MSB nhìn thấy `tiềm năng` gì khi tài trợ cho một dự án đầy sai phạm The Arena Cam Ranh?
Thanh tra Chính phủ 'điểm mặt' nhiều sai phạm
Dự án The Arena Cam Ranh (Hay còn gọi là dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Trần Thái) tại lô D14D Bãi Dài, Cam Ranh, Khánh Hòa, do Công ty Cổ phần Trần Thái Cam Ranh làm chủ đầu tư được quảng bá là “siêu” dự án nghỉ dưỡng lớn nhất tại Cam Ranh với 126 căn shophouse và 5.248 căn hộ condotel.
Ngày 4/11/2020, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã ban hành thông báo kết luận thanh tra về việc chuyển đổi nhà đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác; kiểm tra, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh một số dự án ở tỉnh Khánh Hòa, trong đó có dự án The Arena Cam Ranh.
Trong kết luận thanh tra, TTCP đã chỉ ra nhiều sai phạm cũng như những thiếu sót về pháp lý liên quan đến dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Trần Thái (dự án The Arena Cam ranh) do Công ty CP Trần Thái làm chủ đầu tư.
Theo đó, dự án này được cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2009, đến nay đã gần 10 năm nhưng tiến độ rất chậm. Cụ thể, dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu ngày 9/12/2009 với thời hạn hoàn thành là tháng 12/2014. Đến ngày 13/6/2012, sau 03 năm thực hiện dự án này lại lùi hạn thời hạn hoàn thành đến tháng 9/2016. Và sau 5 năm thực hiện, đến ngày 15/5/2014 dự án này lại được điều chỉnh.
Điều đáng nói, sau gần 3 năm kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu, đến tháng 9/2012 dự án mới được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Sau đó, trong khoảng thời gian từ năm 2013 – 2017, chỉ trong 4 năm, dự án đã 5 lần được UBND tỉnh Khánh Hòa điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500. Trong đó, đáng chú ý ở lần điều chỉnh thứ 5, diện tích dự án đã tăng thêm 2,05ha, từ 27,24ha lên 29,29ha.
Dự án triển khai hơn 10 năm nhưng chỉ mói có một vài hạng mục đang thi công dở dang.
Thanh tra Chính phủ chỉ rõ: việc dự án nhiều lần điều chỉnh thể hiện sự yếu kém trong công tác chuẩn bị đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư, lập, thẩm định và phê duyệt đầu tư. Sự tùy tiện, thiếu kiên quyết trong quản lý, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh Khánh Hòa trong công tác quản lý đầu tư và quản lý đất đai đối với dự án.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ khẳng định: Từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu cho đến thời điểm thanh tra, dự án vẫn chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường và phê duyệt về phòng cháy chữa cháy theo quy định.
Việc chậm trễ, kéo dài thể thủ tục đất đai tại dự án cũng được nêu rõ trong kết luận của Thanh tra Chính phủ. Theo đó, sau hơn 3 năm kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu, UBND tỉnh Khánh Hòa mới có quyết định cho thuê đất, giao đất vào tháng 12/2012. Mặc dù thời gian chậm trễ, kéo dài như vậy nhưng quyết định giao đất đã phải điều chỉnh 2 lần (lần 1 vào tháng 7/2013, lần 2 vào tháng 12/2014) về diện tích, hình thức trả tiền thuê đất, xử lý diện tích đất chồng lấn với dự án khác.
Và cuối cùng, Thanh tra Chính phủ kết luận: Sau 10 năm được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu, dự án vẫn chưa hoàn thành, khối lượng thi công tại dự án cũng rất nhỏ.
Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Khánh Hòa rà soát, làm rõ nguyên nhân, lý do và căn cứ thực hiện việc điều chỉnh tăng diện tích đất dự án, nhiều lần điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 và các nội dung khác có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.
Rà soát, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm để xảy ra tình trạng chậm tiến độ kéo dài nêu trên để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật về đầu tư và các quy định của pháp luật có liên quan. Chấn chỉnh tình trạng điều chỉnh, gia hạn nhiều lần; Rà soát, xác định lại tiền sử dụng đất, chống thất thu Ngân sách nhà nước. Kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, vào tháng 10/2018, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Trần Thái Cam Ranh 40 triệu đồng do tổ chức thi công công trình tại dự án The Arena Cam Ranh không có giấy phép xây dựng.
MSB thấy "tiềm năng" gì ở một dự án đầy sai phạm?
