Mưa lũ Miền Trung, kéo dài và dự báo mưa rất lớn liên tiếp trong năm ngày tới
Vì sao miền Trung hứng mưa lũ lớn kéo dài?
Đầu tiên là hoạt động của dải hội tụ nhiệt đới (hội tụ của hai đới gió Đông Bắc và Tây Nam) nối từ vịnh Bengal, vắt qua miền Trung Việt Nam và tới Philippines. Khu vực tồn tại dải hội tụ nhiệt đới thường xuyên duy trì mây đối lưu phát triển, gây mưa giông. Khi có thêm thành phần gió Đông hoạt động mạnh, lượng ẩm tích tụ càng lớn, đồng nghĩa mây đối lưu càng phát triển và mưa giông sẽ nhiều hơn, cường độ lớn, thời gian kéo dài.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng Phòng Dự báo Khí hậu (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia)
Nguyên nhân thứ hai là bão và áp thấp nhiệt đới. Ông Hưởng giải thích dải hội tụ nhiệt đới là chuỗi xoáy thuận nhiệt đới, khi gặp điều kiện thuận lợi như hội tụ gió mạnh, qua vùng nước biển ấm sẽ phát triển thành áp thấp nhiệt đới, sau là bão. Khoảng 60-70% áp thấp nhiệt đới hình thành trên dải hội tụ nhiệt đới. Thực tế từ ngày 6/10 đến nay, một áp thấp nhiệt đới và hai cơn bão (Linfa và Nangka) đi vào miền Trung đều là do dải hội tụ nhiệt đới. Riêng hoạt động của bão/áp thấp nhiệt đới đơn thuần đã gây mưa rất lớn. Ví dụ bão Linfa gây mưa phổ biến 500-700 mm, có nơi trên 700 mm, những nơi mưa ít như Nam Hà Tĩnh hay Bắc Tây Nguyên cũng 200-300 mm
Nguyên nhân thứ ba là không khí lạnh từ phương Bắc tràn xuống và liên tục được bổ sung, cùng với gió Đông đưa ẩm vào tạo thành khối ẩm lớn từ mặt đất lên tới 5.000 m, đều tập trung ở miền Trung. Tổ hợp này đã khiến mưa miền Trung nhiều hơn, gây lũ lụt kéo dài.
Nguyên nhân thứ tư là khi gặp địa hình chắn gió là dãy Trường Sơn, không khí lạnh với đới gió Đông Bắc thổi xuống miền Trung bị chặn lại, tạo ra dòng thăng cưỡng bức mạnh và hệ quả là mưa lớn.
Về nguyên nhân sâu xa của các hiện tượng trên, theo cơ quan khí tượng là tác động của La Nina, xuất hiện từ tháng 7 và dự báo kéo dài đến đầu năm 2021. Trong những năm có La Nina, số cơn bão trên Biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam nhiều hơn trung bình, mùa mưa bão cũng kết thúc muộn hơn.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện ở khu vực ven biển và đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Nam Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Thanh Hóa đã có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 13h00 ngày 14/10 đến 13h00 ngày 15/10 phổ biến 100-200mm, có nơi lớn hơn như: Ba Chẽ (Quảng Ninh) 276.0mm, Cẩm Phả (Quảng Ninh) 226.0mm, Tà Xi Láng (Yên Bái) 267.0mm, Hồ Cạn Thượng (Hòa Bình) 170.0mm, Làng Nhì (Yên Bái) 188.0mm, Tân Minh (Phú Thọ) 181.0mm,...
Dự báo, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với gió đông nam trên cao hoạt động mạnh nên đêm nay và sáng ngày 16/10 ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Nam Sơn La, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Yên Bái có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 120mm. Từ chiều mai mưa ở Bắc Bộ giảm nhanh.
63 người chết và mất tích do mưa lũ.
Ngày 16/10, theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo TƯ về Phòng chống thiên tai, có 63 người chết và mất tích do mưa lũ tại miền trung và bão số 7 trong hơn 10 ngày qua, kể từ ngày 6/10.
Ngoài sự cố tại thủy điện Rào Trăng 3 làm nhiều người chết và mất tích, đáng chú ý, đợt mưa lũ này còn làm 6 tàu vận tải với 57 người bị sự cố tại tỉnh Quảng Trị. Đến nay, đã cứu vớt được 50 người, có 7 người bị chết, mất tích. Ngoài ra, có 4 tàu cá bị chìm, 17 thuyền viên trên tàu đã được cứu vớt an toàn.
Về tài sản, mưa lũ đã làm 649 nhà bị sập đổ, hư hỏng, 150.685 nhà bị ngập; 168 điểm Quốc lộ, gần 33.640m đường giao thông địa phương bị sạt lở, hư hỏng. Về nông nghiệp: 900 ha lúa, 5.514 ha hoa màu bị ngập, vùi lấp; gần 3.980 ha thủy sản bị thiệt hại; hơn 445.700 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Hiện các địa phương đang khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, sẵn sàng đối phó áp thấp nhiệt đới và đợt mưa lũ mới.
Xem Thêm: Áp thấp nhiệt đới gây mưa cực lớn, đổ bộ vào đất liền các tỉnh Trung Bộ tối 16/10
Nguyễn Dung