Mua trái phiếu doanh nghiệp lãi suất khủng, rủi ro ra sao?
Đua nhau phát hành trái phiếu
Theo thông tin từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội, từ ngày 18/6 đến 30/7, Tập đoàn Geleximco đã phát hành 15 lô trái phiếu, với tổng giá trị là 562 tỷ đồng. Đây là trái phiếu có kỳ hạn 2 năm, mức lãi suất không được công bố. Người sở hữu có thể bán lại trái phiếu cho tổ chức phát hành sau 1 năm sở hữu.
Được biết, sắp tới đây, Geleximco chuẩn bị mở bán dự án chung cư tại đường Giải Phóng mới mức giá được các môi giới đưa ra ở mức: 33-35 triệu đồng/m2.
Theo báo Tiền Phong, gần đây, một doanh nghiệp khác có liên quan tới Geleximco là Công ty cổ phần Đầu tư và du lịch Vạn Hương - chủ đầu tư dự án Khu Du lịch Quốc tế Đồi Rồng tại Đồ Sơn, Hải Phòng cũng đã hoàn thành đợt phát hành trái phiếu trị giá 670 tỷ đồng, có thời hạn 7 năm. Đây là một dự án trọng điểm của Tập đoàn Geleximco, với quy mô 480 ha và tổng mức đầu tư dự kiến hơn 25.000 tỷ đồng.
Hay như, Công ty cổ phần Tập đoàn AG Land (trụ sở tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) tung thông báo về chính sách cho gói hợp tác kinh doanh. Theo đó, đơn vị này quảng cáo trong vòng 2 tháng, những khách hàng nào tham gia gói hợp tác kinh doanh từ 1 - 3 tỷ đồng đều được hưởng cam kết lợi nhuận, với lãi suất lên tới 35%/năm, gấp 6-7 lần lãi suất tiết kiệm hiện nay của các ngân hàng. Đặc biệt, nhà đầu tư sẽ được hưởng mức lãi suất khủng này kéo dài trong vòng 24 tháng. Theo đó, nếu tham gia gói hợp tác kinh doanh mức 1 tỷ đồng thì mỗi năm sẽ nhận về 350 triệu đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, sau thời gian trên thì nhà đầu tư được hưởng lãi suất ra sao lại không thấy công ty này đề cập đến. Còn sau 42 tháng kể từ khi góp vốn, khách hàng sẽ được hoàn tiền gốc hoặc nhận bất động sản có giá trị tương đương.
Trước đó, TNR Holdings đã phát hành 2.925 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 4 thông qua 60 lô. Lượng trái phiếu này đều là loại không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo. Kỳ hạn trái phiếu 60 tháng với lãi suất cố định 10,9%/năm, trả lãi hàng năm.
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Tổng Giám đốc APEC Group cho biết, chương trình phát hành trái phiếu 3000 tỷ lãi suất 18%, trả lãi 1 lần sau 5 năm hướng đến nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp dài hạn là chính. Hiện các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài đang hoàn tất quá trình đàm phán và đã mua gần hết dung lượng gói.
Các nhà đầu tư cá nhân cũng có thể tham gia chương trình trái phiếu lãi suất 13%/năm trong vòng 3 năm do IDJ Việt Nam phát hành, 3 tháng sẽ nhận lãi một lần.
Lãi suất cao đi kèm rủi ro lớn
Điển hình như trong đợt phát hành trái phiếu 740 tỷ đồng kỳ hạn 7 năm của Công ty Cổ phần Dịch vụ cáp treo Bà Nà cuối tháng 6 vừa qua, Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) là đơn vị ôm trọn số trái phiếu này. Trước đó, ngày 29/5, Công ty Cổ phần Dịch vụ cáp treo Bà Nà cũng đã phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm với lãi suất 10,3%/năm.
Đối với nhóm doanh nghiệp bất động sản, 800 tỷ đồng trái phiếu của VPI phát hành ngày 9/5 vừa qua đã được Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) mua toàn bộ. Số trái phiếu này có lãi suất 12%/năm.
