Nâng cao kỹ năng đối phó rào cản phi thuế quan cho doanh nghiệp

08:37 | 21/02/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) -  Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp (DN), nhất là DNNVV về các vấn đề phi thuế quan trong giao dịch quốc tế, ngày 19-20/2, Cục Xúc tiến thương mại và Trung tâm Thương mại quốc tế đã phối hợp triển khai Khóa huấn luyện: “Đối phó với các hàng rào phi thuế quan và sử dụng công cụ phân tích thị trường”.

Đây là khóa huấn luyện nằm trong khuôn khổ “Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại của Việt Nam: Đối phó với vấn đề phi thuế quan trong thương mại” triển khai trong 2 năm 2019-2020” của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC).

Rào cản phi thuế quan là các rào cản ngoài thuế làm ảnh hưởng đến lưu chuyển hàng hóa quốc tế, nhằm duy trì và bảo hộ sản xuất cũng như người tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam khi thực hiện xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… luôn phải đối mặt với các loại rào cản phi thuế quan, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh… Những khó khăn, hạn chế của DN Việt Nam trong việc đối phó với rào cản phi thuế quan hiện nay đối với ba nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực là dệt may sang Hoa Kỳ; da giày sang EU; thủy sản sang Nhật Bản.

Nâng cao kỹ năng đối phó rào cản phi thuế quan cho doanh nghiệp - ảnh 1
Các chuyên gia và doanh nghiệp chụp ảnh kỷ niệm tại khóa tập huấn.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), hiện có 9 biện pháp phi thuế quan chính được các quốc gia trên thế giới sử dụng. Trong đó, biện pháp kiểm dịch động thực vật là 37,5%; rào cản kỹ thuật thương mại là 37,5%; kiểm tra hàng hòa trước khi vận chuyển và các thủ tục khác là 1,3%; các biện pháp cấp phép không tự động, cám hạn ngạch 2,4%...
Nhận định về quy mô DN của Việt Nam, ông Vianney Lesaffre, Điều phối trưởng Dự án, chuyên gia Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) cho rằng, ở Việt Nam số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa đang chiếm phần lớn và chỉ có 10% số doanh nghiệp này có khả năng xuất khẩu trực tiếp, còn lại là xuất khẩu qua trung gian và sản xuất gia công. Mặt khác, DNNVV còn có rất nhiều điểm hạn chế như: Nguồn tài chính hạn hẹp, khả năng tiếp cận nguồn vốn, đầu tư công nghệ sản xuất mới hạn chế và rất ít số doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, do đó năng lực tiếp cận cũng như thoả mãn các rào cản phi thuế quan tại các thị trường nước ngoài rất thấp.
Thời gian qua, Việt Nam đã và đang tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng thông qua việc tham gia vào thị trường quốc tế, thông qua ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Các hoạt động phát triển xuất khẩu của các ngành hàng xuất khẩu tiềm năng đến các thị trường tiềm năng đang được từng bước mở rộng và đa dạng về cách thức và loại hình. Ngoài những thuận lợi do các FTA mang lại, DN Việt cũng phải đối mặt với nhiều thách thức từ tiến trình này, đặc biệt là những trở ngại trong giao thương quốc tế.
Nâng cao kỹ năng đối phó rào cản phi thuế quan cho doanh nghiệp - ảnh 2
Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương).

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, các vấn đề về phi thuế quan mà mỗi Chính phủ, ngành, doanh nghiệp nước ngoài đặt ra là vấn đề DN Việt cần phải nắm bắt, hiểu rõ và xem xét để vượt qua. Mặc dù việc tham gia vào thị trường quốc tế ngày một sâu rộng nhưng trên thực tế, DN của chúng ta còn nhỏ, chưa đủ năng lực và khả năng để hiểu rõ về các vấn đề rào cản trong giao dịch thương mại. Việc hạn chế về nhận thức sẽ dẫn đến những thiệt hại trong kinh doanh và xuất khẩu. Vì thế, việc hỗ trợ để các tổ chức và doanh nghiệp nhận biết, hiểu được những điều này là rất quan trọng, từ đó xây dựng năng lực đủ mạnh để khắc phục và vượt qua các rào cản phi thuế quan.

Do vậy, theo ông Chiến, trong xu hướng “nở rộ” các rào cản phi thuế quan như hiện nay, mục tiêu của Khoá huấn luyện nhằm hỗ trợ các tổ chức và DN Việt Nam, đặc biệt là đội ngũ tư vấn viên tìm hiểu thực trạng, xác định nhu cầu và đưa ra các giải pháp, nhận thức rõ về các vấn đề liên quan đến hàng rào phi thuế quan trong giao dịch quốc tế. Đồng thời, các chuyên gia ITC cũng sẽ giới thiệu và hướng dẫn các học viên cách thức sử dụng các công cụ được ITC thiết kế bài bản để phân tích thị trường. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là đội ngũ tư vấn được trang bị các kiến thức nền tảng và chuyên sâu, hỗ trợ triển khai hoạt động kinh doanh và xuất khẩu hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, tránh được những rủi ro trong xuất khẩu.

Học viên tham gia đào tạo sẽ trải qua 02 khoá huấn luyện: Khoá huấn luyện cơ bản (02 ngày) và Khoá huấn luyện chuyên sâu (03 ngày) với các phần lý thuyết và thực hành kỹ năng chuyên biệt. Kết thúc khoá huấn luyện, các chuyên gia sẽ có những đánh giá đối với từng học viên dựa trên một số tiêu chí kỹ thuật để cấp chứng chỉ cho các học viên (là các ứng viên trở thành tư vấn về lĩnh vực này).

Được biết, “Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại của Việt Nam: Đối phó với vấn đề phi thuế quan trong thương mại” triển khai trong 2 năm 2019-2020. Dự án tập trung vào 4 nội dung: Tiến hành khảo sát doanh nghiệp về vấn đề phi thuế quan tập trung vào 2 lĩnh vực là hàng hoá và dịch vụ; tham vấn các bên liên quan nhằm tìm hiểu về phương hướng khả thi để khắc phục các trở ngại thương mại hiện có và giảm chi phí trong giao dịch thương mại; Xây dựng năng lực để đối phó với vấn đề phi thuế quan nhằm củng cố và nâng cao năng lực của các nhà hoạch định chính sách, tổ chức hỗ trợ thương mại, doanh nghiệp nhỏ và vừa; tăng cường tính minh bạch về các quy tắc thủ tục.