Loạt giải pháp góp sức thay đổi diện mạo vùng đất Đông Triều, Quảng Ninh

Phương Lê 17:34 | 11/09/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Với tiềm năng phát triển du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái, làng nghề, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh bước đầu đã thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong việc xây dựng các sản phẩm, điểm đến, cơ sở lưu trú. Tuy nhiên, để du lịch địa phương thật sự thay da đổi thịt trong thời gian tới, vấn đề đào tạo nguồn lực, quảng bá cần được chú trọng hơn.

Đông Triều - vùng đất cổ giàu tiềm năng phát triển du lịch  

Tại Hội nghị xúc tiến Du lịch thị xã Đông Triều được tổ chức chiều ngày 9/9, ông Nguyễn Văn Ngoãn, Phó Bí Thư Thị Ủy, Chủ tịch UBND thị xã Đông Triều cho biết, trên địa bàn thị xã có 129 điểm di tích, bao gồm 1 Khu Di tích Quốc gia đặc biệt, 7 di tích cấp Quốc gia và 16 di tích cấp tỉnh, 105 di tích kiểm kê đưa vào quản lý. Trong những năm qua, thị xã đã quan tâm chỉ đạo, duy trì quản lý và tổ chức tốt đối trên 40 lễ hội truyền thống tại các di tích trên địa bàn.

Ngoài ra, với các làng nghề gốm sứ truyền thống, các doanh nghiệp đã đầu tư sản xuất dòng gốm sứ mỹ nghệ phục vụ xuất khẩu đồng thời đầu tư xây dựng các điểm dừng chân phục vụ nhu cầu thăm quan, mua sắm; kết nối với các đơn vị lữ hành đón tiếp, phục vụ khách du lịch và đã được công nhận là điểm du lịch của địa phương.

Trong quá trình thay đổi diện mạo du lịch, Đông Triều đang thu hút sự đầu tư tích cực từ các doanh nghiệp. 

Đông Triều là thị xã nằm ở phía tây tỉnh Quảng Ninh, trong vùng trọng điểm phát triển kinh tế, xã hội khu vực phía Bắc, có hệ thống giao thông thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.  Là vùng đất cổ có tầm quan trọng về địa chính trị, địa kinh tế, địa lịch sử, địa văn hóa, Đông Triều giàu tiềm năng phát triển các loại hình du lịch: du lịch văn hóa tâm linh, du lịch làng nghề, du lịch làng quê sinh thái trải nghiệm.  

 Hội nghị Xúc tiến Du lịch thị xã Đông Triều diễn ra chiều ngày 9/9 với sự tham gia của lãnh đạo ngành du lịch các cấp và các doanh nghiệp lữ hành. Ảnh: Phương Lê

Cần chung tay để du lịch Đông Triều "thay da đổi thịt" 

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, du lịch thị xã Đông Triều cũng đối mặt nhiều thách thức. Theo báo cáo Tình hình phát triển du lịch thị xã Đông Triều giai đoạn 2016 - 2022 của UBND thị xã Đông Triều, địa phương cần có những giải pháp để thúc đẩy tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của thị xã; nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân về phát triển du lịch; đặc biệt công tác quản lý nhà nước đã được tăng cường nhưng chưa quyết liệt, chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch còn hạn chế. 

Ngoài ra, báo cáo của UBND thị xã chỉ ra cơ sở hạ tầng, các dịch vụ du lịch còn thiếu tương xứng, đặc biệt trong năm 2020 và năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và lĩnh vực du lịch của thị xã Đông Triều nói riêng. Do vậy doanh thu trong lĩnh vực du lịch chưa cao.  

Để du lịch Đông Triều thay da đổi thịt trong thời gian tới, lãnh đạo thị xã kiến nghị tỉnh Quảng Ninh ưu tiên hỗ trợ đầu tư các dự án giao thông kết nối các điểm du lịch trên địa bàn thị xã, đồng thời, cây dựng các chính sách hỗ trợ các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn thị xã nhất là đối với việc hỗ trợ các hộ dân trong khu vực làng nghề gốm sứ nằm trong khu vực nội thị (phường Đức Chính, phường Mạo Khê) di dời, chuyển xưởng đến các vị trí quy hoạch mới.  

