MWG: Kỳ vọng Điện Máy Xanh và Thế giới Di động mang về dòng tiền chính, 'gồng gánh' Bách Hoá Xanh

Trang Mai 10:56 | 21/02/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo đại diện CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã: MWG), 2023 là năm không thật sự khả quan, nhất là trong 2 quý đầu năm. Tuy vậy, MWG vẫn đặt kỳ vọng hai chuỗi Thế giới Di động và Điện Máy Xanh sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 2 con số, đồng thời kỳ vọng Bách Hóa Xanh sẽ đóng góp lợi nhuận sau nhiều năm liền thua lỗ.

2022 và công cuộc tái cấu trúc các mảng kinh doanh kém hiệu quả của MWG

Theo báo cáo tài chính quý IV/2022 của MWG, các mảng kinh doanh mới của tập đoàn này vẫn đang là gánh nặng với các khoản lỗ lên đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Đáng kể nhất là Bách Hóa Xanh (BHX) với mức lỗ hơn 2.700 tỷ đồng trong năm 2022, đánh dấu 7 năm lỗ liên tiếp của chuỗi cửa hàng thực phẩm này.  

Ra mắt từ năm 2015, BHX là mô hình kết hợp ưu điểm giữa siêu thị và chợ truyền thống. Tuy nhiên, kể từ khi thành lập tới năm 2020, chuỗi BHX liên tục ghi nhận lỗ. Lỗ lũy kế của BHX lên đến hơn 7.000 tỷ đồng. 

 Nguồn: BCTC quý IV của MWG

Riêng trong năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh, sức mua các mặt hàng tại BHX tăng mạnh, doanh số và lợi nhuận đã phần nào được cải thiện. Thế nhưng hàng loạt yếu điểm trong phương thức vận hành tại thời điểm đó đã khiến tình trạng kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng sa sút khi dịch bệnh được kiểm soát. 

Trong năm 2022, BHX mang về hơn 27.000 tỷ đồng, giảm 4% so với năm liền trước và đóng góp trên 20% tổng doanh thu cho tập đoàn. Đây cũng là năm chứng kiến sự thay đổi đáng kể của chuỗi BHX khi Công ty quyết định tái cấu trúc và cắt giảm bớt các cửa hàng hoạt động không hiệu quả.

Sau giai đoạn tái cấu trúc, doanh thu của chuỗi cũng cải thiện. Trong quý IV/2022, BHX ghi nhận doanh thu trung bình/cửa hàng/tháng là 1,37 tỷ đồng, tăng 45% so với trước khi thực hiện tái cấu trúc (quý I/2022). Sau giai đoạn này, BHX đặt mục tiêu hòa vốn toàn chuỗi vào cuối năm nay.

 

Không chỉ mảng bán lẻ thực phẩm mà một số mô hình kinh doanh mới của MWG cũng chưa có tín hiệu tích cực.

Trong diễn biến mới nhất, Thế giới di động (TGDĐ) đang thanh lý hàng hóa để đóng cửa toàn bộ chuỗi cửa hàng điện thoại, điện máy Bluetronics ở Campuchia trong quý I/2023. Chia sẻ với nhà đầu tư, ông Đoàn Văn Hiểu Em - người đứng đầu mảng bán lẻ điện máy, điện thoại của TGDĐ cho biết: “Sau 6 năm hoạt động, chúng tôi quyết định ngừng kinh doanh ở Campuchia để tập trung vào những mô hình kinh doanh khác và những thị trường khác".

 

Mô hình kinh doanh của Bluetronics tương tự chuỗi ĐMX ở Việt Nam, thậm chí được ban lãnh đạo TGDĐ dành nhiều thời gian tinh chỉnh cho phù hợp với văn hóa mua sắm bản địa. Tuy nhiên, quy mô thị trường nhỏ và chính sách thuế phức tạp được xem là rào cản khi nhân rộng chuỗi này. MWG Campuchia lỗ liên tục từ 2017 đến nay, trong đó năm 2021 và 2022 lỗ tính thuế kỷ lục với 187 tỷ đồng và 330 tỷ đồng.

