Năm nay, duy trì lãi suất cho vay ổn định đã là thành công
Thắt chặt tiền tệ là xu hướng chủ đạo
Trong báo cáo triển vọng trái phiếu tháng 5/2022 vừa phát hành, bộ phận nghiên cứu tại Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định xu hướng trung hòa chính sách tiền tệ nới lỏng của các ngân hàng trung ương vẫn là xu hướng chính trong giai đoạn tiếp theo trên thị trường tài chính toàn cầu, mà đi đầu là các động thái mang tính “diều hâu” hơn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Trước đó, ngày 4/5, FED thông báo quyết định tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, qua đó nâng lãi suất cơ bản lên mức 0,75% - 1,0%. Đáng chú ý, Ủy ban Thị trường mở (FOMC) thuộc FED cũng đạt được sự đồng thuận về khả năng về khả năng tăng lãi suất cơ bản 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo vào tháng 6 tới.
Kể từ tháng 4/2000, FED chưa lần nào nâng lãi suất quá 0,25%. Động thái tăng lãi suất mạnh mẽ như vậy là một phần trong nỗ lực kiểm soát lạm phát của ngân hàng trung ương lớn nhất hành tinh khi lạm phát tại Mỹ vẫn dập dìu quanh đỉnh 4 thập kỷ. Tháng 4/2022, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh điều chỉnh lãi suất, FED còn tuyên bố chuẩn bị giảm quy mô bảng cân đối kế toán từ tháng 6 để kiềm chế lạm phát. Theo đó, cơ quan này có kế hoạch giảm danh mục tài sản đã phình to lên tới 9 nghìn tỷ USD, cụ thể hút tiền về khoảng 47,5 tỷ mỗi tháng từ tháng 6, sau đó nâng lên 95 tỷ USD mỗi tháng từ tháng 9.
VCBS nhận định quyết định của FED về quá trình và mức tăng lãi suất diễn ra khá tương đồng với kỳ vọng của thị trường, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát Mỹ vẫn đang ở mức cao, tình hình dịch bệnh và diễn biến địa chính trị thế giới còn nhiều phức tạp.
Việc FED tăng lãi suất sẽ củng cố sức mạnh đồng USD so với các ngoại tệ khác, từ đó dẫn đến khả năng VND giảm giá tương đối so với USD. Điều này cũng cho thấy bài toán khó đối với các ngân hàng trung ương - trong đó có Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) - khi đảm bảo mục tiêu liên quan đến lạm phát và sự cân đối trong tương quan về chính sách tiền tệ so với các quốc gia khác trên thế giới trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất nhằm ứng phó với lạm phát.
Trong nước: Lãi suất cho vay không còn dư địa giảm
Tại Việt Nam, VCBS nhận định rằng đứng trước nhiều rủi ro và tình hình bất định gia tăng, NHNN đã lựa chọn phương án duy trì mức thanh khoản vừa phải trên thị trường liên ngân hàng, đảm bảo hài hòa tăng trưởng tín dụng với các mục tiêu điều hành kinh tế vĩ mô trong khi vẫn quản lý sát sao, chặt chẽ vấn đề dịch chuyển vốn, tiền tệ sang thị trường bất động sản hay các thị trường khác.
Trong tháng 4, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng trong nước tiếp tục tăng, duy trì trong khoảng 2,3% - 2,73% đối với các kỳ hạn qua đêm đến 3 tháng. Theo NHNN, tính đến ngày 12/5, mặt bằng lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đứng ở 2,07%, 1 tuần là 2,26%, 2 tuần là 2,85% và 3 tháng lên tới 2,9%.
NHNN cũng bơm ròng 1.648,38 tỷ đồng vào thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở. Trong đó, 8.375 tỷ đồng được bơm thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn 7 ngày với lãi suất 2,5%/năm; ngoài ra, 6.727 tỷ đồng khác là khối lượng mua kỳ hạn đã đáo hạn.
VCBS đánh giá các rủi ro địa chính trị đi kèm với xu hướng trung hòa dần chính sách tiền tệ nới lỏng trên thế giới là các yếu tố chính thúc đẩy mặt bằng lợi suất liên ngân hàng cao hơn 1-1,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo VCBS, lãi suất liên ngân hàng nhiều khả năng sẽ duy trì xung quanh mặt bằng hiện tại và sẽ mất khoảng thời gian đáng kể trước khi có thể dần hạ nhiệt. "Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng năm 2022 sẽ cao hơn khoảng 1%-1,5% so với năm trước đó", báo cáo nêu rõ.
Về phía lãi suất cho vay, VCBS cho rằng áp lực lạm phát trong nước là một trong những yếu tố tạo nên thách thức cho NHNN trong khả năng can thiệp và hỗ trợ nền kinh tế thông qua công cụ tiền tệ.
Điều này từng được TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh tại Tọa đàm dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023 trong tuần qua. Theo ông Lực, việc giá cả thế giới tăng nhanh trong thời gian qua đã khiến các quốc gia trên toàn cầu rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan: nếu tăng lãi suất, giảm bớt các hỗ trợ tiền tệ và tài khóa để kiểm soát lạm phát thì tốc độ phục hồi và tăng trưởng kinh tế sẽ không đạt kỳ vọng.
Tương tự, tại Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng áp lực lạm phát năm nay đang hiện hữu. Trong khi một số dự báo cho rằng lạm phát năm nay dù tăng nhưng vẫn nằm dưới mức mục tiêu là 4%, thì kịch bản lạm phát do các chuyên gia kinh tế BIDV xây dựng cảnh báo lạm phát có thể lên tới vượt 4% nếu giá dầu thế giới tăng quá cao.
Ông Lực cho rằng trong quá trình phục hồi, không thể chủ quan trước lạm phát nhưng cũng không thể vì lo lắng quá mà “bóp nghẹt”, “thắt chặt” dẫn đến tắc nghẽn nhiều thứ. "Nếu lạm phát trên 4,5%, chúng ta vẫn chấp nhận vui vẻ", TS. Lực nhấn mạnh.
Cũng chính vì áp lực lạm phát năm nay lớn như vậy, TS. Lực cho rằng việc duy trì được mặt bằng lãi suất đầu tư cơ bản ổn định đã là thành công trong năm nay chứ khó có thể giảm thêm. “Riêng lãi suất đầu ra, Chính phủ và Thống đốc NHNN đều yêu cầu ổn định, còn giảm thì cực khó vì cả thế giới tăng, Việt Nam đầu vào cũng tăng làm sao có thể giảm đầu ra".