Năm 2020: Động lực tăng trưởng từ kinh tế tư nhân

16:47 | 30/12/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Tại Diễn đàn Đối thoại kinh tế Việt Nam 2020 mới đây, TS. Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương nhận định: Kinh tế tư nhân trong nước đang nổi lên như một động lực hết sức quan trọng, năm 2020 kinh tế khu vực này tiếp tục phát triển, đóng góp lớn cho nền kinh tế.

Mới đây, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm lại, căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung; sự biến động khó lường trên thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế; giá dầu diễn biến phức tạp… đã tác động đến tăng trưởng tín dụng, tâm lý và kỳ vọng thị trường của Việt Nam. Tuy nhiên, với kết quả tăng trưởng 7,02% đã khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng năm 2019.

Năm 2020: Động lực tăng trưởng từ kinh tế tư nhân - ảnh 1
 Kinh tế tư nhân tiếp tục là động lưc chính cho tăng trưởng.
Đánh giá về kết quả này, tại Diễn đàn Đối thoại kinh tế Việt Nam 2020, ông Nguyễn Đức Thành, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Vietinbank cho biết, năm 2019 có thể coi là một năm thành công của nền kinh tế Việt Nam, với nhiều chỉ số ấn tượng như: Đạt và vượt 12 chỉ tiêu Quốc hội đề ra từ đầu năm; GDP ước đạt khoảng 7,02%; Xuất nhập khẩu tăng trưởng lên mức trên 500 tỷ USD; Tăng trưởng du lịch đạt tới con số 15-16% - gấp 3-4 lần mức tăng trưởng chung của ngành du lịch toàn cầu; Thu ngân sách đạt trên 1,6 triệu tỷ; Nợ công đã được đưa xuống dưới mức 55% GDP…
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Thành nhận định bên cạnh những thành công, nền kinh tế của Việt Nam cũng còn có rất nhiều những thách thức, khó khăn phải đương đầu trong năm 2020 và những năm tiếp theo. Ví như 2019, xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng khoảng 8%, nhưng nếu chúng ta nhìn vào cơ cấu thị trường xuất khẩu thì cũng đặt ra những lo ngại, khi tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Mỹ khoảng 30% thì ở các thị trường lớn, truyền thống mức độ tăng trưởng lại tương đối thấp khoảng dưới 4% và chúng ta vẫn tiếp tục nhập siêu rất lớn từ thị trường Trung Quốc. Nếu nhìn lại những năm trước, thì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đang chậm lại rõ ràng. Nếu 2016, 2017 tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 20% hiện đã giảm xuống 8%.
Cũng trong khuôn khổ diễn đàn, bàn luận về bức tranh của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết, kinh tế vĩ mô rất ổn định thể hiện ở hàng loạt các chỉ số, như lạm phát thấp, kim ngạch thặng dư về cán cân thương mại, thâm hụt ngân sách giảm, tăng trưởng về tín dụng có xu hướng giảm, dự trữ ngoại hối gia tăng. Như vậy, không chỉ giữ ổn định kinh tế vĩ mô mà sức chống chịu của nền kinh tế cũng được cải thiện. Những thành tích này đạt được trong bối cảnh kinh tế thế giới bất ổn, đặc biệt là tác động không thuận của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, cùng với đó tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu giảm sút vào năm 2019.
Điểm sáng nữa, đó là nhờ những cải cách kinh tế thể chế và điều kiện kinh doanh. Việt Nam tăng thêm 10 bậc đánh giá về năng lực cạnh tranh toàn cầu. Chính những điều này tạo thêm động lực phát triển kinh tế, đặc biệt là tăng trưởng của khu vực kinh tế trong nước, TS. Nguyễn Đình Cung cho hay.
Năm 2020: Động lực tăng trưởng từ kinh tế tư nhân - ảnh 2
 TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương.
Cũng theo TS. Nguyễn Đình Cung, trong năm vừa rồi, kinh tế tư nhân trong nước gia tăng với tốc độ cao về xuất khẩu và đầu tư, cao hơn nhiều so với đầu tư nước ngoài, trở thành động lực tăng trưởng cho năm 2019 và những năm tiếp theo. Khi kinh tế tư nhân trong nước tăng trưởng như vậy, tạo được nhiều công ăn việc làm hơn, người dân được hưởng nhiều hơn, bền vững, công bằng hơn về sự tăng trưởng này.
Dẫn số liệu tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2019 đạt kết quả ấn tượng với tốc độ tăng 7,02%, kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mức 500 tỷ USD, TS. Nguyễn Đình Cung nhận định, người dân được hưởng lợi đầu tiên. Hưởng lợi thứ nhất, đó là giá cả ổn định. Thứ hai, khi tăng trưởng cao, công ăn việc làm sẽ nhiều hơn, người dân thu nhập tốt hơn. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Thời gian gần đây, chúng ta thấy chất lượng môi trường sống ở Hà Nội và TPHCM kém hơn trước, chúng ta nên nhìn lại.
Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng, chúng ta đạt được mức kỷ lục về xuất nhập khẩu trên 500 tỉ USD song đó là mặt được của vấn đề, bởi đằng sau con số này đó chính là sự cố hữu về độ mở lớn của nền kinh tế. Độ mở lớn, đồng nghĩa với độ rủi ro sẽ cao, tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế cũng từ đó mà gia tăng.
Do đó, ông Cung khuyến nghị: Chính phủ cần cải cách hệ thống phân bố nguồn lực trong đó có phát triển thị trường vốn một cách đồng đều hơn, phát triển thị trường đất đai, đặc biệt là thị trường quyền sử dụng đất. Không thể phân bố đất đai theo kiểu lấy của người này cho người khác mà phải theo thị trường. Để làm được điều đó thì quyền sử dụng đất, đặc biệt là quyền sử dụng đất nông nghiệp phải được coi là một tài sản chứ không phải một công cụ sản xuất. Chỉ khi được coi là một tài sản thì quyền sử dụng đất mới có thị trường giao dịch được.