Ngân hàng chật vật rao bán nợ xấu, có “cục nợ” đã rao đến lần thứ 10 chưa ai mua

11:00 | 19/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Việc các ngân hàng rao đi, rao lại nợ, kể cả những khoản nợ nhỏ chỉ từ vài trăm nghìn đồng đã cho thấy áp lực xử lý nợ xấu đang đè nặng trên vai các ngân hàng.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa rao bán khoản nợ  tại Lâm Đồng của Công ty TNHH Việt Trường Sơn với giá 22,3 tỷ đồng  bảo đảm bằng 6 lô đất tại TP Đà Lạt, TX Bảo Lộc (Lâm Đồng). Được biết, đây là lần thứ 10 Vietcombank rao bán khoản nợ trên. Tính đến ngày 30/9 khoản nợ của Công ty Việt Trường Sơn tại Vietcombank đã lên đến 34,9 tỷ đồng.

Cũng như Vietcombank, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng vừa đăng tin rao bán khoản nợ liên quan tới ông Trương Việt Bình, người sáng lập thương hiệu thời trang NEM đến lần thứ 9.

Áp lực nợ xấu đang đè nặng lên vai ngân hàng

Khoản nợ này được bảo đảm bằng 3 triệu cổ phần của ông Trương Việt Bình tại Công ty CP Thời trang NEM, bảo lãnh thanh toán của Công ty CP Thời trang NEM. Giá khởi điểm khoản nợ lần này là 257 tỷ đồng, không giảm so với lần rao bán thứ 8.

Được biết số dư của khoản nợ tính đến ngày 15/4 năm nay là 498 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 257 tỷ và nợ lãi gần 174 tỷ đồng, phí phạt quá hạn hơn 67 tỷ đồng.

Trước đó, qua mỗi lần rao bán không thành công, BIDV sẽ giảm giá khoảng 10%. Nếu lần này rao bán thành công ở mức giá 257 tỷ đồng, BIDV cũng chỉ thu hồi được nợ gốc, bằng một nửa giá trị khoản nợ.

Ngoài khoản nợ trên, BIDV cũng đang rao bán 2 khoản nợ khác gồm, khoản nợ của Công ty TNHH XD và KD Nhà Bách Giang, Công ty TNHH XD TM Cao Nguyên. Được biết đây là lần thứ 6 BIDV rao bán khoản nợ này. Mức giá khởi điểm cho lần giao bán thứ 6 là 281 tỷ đồng, giảm 31 tỷ đồng so với lần rao bán thứ 5 và giảm hơn 190 tỷ, tương đương giảm hơn 40% so với lần rao bán đầu tiên.

Khoản nợ của Nhà Bách Giang được đảm bảo bằng dự án KDC khu phố 4, Phường Phước Long A, Quận 9 (nay là TP Thủ Đức).  Tổng dư nợ tạm tính đến ngày 30/9 là 244,5 tỷ đồng, dư nợ gốc là hơn 97 tỷ và dư nợ lãi là hơn 147 tỷ đồng. Trong khi đó, dư nợ của Công ty Cao Nguyên là hơn 253 tỷ đồng, gồm 100,7 tỷ đồng nợ gốc và 152,5 tỷ đồng nợ lãi.

Tương tự vậy khoản nợ của Công ty CP Tập Đoàn Khải Vy cũng đã được BIDV rao bán đến lần thứ 6. Tính đến ngày 7/6, khoản nợ này có giá trị hơn 1.035 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 409 tỷ và lãi là hơn 626 tỷ đồng.

BIDV đang rao bán khoản nợ trong lần thứ 6 là 693 tỷ đồng, giảm 62 tỷ đồng so với lần rao bán cuối tháng 7 và đã giảm 342 tỷ đồng so với lần rao bán đầu tiên hồi tháng 5 (tức giảm tới 33%). Trong các tài sản đảm bảo, đáng chú ý nhất là Trung tâm hội nghị tiệc cưới Crysta; Palace (TP.HCM).