Trong một diễn biến khác, ngày 28/9/2020, Công ty CP Trần Thái Cam Ranh tiến hành thế chấp dự án The Arena Cam Ranh tại Ngân Hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) chi nhánh TP. HCM theo Hợp đồng tín dụng số 00040/2020/0001934. Theo đó, tài sản thế chấp là toàn bộ lợi ích bao gồm:
Các khoản phải thu, quyền thụ hưởng bảo hiểm, toàn bộ các khoản phí mà chủ đầu tư thu được trong quá trình đầu tư dự án The Arena, bao gồm nhưng không giới hạn: các quyền xây dựng, quyền khai thác, quyền chuyển nhượng, quyền cho thuê mượn, quyền quản lý, quyền sử dụng, quyền hưởng lợi, quyền đòi nợ (các khoản phải thu) hiện tại và trong tương lại phát sinh từ dự án The Arena tại 2 thửa đất số 01 (Khu A) và 01 (Khu B).
Đại diện chủ đầu tư The Arena Cam Ranh và lãnh đạo MSB ký kết hợp tác.
Cùng ngày, chủ đầu tư tiếp tục thế chấp tất cả các khoản phải thu, quyền thụ hưởng bảo hiểm, toàn bộ các khoản phí mà chủ đầu tư thu được trong quá trình đầu tư 639 căn condotel và 111 căn shophouse thuộc dự án The Arena Cam Ranh tại Khu 4 thuộc khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, phường Cam Nghĩa, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.
Ngay sau đó không lâu, nhiều khách hàng mua bất động sản của dự án này đã tố chủ đầu tư chiếm dụng vốn của khách hàng, bán nhà khi chưa đủ điều kiện và đòi hủy hợp đồng.
Cụ thể, ngày 1/10/2020, một nhóm khách hàng mua nhà ở dự án The Arena Cam Ranh đã treo băng rôn khắp khu vực dự án ở Đại lộ Nguyễn Tất Thành, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa để phản đối.
Đến ngày 9/10/2020, tại văn phòng của chủ đầu tư tại TP Hà Nội, một nhóm khách hàng lại treo băng rôn đòi đối thoại với chủ đầu tư và đưa ra yêu cầu đòi chấm dứt các hợp đồng mua bán sai quy định cũng như đòi chủ đầu tư bồi thường cho khách hàng.
Ngoài những sai phạm đã được TTCP chỉ rõ, xét về tiềm năng thương mại của The Anren Cam Ranh cũng không ít số liệu để dự đoán. Trong nhiều báo cáo thị trường bất động sản, ý kiến của các chuyên gia đều nhận định các dự án condotel đã rơi vào cảnh “chợ chiều”. Tại thị trường Khánh Hòa, dự kiến từ 3 đến 5 năm nữa, sẽ có khoảng khoảng 17.000 sản phẩm nghỉ dưỡng (trong đó có khoảng 15.500 căn hộ condotel). Với tình hình dịch COVID-19, kinh tế quốc tế ảm đảm, du lịch đang "đứng hình" thì sức hút của các dự án condotel càng giảm sút.
Để tài trợ vốn cho một dự án lớn như The Arena Cam Ranh, chắc chắn MSB không thể không khảo sát kỹ. Và nếu đã khảo sát thì chắc chắn nắm rõ những yếu kém của dự án này và đặc biệt là biết dự án đang nằm trong diện thanh tra của Thanh tra Chính phủ. Hơn thế nữa, chuyện chủ đầu tư của dự án này bị khách hàng căng băng rôn khiếu kiện khắp nơi cũng đã xuất hiện đầy trên báo chí, mạng xã hội.
Vậy MSB tại sao vẫn mạo hiểm ký kết ký tài trợ cho một dự án đầy tai tiếng và đang trong thời gian bị thanh tra và trước thời điểm Thanh tra Chính phủ công bố kết luận chưa lâu? Phải chăng MSB cần một "liều doping" ngay trước thời điểm chính thức niêm yết lên sàn chứng khoán? Nếu vậy, thì sau này "liều doping" đó có tác dụng thì sao? Cần nhớ rằng, sau khi trở thành công ty đại chúng, tài sản của MSB không chỉ là tiền gửi của người dân mà còn là tài sản của hàng triệu cổ đông khác.
Hải Đăng
Xem thêm: Thị trường bất động sản TP HCM có ổn định trở lại sau một năm nhiều biến động?