi chuyển mục đích sử dụng. Đối với thửa đất có đất ở và đất khác thì không bắt buộc thực hiện tách thửa khi chuyển mục đích sử dụng một phần thửa đất, trừ trường hợp người sử dụng đất có nhu cầu tách thửa.
Thứ tám, trường hợp phân chia quyền sử dụng đất theo bản án, quyết định của tòa án mà việc phân chia không bảo đảm các điều kiện, diện tích, kích thước tách thửa theo quy định thì không thực hiện tách thửa.