Bên cạnh đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực, phối hợp tuyên truyền quảng bá cần được chú trọng nhiều hơn. 

Chương trình ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa thị xã Đông Triều, thành phố Uông Bí và thị xã Quảng Yên. Ảnh: Phương Lê. 

Chia sẻ tại Hội nghị Xúc tiến Du lịch Thị xã Đông Triều, ông Nguyễn Đạo Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch Việt Nam tin tưởng rằng trong 3 đến 5 năm tới, với sự quyết tâm của lãnh đạo địa phương, du lịch Đông Triều sẽ thay da đổi thịt. Ông Dũng nhấn mạnh, công tác đào tạo nguồn nhân lực vô cùng quan trọng để làm sao hướng dẫn viên, ban quản lý các di tích có thể truyền tải kiến thức lịch sử, văn hóa đến du khách, giúp du khách cảm nhận, hiểu được những giá trị đặc biệt của điểm đến. Đặc biệt, công tác hướng dẫn cho người dân địa phương cách giao tiếp, ứng xử với khách du lịch cũng cần được chú trọng. Ngoài ra, Đông Triều cần kết nối với các địa phương khác để du lịch, xây dựng những sản phẩm du lịch để khách đến Đông Triều có thể ở lại nhiều ngày hơn.  

Ông Đoàn Văn Dũng, Giám đốc Công ty Cổ phần Du thuyền Đông Dương, chia sẻ trong quá trình phục vụ khách châu Âu, Mỹ trên các du thuyền ở Vịnh Hạ Long, bản thân nhận thấy du khách có nhu cầu rất lớn trong việc khám phá văn hóa Việt, điều này thường thể hiện sâu sắc ở các làng quê. Qua quá trình khảo sát, làng quê Yên Đức, Đông Triều là khu vực thích hợp để phát triển du lịch làng quê mang đến cho du khách những trải nghiệm thật sự khác biệt.

Ông Dũng nói: “Yếu tố văn hóa tưởng chường thường gặp và đơn giản, nhưng là điều rất hấp dẫn du khách quốc tế. Chúng tôi nhận thấy du lịch cộng đồng không phải là sản phẩm du lịch đơn thuần. Các sản phẩm du lịch của doanh nghiệp chỉ là cầu nối để du khách cảm nhận được tài nguyên du lịch, không gian văn hóa tổng thể của địa phương. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu tương lai tài nguyên du lịch có tồn tại để khai thác du lịch nữa không. Để phát triển bền vững, bản thân sản phẩm du lịch doanh nghiệp là chưa đủ mà đòi hỏi sự quy hoạch hợp lý, quyết sách kinh tế - xã hội của làng quê đó". 

Là chủ doanh nghiệp đầu tư tại Đông Triều, anh Dũng mong muốn thị xã lấy tài nguyên văn hóa làng quê, văn hóa cộng đồng trở thành thế mạnh, giữ gìn bản sắc trong bối cảnh đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh. Bên cạnh văn hóa cộng đồng, anh cho rằng văn hóa tâm linh cũng là thế mạnh của địa phương. Chính quyền cần có quyết sách, không phải để cạnh tranh mà là để kết nối với các địa phương khác như Yên Tử, thiết kế những để có thể mang đến cho du khách trải nghiệm đầy đủ nhất.

Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh bày tỏ sự tâm đắc với các trao đổi của doanh nghiệp tại diễn đàn. Đánh giá chung về du lịch Quảng Ninh, ông Thủy cho rằng tỉnh đã tạo ra màu sắc khá rõ nét trong bản đồ du lịch Việt Nam. Đồng thời, mỗi địa phương của Quảng Ninh cũng có những dấu ấn riêng trong địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, ông Thủy đánh giá, Đông Triều có tiềm năng rất lớn nhưng chưa phát huy hết thế mạnh. Vì vậy, lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh khuyến nghị Đông Triều cần chú trọng quảng bá đến du khách, doanh nghiệp và đẩy mạnh khai thác các loại hình du lịch văn hóa tâm linh, du lịch làng nghề, du lịch sinh thái để du lịch địa phương có chỗ đứng ngày càng vững chắc trong bản đồ du lịch tỉnh.