MBS: Xu hướng tăng nợ nhóm 2 sẽ tiếp tục trong các quý tới, thận trọng chất lượng tài sản ngân hàng suy giảm

Diên Vỹ 15:07 | 22/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tỷ lệ nợ xấu (NPL) toàn ngành tại thời điểm cuối quý II/2023 đã đạt 2,1% - mức NPL cao nhất kể từ quý I/2022 trong bối cảnh hầu như tất cả các ngân hàng đều ghi nhận NPL tăng so với đầu năm. Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) lại suy giảm đáng kể và xuống dưới mức 100% (đạt 97,3%).

 

Tín dụng toàn ngành tăng tốc về cuối năm, nhưng tốc độ tăng trưởng dự báo phân hóa

Theo số liệu của Ngân hàng nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 7/2023, dư nợ tín dụng toàn ngành đạt xấp xỉ 12,4 triệu tỷ đồng, tăng 4,3% so với đầu năm và 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này chưa bằng một nửa so với con số tăng trưởng 9,4% cùng kỳ năm ngoái, cũng như còn cách khá xa so với mục tiêu 14% mà NHNN đặt ra cho cả năm.

Trong báo cáo triển vọng ngành ngân hàng mới đây, Chứng khoán MBS lý giải việc tăng trưởng tín dụng  7 tháng đầu năm thấp hơn kỳ vọng chủ yếu xuất phát từ ba nguyên nhân chính. Một là ảnh hưởng từ tổng cầu thế giới suy yếu, kinh tế Việt Nam giảm tốc rõ nét trong hai quý đầu năm với mức tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,7% - mức tăng trưởng thấp thứ hai trong vòng 10 gần đây. Cùng đó, thị trường bất động sản, khu vực thu hút nguồn vốn tín dụng lớn nhất, vẫn tiếp tục trầm lắng trong nửa đầu năm khi số lượng giao dịch giảm 40%; số lượng dự án hoàn thành xây dựng giảm 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, mặc dù lãi suất tạo đỉnh trong quý II song mặt bằng hiện nay vẫn còn khá cao do đó chưa thể kích thích nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh. 

Nhìn chung trong nửa đầu năm, hầu hết các NHTM đều ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn svck 2022, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tín dụng tương đối phân tán giữa các ngân hàng. Cụ thể, các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với toàn ngành (6,0% so với cuối năm 2022) như HDB (9,3%), MBB (10,6%), MSB (12,7%), TCB (9,7%), và VPB (10,1%) có thể do các ngân hàng này có tập khách hàng doanh nghiệp lớn, do đó tăng trưởng tín dụng tốt hơn khi nhu cầu vốn của nhóm khách hàng này cao trong nửa đầu năm. Trong khi đó, một số ngân hàng chủ động tăng trưởng chậm lại trong nửa đầu do nhu cầu tín dụng bán lẻ thấp đồng thời ưu tiên cho các nâng cao chất lượng tài sản và quan sát thị trường. Nhất là khi các NHTM nhà nước đang lựa chọn cẩn trọng hơn và một số NHTM đã có tỷ lệ nợ xấu đã vượt lên trên 3%, dẫn đến khả năng buộc phải cân nhắc trong các quyết định cho vay, cũng như duy trì chất lượng tín dụng.

 Nguồn: MBS

Dự báo cho nửa cuối năm, MBS kỳ vọng tín dụng sẽ tăng tốc nhanh hơn dựa trên một số yếu tố tích cực như xuất khẩu dự kiến sẽ phục hồi tăng trưởng dương trên nền thấp cùng kỳ năm ngoái, cũng như cầu tiêu dùng của Trung Quốc khôi phục lại mạnh mẽ; cùng đó hiệu ứng từ lãi suất cho vay giảm bắt đầu kích hoạt lại nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân. Ngoài ra, chính sách tài khóa như giảm thuế VAT từ 10% về 8%, … sẽ phát huy tác dụng kích thích nhu cầu tiêu dùng. Trước đó, để tín dụng đạt được mục tiêu đề ra, ngày 10/7 qua, NHNN đã điều chỉnh nới room tín dụng cho 11 NHTM lên mức 11% - 24%.

 Nguồn: MBS

 Tuy nhiên, theo MBS, không phải ngân hàng nào cũng có thể đẩy mạnh tín dụng từ đến cuối năm trong bối cảnh một số NHTM đang khá thận trọng khi cân nhắc các quyết định cho vay cũng như đảm bảo chất lượng tín dụng như đã nói trên đây.

Theo khảo sát gần đây của NHNN, mặt bằng rủi ro tín dụng tổng thể của khách hàng được các tổ chức tín dụng nhận định tăng nhanh hơn so với kỳ trước và cùng kỳ năm trước ở hầu hết các lĩnh vực. Theo đó, các tổ chức tín dụng có xu hướng “không đổi” hoặc “thắt chặt” nhẹ tiêu chuẩn tín dụng. 

“Chúng tôi cho rằng những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp tại thời điểm cuối quý II/2023 sẽ là những ngân hàng có dư địa đẩy mạnh tín dụng vào nửa cuối năm hơn. Nhìn chung, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt khoảng 12% - 13% cho cả năm”, báo cáo của MBS nhấn mạnh.

