Luật Nhà ở sửa đổi: Cần đơn giản thủ tục hành chính đối với nhà ở xã hội
Tại hội thảo "Góp ý cho Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)" diễn ra ngày 28/11, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trong thời gian qua, việc phát triển các dự án nhà ở vẫn chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra, nhất là việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà ở theo chương trình mục tiêu quốc gia... Các thủ tục hành chính trong lĩnh vực này còn rườm rà, gây phát sinh chi phí, ảnh hưởng đến quá trình phát triển các dự án nhà ở.
Để khắc phục những bất cập, Bộ Xây dựng đã được Chính phủ giao tiến hành tổng kết, đánh giá Luật Nhà ở 2014. Hiện Bộ Xây dựng đang chủ trì soạn thảo dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và báo cáo Chính phủ để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV (tháng 5/2023).
Dự thảo Luật Nhà ở tập trung ở các nội dung cơ bản của 8 nhóm chính sách lớn gồm các quy định về: Sở hữu nhà ở; chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; phát triển nhà ở (bao gồm các loại nhà ở thương mại, tái định cư, nhà ở công vụ, nhà ở của cá nhân, hộ gia đình); phát triển nhà ở xã hội; cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư cũ; tài chính cho phát triển nhà ở; quản lý, sử dụng nhà chung cư; quản lý nhà nước về nhà ở.
Qua đó, sẽ quy định đầy đủ, cụ thể và điều chỉnh kịp thời các nội dung liên quan trong lĩnh vực nhà ở, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy phát triển nhà ở, đặc biệt là phát triển mạnh mẽ nhà ở xã hội, tạo điều kiện hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn về nhà ở, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng sống của người dân, góp phần thể chế hóa đường lối chủ trương chính sách của Đảng trong việc chăm lo, hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người dân, là yếu tố quan trọng để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Cần đơn giản thủ tục hành chính đối với dự án nhà ở xã hội
Cũng tại Hội thảo, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có những phát biểu liên quan đến nhà ở xã hội. Ông Võ cho rằng, ngay từ đầu (Luật Nhà ở 2005) đã không quy định đối với trường hợp người dân vùng nông thôn tách hộ mà thường xếp họ thuộc phạm vi được hưởng các chương trình mục tiêu về nhà ở tại nông thôn.
Tuy nhiên, các chương trình này chỉ là một cơ chế để thực thi luật pháp, vì vậy trong luật phải quy định về nhà ở xã hội cho khu vực nông thôn, thậm chí vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
GS. Đặng Hùng Võ nhấn mạnh cần bổ sung Mục Nhà ở xã hội vùng nông thôn vào Chương "Nhà ở xã hội" của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó quy định về chính sách giải quyết đất ở, nhà ở cho các trường hợp tách hộ nông dân.
"Trước đây chúng ta đã có quy định về đất "giãn dân" để xây nhà ở cho các hộ mới tách ra, nay không còn nữa. Do đó, cần khôi phục lại chính sách này trong Luật Nhà ở", GS. Đặng Hùng Võ bày tỏ quan điểm.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, nhà ở đối với vùng nông thôn cũng phải tính theo tỉ lệ thu nhập trên giá nhà ở trung bình, không thể dựa vào tiêu chí hộ nghèo hay hộ cận nghèo. Cách tính tương tự như thu nhập ở đô thị không thuộc diện phải chịu thuế thu nhập là thu nhập thấp và thuộc diện được hưởng ưu đãi về nhà ở xã hội.
Đối với việc xây dựng các không gian lưu trú cho công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, GS. Đặng Hùng Võ nhấn mạnh: "Cần quy định cụ thể về trách nhiệm ai lo tài chính, ai làm chủ đầu tư, ai tìm kiếm đất đai. Nếu không quy định thành trách nhiệm thì sẽ không có ai thực hiện cả".
Theo GS. Đặng Hùng Võ, Luật Doanh nghiệp đã có quy định về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Phát triển nhà lưu trú cho công nhân là một trách nhiệm xã hội. Ở các nước công nghiệp, người ta còn quy định về "đầu tư có trách nhiệm". Do đó, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) nên có quy định cụ thể trách nhiệm đối với việc xây dựng nhà ở cho công nhân.
Ngoài ra, GS. Đặng Hùng Võ kiến nghị, cần quy định ngay trong luật các thủ tục hành chính đơn giản đối với các dự án nhà ở xã hội, có như vậy mới thu hút được nhà đầu tư. Đồng thời có chính sách miễn thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp cho khu vực đầu tư phát triển nhà ở xã hội...
Ngân sách cấp vốn cho vay ưu đãi xây dựng nhà ở xã hội còn thấp
Ngày 31/10, báo cáo Quốc hội trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho hay chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân gặp nhiều vướng mắc dù hành lang pháp lý khá đầy đủ.
Ông cho biết giai đoạn 2016-2020, ngân sách rót về cho Ngân hàng Chính sách xã hội rất thấp, chỉ hơn 3.160 tỷ trong tổng số 9.000 tỷ đồng (đạt 35%). Số tiền này đã được giải ngân cho khách hàng cá nhân vay mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo nhà. Tính riêng 10 tháng đầu năm nay, giải ngân 2.300 tỷ đồng cho gần 6.700 khách hàng thuộc nhóm vay ưu đãi.
Bốn ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV mà Nhà nước chỉ định cho vay ưu đãi nhà ở xã hội không được rót vốn để cấp bù lãi suất cho vay nên giai đoạn này không chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nào được tiếp cận nguồn vay ưu đãi.
Theo ông Nghị, quy định pháp luật trong phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp còn nhiều vướng mắc. Cụ thể, ngân sách cấp vốn cho vay ưu đãi xây dựng nhà ở xã hội còn thấp; đến nay cũng chưa bố trí nguồn vốn cấp bù lãi suất cho bốn ngân hàng được chỉ định cho vay ưu đãi nhà ở xã hội.
Chính sách ưu đãi chưa hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư và địa phương cũng không mặn mà với phát triển nhà ở xã hội. Các tỉnh thành chưa đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hằng năm cũng như 5 năm; chưa bố trí 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để xây nhà ở xã hội. Doanh nghiệp khu công nghiệp ít chú trọng đến nhà ở cho công nhân..
Bộ trưởng Xây dựng cho rằng cần sửa đổi Luật Nhà ở để đồng bộ với Luật Đất đai, Luật Đấu thầu cũng như văn bản liên quan; ưu tiên chính sách, điều kiện hưởng cho người thu nhập thấp cũng như quy hoạch, phát triển quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội.
Ông Nguyễn Thanh Nghị đồng thời đề nghị các bộ ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến thúc đẩy thị trường bất động sản cũng như Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho nhóm thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 mà Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ.