Mạng 5G của Viettel đạt kỷ lục mới về tốc độ khi thử nghiệm

15:34 | 17/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thử nghiệm thiết lập 5G trên mạng Viettel đã cho kết quả tốc độ truyền dữ liệu lên đến 4,7 Gb/giây, cao gấp 40 lần tốc độ 4G và gấp đôi tốc độ 5G hiện có.

Kết quả trên đến từ các cuộc thử nghiệm cùng đối tác Ericsson và Qualcomm. Tốc độ truyền dữ liệu lên đến 4,7 Gb/giây biến Viettel trở thành một trong những mạng viễn thông có tốc độ 5G nhanh nhất châu Á. 

Từ đó cho thấy được tiềm năng của công nghệ 5G sóng cực ngắn (mmWave) mà Viettel đang triển khai tại Việt Nam.

Kết quả thực tế được công bố. Ảnh: VT

Để đạt tốc độ truyền dữ liệu kỷ lục 4,7 Gb/giây, nhóm nghiên cứu của Viettel, Ericsson và Qualcomm Technologies đã sử dụng công nghệ kết nối kép vô tuyến E-UTRA New Radio Dual Connectivity (EN-DC) tiên tiến nhất thế giới trên 800Mhz băng tần sóng cực ngắn (mmWave) giúp tăng tốc độ và mở rộng phạm vi phủ sóng 5G. 

Viettel sử dụng bộ đôi thiết bị vô tuyến của Ericsson và thiết bị di động sử dụng bộ vi xử lý Snapdragon X60 của Qualcomm trong quá trình thử nghiệm. 

Tập đoàn công nghệ tin rằng mạng 5G với tốc độ siêu cao là nền tảng xây dựng nhà máy thông minh, nông nghiệp thông minh, đô thị thông minh, thành phố thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh,...

Chiến lược "Tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số" mà Viettel đặt ra vào năm 2019 đã nêu rõ triển khai mạng 5G là một trong 6 định hướng phát triển mà doanh nghiệp hướng tới. Hiện, Viettel đang tiên phong triển khai 5G tại Việt Nam và là nhà mạng duy nhất trên thế giới có năng lực nghiên cứu phát triển thiết bị 5G. 

Theo ông Denis Brunetti - Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào cột mốc mới mà đơn vị này cùng Viettel đạt được là nhờ  sử dụng thiết bị vô tuyến Streetmacro trên băng tần mmWave. Giải pháp này dễ cài đặt và sẽ đóng vai trò trong tăng tốc triển khai 5G rộng rãi tại các khu đô thị có mật độ dân cư cao với nhiều tính năng ưu việt.

Ông ST Liew - Phó Chủ tịch Qualcomm CDMA Technologies Asia-Pacific Pte. Ltd. kiêm Chủ tịch Qualcomm Đài Loan và Đông Nam Á đánh giá rằng Viettel đạt tốc độ 5G nhanh nhất tại Việt Nam là một sự kiện sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực với hiệu suất vượt trội. Ông nhận định rằng thành tựu tạo ra dung lượng lớn, tốc độ nhiều Gigabit, độ trễ thấp trong các giải pháp dành cho cá nhân cũng như doanh nghiệp. 

Thời điểm hiện tại, Viettel chưa tiết lộ kế hoạch triển khai mạng loại 5G này tại Việt Nam. 

Mạng 5G của Việt Nam đang ở đâu so với thế giới?

Dù chưa thương mại hóa rộng rãi nhưng cả ba nhà mạng lớn tại Việt Nam gồm Viettel, VinaPhone, MobiFone đều đã triển khai mạng 5G tại Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh và một số địa phương khác. Với tốc độ nhanh hơn 10 lần so với 4G, 5G được kỳ vọng sẽ giải quyết các bài toán khó hơn về mạng dữ liệu, mang tới những trải nghiệm tốc độ nhanh hơn. 