Còn dư địa cho 1 lần cắt giảm lãi suất điều hành

Biên lãi ròng (NIM) của các NHTM niêm yết tiếp tục xu hướng giảm trong quý II/2023, điều này phần nào đã được dự báo trước khi lãi suất huy động mặc dù giảm song vẫn neo ở mức cao so với trước Covid-19; trong khi lãi suất cho vay liên tục giảm trong bối cảnh cầu tín dụng thấp cũng như theo chỉ đạo của NHNNhỗ trợ các doanh nghiệp. Theo đánh giá của các chuyên gia từ MBS, trong nửa đầu năm, trung bình các NHTM niêm yết ghi nhận NIM giảm 100 – 150 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm ngoái. 

“Chúng tôi kỳ vọng lãi suất huy động sẽ tiếp tục giảm trong nửa cuối năm 2023, nhờ (i) kỳ vọng lãi suất điều hành giảm thêm 1 lần nữa (khoảng 0,5%) đưa lãi suất tái cấp vốn và tái chiết khấu về mức ngang bằng với đáy giai đoạn Covid-19 (lần lượt là 4,0% và 2,5%), từ đó sẽ điều chỉnh lãi suất huy động trên cả thị trường 1 và 2; (ii) giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với nhóm NHTM Nhà nước và bổ sung tiền gửi KBNN vào cách tính LDR giúp các ngân hàng có dư địa giảm lãi suất huy động”, MBS nhận định.

Lãi suất huy động giảm sẽ giảm áp lực lên chi phí vốn, từ đó giúp các NHTM có thêm dư địa giảm lãi suất cho vay nhằm kích cầu tín dụng. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu vay vốn vẫn chưa thật sự phục hồi, các doanh nghiệp còn chần chừ trong việc mở rộng sản xuất kinh doanh do lo ngại về tăng trưởng kinh tế, cạnh tranh về thị phần tín dụng sẽ trở nên gay gắt hơn. Vì vậy, theo MBS, việc cạnh tranh để cho vay các doanh nghiệp tốt cũng sẽ là cuộc đua giữa các ngân hàng: những ngân hàng nào cung cấp lãi suất hấp dẫn do có chi phí vốn thấp hơn là những ngân hàng sẽ có lợi thế hơn. 

 Nguồn: MBS

Khuyến nghị lựa chọn đầu tư theo chất lượng tài sản

Tỷ lệ nợ xấu  (NPL) toàn ngành tại thời điểm cuối quý II/2023 đã đạt 2,1%, tức tăng 0,4% so với quý I/2023 và tăng 0,7% so với thời điểm đầu năm. Đây cũng là mức NPL cao nhất kể từ quý I/2022 trong bối cảnh hầu như tất cả các ngân hàng đều ghi nhận NPL tăng so với đầu năm. Trong đó các ngân hàng TMCP Nhà nước có mức tăng thấp hơn đáng kể so với nhóm NHTMCP tư nhân. Trung bình, 3 NHTM Nhà nước có NPL tăng 0,2% so với đầu năm, con số này của nhóm NHTMCP tư nhân là 0,6%.

Đồng thời, các chuyên gia MBS cũng chỉ ra rằng nợ xấu nhóm 2 toàn ngành tính đến cuối quý II đã tăng lên mức 2,5%, tức tăng 0,9% so với cuối năm 2022. 

Lý giải cho điều này, báo cáo cho biết ngày 24/4/2023, NHNN đã ban hành Thông tư 02 cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với một số điều kiện cụ thể với thời hạn một năm kể từ ngày được cơ cấu lại nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn về tài chính, đồng thời được tiếp cận nguồn vốn vay mới nhằm tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh …; việc này được thực hiện đến hết tháng 6/2024. Đây được xem là một trong những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về thanh khoản cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản, trong bối cảnh khó tiếp cận được các nguồn vốn (vốn vay/vốn huy động từ trái phiếu/cổ phiếu). 

Do đó về nguyên tắc, một số khoản nợ đã trở thành nợ xấu song do được cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ. Như vậy, dự báo xu hướng tăng nợ nhóm 2 sẽ tiếp tục trong các quý tới. 

Song song với đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR - dự phòng rủi ro tín dụng/nợ xấu nội bảng) cũng suy giảm đáng kể và xuống dưới mức 100% (đạt 97,3% trong quý II/2023). Môi trường lãi suất huy động cao trong nửa đầu năm 2023 khiến KQKD của các ngân hàng kém khả quan hơn khi LNTT 6 tháng đầu năm của các ngân hàng niêm yết giảm tới 3,1% so với cùng kỳ. Chính điều này đã hạn chế dư địa trích lập dự phòng, từ đó khiến chất lượng tài sản toàn ngành suy giảm. 

 Nguồn: MBS

“Mặc dù chất lượng tài sản toàn ngành đang suy giảm nhưng có sự phân hóa rất lớn giữa các ngân hàng dựa trên khẩu vị kinh doanh. VCB, CTG và ACB là những đại diện tiêu biểu cho nhóm ngân hàng có quy mô lớn có mức suy giảm chất lượng tài sản thấp so với trung bình ngành (VCB +0,1%, CTG +0,0% và ACB +0,3%)”, báo cáo của MBS khuyến nghị.