Theo chuyên gia Bùi Quang Tín, mặc dù quy mô thị trường TPDN hiện vẫn còn nhỏ nên một số đợt phát hành với lãi suất 12-14,5%/năm chưa tác động nhiều đến hoạt động huy động vốn của các ngân hàng. Tuy nhiên, theo định hướng của NHNN là tăng trưởng tín dụng thấp, đặc biệt siết tín dụng vào các lĩnh vực bất động sản. Bởi khi phát hành trái phiếu với lãi suất 12-14%/năm, tỷ suất sinh lời phải đạt trên 20% mới cân đối được, trong khi đây là tỷ lệ không dễ đạt được trong thời kỳ thị trường tăng trưởng chậm.
“Về nguyên tắc, lãi suất cao đi kèm với rủi ro cao. Trong thời điểm này, những kênh đầu tư có tỷ suất sinh lời trên 10%/năm sẽ có rủi ro càng lớn. Điều này càng quan trọng khi cách thức tiếp cận thông tin về DN của nhà đầu tư hiện nay vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, nhà đầu tư muốn mua TPDN, đặc biệt là của các công ty bất động sản cần đặc biệt chú trọng các yếu tố như độ minh bạch của báo cáo tài chính, tính pháp lý của dự án, độ hợp lý trong vấn đề định giá…”, chuyên gia Bùi Quang Tín chia sẻ.
Ngoài ra, chuyên gia Bùi Quang Tín cũng khuyến cáo, hiện đa phần TPDN được phát hành theo hình thức riêng lẻ, chỉ khoảng 3-5% phát hành đại chúng. Trái chủ phổ biến là các NHTM, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm. Nhóm trái chủ này có bộ phận phân tích tài chính DN nên độ rủi ro vẫn chưa lớn. Nhưng nếu nhà đầu tư cá nhân tham gia cần thận trọng vì để các nhà đầu tư cá nhân thẩm định được hồ sơ phát hành trái phiếu của DN là điều khó vô cùng.
Đó cũng là lí do vừa qua NHNN yêu cầu các NHTM phải rà soát các quy định nội bộ, đảm bảo ban hành đầy đủ theo đúng quy định, đặc biệt liên quan đến hoạt động mua TPDN như: Quy định về quy trình, thủ tục thẩm định, phê duyệt và quyết định mua TPDN, nguyên tắc, chỉ tiêu đánh giá, xác định mức độ rủi ro mua trái phiếu.
NHNN yêu cầu các NHTM không được mua TPDN, trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp phát hành. Các ngân hàng cũng phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư trái phiếu có mục đích đầu tư vào các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực kinh doanh bất động sản hoặc tăng quy mô vốn của tổ chức phát hành hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản để hạn chế rủi ro.
Nợ xấu trên 3% tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến cho Dự thảo thông tư quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán TPDN. Theo bản thuyết minh dự thảo của cơ quan soạn thảo thuộc NHNN, một nội dung quan trọng của dự thảo này là các tổ chức tín dụng (TCTD) chỉ được mua TPDN khi có tỉ lệ nợ xấu dưới 3% theo báo cáo tài chính thời điểm gần nhất đã được kiểm toán tại thời điểm mua, trừ trường hợp mua TPDN theo phương án cơ cấu lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng không được mua trái phiếu (bao gồm mua từ phát hành lần đầu và mua lại từ các tổ chức, cá nhân khác) của doanh nghiệp phát hành có phát sinh nợ xấu tại ngân hàng mua và tại ngân hàng khác trong vòng 12 tháng gần nhất trước thời điểm quyết định phê duyệt mua. Theo cơ quan soạn thảo NHNN, quy định này nhằm hạn chế các ngân hàng không kiểm soát được tỉ lệ nợ xấu dưới 3% nhưng vẫn thực hiện mua bán TPDN, đồng thời góp phần hạn chế nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng của các ngân hàng. Trong trường hợp dự thảo Thông tư được NHNN ban hành trong thời gian tới đây, các ngân hàng cũng sẽ không được vay vốn của các ngân hàng khác để mua TPDN cũng như không được mua TPDN phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành. |