Mỹ đang phát triển đồng USD kỹ thuật số
Stablecoin là tài sản số được thiết kế để mô phỏng giá trị của các đồng tiền pháp định như đồng USD hoặc Euro. Chúng cho phép người dùng chuyển tiền (giá trị) nhanh chóng và rẻ trên toàn cầu, trong khi vẫn duy trì sự ổn định về giá.
Ví dụ như mỗi đồng Tether USD (USDT) được đảm bảo giá trị bằng 1 USD, tương tự với Binance USD (BUSD), USD Coin (USDC)... Những stablecoin kể trên là do tư nhân phát hành và ngày càng trở nên phổ biến trên các phương tiện thanh toán.
Ngày 20/05, ông Powell cho biết rằng FED có kế hoạch sẽ đưa ra một tài liệu thảo luận "phác thảo lại những suy nghĩ hiện tại của chúng tôi" về thanh toán số, tập trung vào những lợi ích và rủi ro của một đồng tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành hay còn gọi là CBDC (CBDC - Central Bank Digital Currency).
Ông Powell nói thêm rằng FED dự định đảm nhận "vai trò dẫn đầu trong việc phát triển các tiêu chuẩn quốc tế cho CBDC", làm việc với những ngân hàng trung ương và các cơ quan quản lý tại Mỹ và nước ngoài.
Đồng Tether USD (USDT) là một stablecoin do tư nhân phát hành, 1 USDT có giá trị đảm bảo bằng 1 USD. Ảnh: Liquid.
CBDC giống như các loại tiền mã hóa hiện có. Về cơ bản, đó là đối thủ của giấy bạc ngân hàng hoặc chương mục điện tử trên sổ cái của ngân hàng. Tuy nhiên, chúng sẽ không thay thế tiền mặt hay các hình thức tiền pháp định khác.
Các đồng CBDC sẽ là một loại tài sản mới của ngân hàng, nằm trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng thương mại hoặc ngân hàng trung ương, có thể được thiết kế để doanh nghiệp và công chúng sử dụng.
FED đã tụt hậu so với các ngân hàng trung ương khác trong việc phát triển đồng tiền CBDC.
Trung Quốc đã bắt đầu thử nghiệm phiên bản kỹ thuật số của đồng nhân dân tệ vào năm ngoái. Thụy Điển đang dùng thử đồng e-korona với mục đích đưa vào lưu hành trong vài năm tới.
Các ngân hàng khác đang khám phá các loại tiền tệ kỹ thuật số bao gồm Ngân hàng Trung ương châu Âu, Ngân hàng Anh quốc và Ngân hàng Nhật Bản (đã thử nghiệm đồng Yên kỹ thuật số).
Động thái của ông Powell chỉ ra rằng FED đang có mục đích chuyển những trao đổi học thuật thành hoạch địch chính sách tại Mỹ.
Các thành viên Dân chủ trong lưỡng viện đã thúc đẩy chính phủ phát triển một đồng CBDC, cho rằng nó sẽ tạo điều kiện đưa các dịch vụ tài chính vào nhóm "không có tài khoản ngân hàng", và giúp giảm phí giao dịch, cũng như loại bớt các quy định phiền hà trong ngân hàng.
Năm ngoái, Cục Dự trữ Liên bang Boston đã khởi động một dự án với Viện Công nghệ Massachusetts, để nghiên cứu CBDC, kết quả dự kiến sẽ công bố trong quý 3.2021.
FED đang muốn đưa những tranh luận về học thuật thành hoạch định chính sách để phát hành CBDC.
Chủ tịch FED cũng cảnh báo thị trường tiền mã hóa rằng tương lai sẽ có nhiều quy định hơn với thị trường này. Các loại tiền mã hóa như Bitcoin không phải là một phương tiện thanh toán thuận tiện vì chúng có sự dao động lớn về mặt giá trị.
Các stablecoin gắn giá trị với đồng USD hoặc một loại tiền khác đang nổi lên như những đối thủ cạnh tranh của đồng USD.
Ông Powell nói rằng: "Những stablecoin này nhắm tới việc sử dụng các công nghệ mới theo cách có tiềm năng nâng cao hiệu quả thanh toán, tăng tốc độ thanh toán và giảm chi phí của người dùng cuối... Nhưng chúng cũng có thể mang lại những rủi ro tiềm tàng cho những người dùng đó và hệ thống tài chính lớn hơn".
Stablecoin thường được thế chấp bằng tiền dự trữ, nhưng chúng không có sự bảo đảm bởi một ngân hàng trung ương. Đồng thời, có thể đơn vị phát hành stablecoin không có đủ số tiền dự trữ để đảm bảo cho đồng tiền này.
Ông Powell nói: "Với việc sử dụng stablecoin tăng lên, chúng ta phải chú ý tới những khuôn khổ quản lý và giám sát thích hợp". Ông cũng cho biết thêm rằng các nhà quản lý sẽ bắt đầu "chú ý" đến các ứng dụng và nền tảng thanh toán không được quản lý, giống như ngân hàng hay các công ty tài chính khác.
Hiện tại, những phát biểu của ông Powell vẫn chưa gây ra tác động gì tới thị trường tiền mã hóa.