Sau khi rút khỏi Campuchia, TGDĐ cho biết sẽ dồn lực vào thị trường Indonesia với chuỗi điện thoại và điện máy EraBlue. Chuỗi này đã khai trương 5 cửa hàng vào tháng 12/2022 và doanh số bình quân mỗi tháng của một cửa hàng đạt khoảng 5 tỷ đồng.

Kỳ vọng TGDĐ và ĐMX vẫn là trụ cột mang lại dòng tiền chính

Năm 2022, doanh thu thuần của MWG lập kỷ lục mới với 133.405 tỷ đồng, tăng gần 8,5% so với năm 2021. Lãi ròng cả năm 2022 đạt 4.100 tỷ, giảm 16% so với mức kỷ lục của 2021.

Mới đây, Hội đồng quản trị MWG đã thông qua kế hoạch tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Theo đó, công ty dự kiến sẽ tổ chức đại hội trong 2 ngày từ 7/4 đến 8/4 tại TP HCM. Ngày đăng ký cuối cùng tham dự là 28/2.

Bên cạnh đó, MWG cũng công bố kế hoạch kinh doanh năm 2023. Cụ thể, đơn vị này dự kiến doanh thu thuần đạt từ 135.000 -150.000 tỷ đồng và lợi nhuận ròng từ 4.200 - 4.700 tỷ đồng dựa trên giả định hoạt động sản xuất - tiêu dùng sẽ tích cực hơn.

Như vậy, trong kịch bản tích cực nhất, MWG kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận ròng tăng trưởng lần lượt 12% và 15% so với năm 2022.

Trong đó, Công ty xác định TGDĐ và ĐMX vẫn là trụ cột mang lại dòng tiền chính, đóng góp 75 - 80% doanh thu cho MWG. Tuy nhiên, MWG ước tính biên lợi nhuận gộp của các chuỗi TGDĐ và ĐMX trong năm 2023 có thể thấp hơn giai đoạn 2021 - 2022 do sức mua yếu và MWG tiếp tục triển khai các chương trình khuyến mãi để bán hàng.

BHX dự kiến đóng góp 20 - 25% doanh số cho MWG và được kỳ vọng sẽ bắt đầu đóng góp lợi nhuận trong quý IV năm nay. BHX sẽ tập trung vào tăng giá trị giỏ hàng, tăng tần suất mua hàng của các khách hàng hiện hữu và tăng lưu lượt khách hàng mới từ kênh chợ và siêu thị.

Đối với chuỗi nhà thuốc An Khang hay AVAKids, MWG đánh giá thị trường lớn nhưng các chuỗi này hiện chưa có lợi nhuận. Do đó, Công ty sẽ tạm ngừng mở rộng, tập trung giữ những cửa hàng có biên lợi nhuận dương, tăng doanh thu trên mỗi điểm bán, kiểm soát chặt chẽ chi phí vận hành nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động, giảm lỗ và đưa về điểm hòa vốn cho toàn chuỗi.

 

Trong báo cáo ngành cuối năm 2022, Chứng khoán VCBS cho biết, tính đến hết tháng 7/2022, An Khang đã mở 510 cửa hàng, doanh thu/cửa hàng trung bình đạt khoảng 500- 600 triệu/tháng đối với mô hình độc lập và 350-400 triệu/tháng với mô hình cạnh BHX. Với biên lợi nhuận khoảng 20%, nếu doanh thu duy trì ổn định ở mức 500 triệu đồng/tháng, An Khang có thể sẽ đạt tới điểm hòa vốn.

Trong 2023-2024, An Khang dự kiến sẽ tăng số lượng cửa hàng lên khoảng 2.000 - 3.000, trở thành chuỗi dược phẩm đứng đầu thị trường về cả số cửa hàng và doanh thu. Khi đó, An Khang sẽ trở thành động lực tăng trưởng quan trọng sau BHX cho MWG, tuy nhiên khả năng đóng góp vào lợi nhuận sau thuế của chuỗi này vẫn cần theo dõi thêm.