Tất nhiên đó chỉ  trong điều kiện hoàn hảo trên lý thuyết. Khi đưa vào sử dụng thực tế, nếu có nhiều người truy cập cùng một lúc, tốc độ 5G sẽ rơi vào khoảng 100 Megabits/giây (Mbps), cao hơn từ 3 - 5 lần so với chuẩn 4G LTE hiện tại.

Tốc độ tải bằng mạng 5G của một số quốc gia vào thời điểm cuối năm ngoái. (Nguồn: Open Signal)

Theo báo cáo về tốc độ mạng 5G trên toàn cầu trong quý 3/2020 của Open Signal - công ty chuyên phân tích và đánh giá về thị trường mạng di động và không dây tại Anh, Mỹ là quốc gia có tốc độ mạng 5G thấp nhất trong tất cả các quốc gia được khảo sát. Tốc độ trung bình mạng 5G của quốc gia này chỉ đạt 52 Mb/giây, nhỉnh hơn đôi chút tốc độ mạng 4G (trung bình đạt khoảng 28,9 Mb/giây). 

Saudi Arabia là quốc gia có tốc độ mạng 5G nhanh nhất thế giới với tốc độ trung bình đạt 377,2 Mb/giây, nhanh gấp 12,5 lần so với tốc độ mạng 4G tại quốc gia này (trung bình đạt 30,1 Mb/giây). Các quốc gia xếp tiếp theo trong danh sách mạng 5G nhanh nhất thế giới do Open Signal công bố bao gồm Hàn Quốc (336,1 Mb/giây), Australia (215,8 Mb/giây)... 

Cả ba nhà mạng lớn của Việt Nam đều đã thử nghiệm 5G vào tháng 11 và kết quả cho thấy đều đạt tốc độ 600 - 800 Mb/giây, thậm chí có thời điểm lên đến 1 Gb/giây, mới đây nhất là con số 4,7 Gb/giây kể trên. Những con số trên khá ấn tượng khi nhanh gấp nhiều lần so với tốc độ trung bình của mạng 5G trước đây và đạt ở mức cao so với thế giới.

Tuy nhiên, đây chỉ là tốc độ phát sóng 5G tại thời điểm thử nghiệm. Vì vậy, việc so sánh với tốc độ mạng 5G ở các quốc gia đã được phát sóng thương mại là phản ánh chính xác bởi khi phát sóng thương mại với phạm vi phủ sóng lớn hơn, tốc độ trung bình của mạng 5G sẽ xuống thấp hơn. Dù vậy, việc người dân được tận hưởng nhưng ưu điểm và tiện ích vượt trột khi cài đặt 5G là không thể bàn cãi. 

 

Mạng 5G - động lực phát triển kinh tế số

Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII đã nêu rõ: “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”.

Trong tham luận tại Đại hội XIII của Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Hạ tầng số đóng vai trò quyết định trong phát triển kinh tế số, xã hội số. Để đáp ứng nhu cầu phát triển, hạ tầng viễn thông sẽ chuyển dịch thành hạ tầng số bao gồm hạ tầng viễn thông và điện toán đám mây. Việt Nam đặt mục tiêu làm chủ công nghệ di động 5G, làm chủ hạ tầng điện đám mây (cloud) thông qua các nền tảng “Make in Viet Nam”. Bên cạnh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, việc làm chủ hạ tầng số, làm chủ dữ liệu của người Việt là nhiệm vụ chiến lược, cần được ưu tiên hàng đầu.

Định hướng của ngành Thông tin và Truyền thông trong giai đoạn tới là chuyển đổi từ gia công lắp ráp thành phát triển sản phẩm. Chương trình “Make in Viet Nam”, với trọng tâm là nghiên cứu sản xuất thiết bị 5G, IoT, điện thoại thông minh, các nền tảng phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Các doanh nghiệp Việt Nam tập trung tạo ra, phát triển sản phẩm thay vì gia công.