Vào đợt tháng 9 vừa qua, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) vừa phát đi thông báo chào bán công khai các khoản nợ vay tiêu dùng phục vụ đời sống để thu hồi nợ. Cụ thể, đợt rao bán lần này có tới 264 khoản vay của khách hàng cá nhân với tổng giá trị khoản nợ hơn 6,58 tỷ đồng.

Trong đó, khoản nợ có giá trị cao nhất trong đợt chào bán này là hơn 100 triệu đồng, còn lại phổ biến từ 5-20 triệu đồng/khoản nợ, các khoản này bao gồm cả gốc, lãi và lãi phạt. Bên cạnh đó, có nhiều khoản vay có giá trị rất nhỏ, chỉ dưới 1 triệu đồng, thậm chí có khoản vay của khách hàng Lê Đức Hải chỉ có giá trị 483.000 đồng.

Ngân hàng cho biết, khách mua có thể mua lẻ từng món nợ hoặc tất cả khoản nợ và phải thanh toán một lần. Theo đó, ngân hàng sẽ lựa chọn người mua trả giá cao nhất và ít nhất bằng giá khởi điểm từng khoản nợ. Do các khoản nợ vay tiêu dùng nên các khoản nợ được rao bán đều không có tài sản bảo đảm.

Các khoản nợ vay tiêu dùng phục vụ đời sống có nghĩa vụ thanh toán cho VietinBank theo các hợp đồng tín dụng đã ký. Do đó, người mua những khoản nợ này sẽ có quyền đòi nợ.

Đây không phải là lần đầu tiên ngân hàng này rao bán các khoản nợ tiêu dùng và tương tự. Cụ thể, vào hồi tháng 5, VietinBank cũng đăng tải thông tin rao bán 9 khoản nợ tiêu dùng phục vụ đời sống của các cá nhân với giá trị thấp.

Việc các ngân hàng dồn dập rao bán nợ, kể cả những khoản nợ nhỏ chỉ từ vài trăm nghìn đồng đã cho thấy áp lực xử lý nợ xấu đang đè nặng trên vai các ngân hàng. Những khoản nợ có được đảm bảo bằng tài sản tốt thì việc xử lý sẽ tương đối dễ dàng. Trong khi đó, nhiều khoản nợ dù đã “đại hạ giá”, chỉ mong thu hồi được vốn nhưng rao đi, rao lại vẫn không ai mua, bởi những khoản nợ này phức tạp và đòi hỏi tiềm lực tài chính mạnh tới từ người mua.

Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 vừa qua lại càng khiến bức tranh nợ xấu của các ngân hàng thương mại trở nên xám xịt. Tại phiên họp thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mới đây, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm 2021 dự kiến sẽ ở mức từ 7,1% - 7,7%, xấp xỉ 8%. Đây là kết quả được dự báo khi các ngân hàng thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn nợ.

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI nhận định, do biện pháp giãn cách xã hội tại các tỉnh, TP phía Nam kéo dài và nhiều nhà băng giảm lãi suất cho vay từ 1 - 2%/năm kể từ cuối tháng 7/2021, tỷ lệ hình thành nợ xấu mới có khả năng sẽ tăng, đồng thời thu nhập lãi thuần chịu áp lực giảm trong quý III, thậm chí cả quý IV/2021.

Trong báo cáo tài chính quý III vừa được Ngân hàng NCB công bố cho thấy, chi phí dự phòng của ngân hàng trong quý III ở mức 132 tỷ đồng, gấp 66 lần so với cùng kỳ. Tuy nhiên, cùng kỳ năm ngoái, NCB phải trích lập 170 tỷ các khoản xử lý theo đề án tái cấu trúc. Tại thời điểm cuối tháng 9, nợ xấu nội bảng của NCB là 800 tỷ đồng, tăng 191 tỷ đồng so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,51% lên 1,94%.

Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt, chi phí dự phòng vì các khoản nợ xấu tiềm tàng vì COVID-19 dự kiến còn tiếp tục tăng lên đáng kể. Chi phí dự phòng các ngân hàng thương mại sẽ tăng 20%, đặc biệt là tại các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) tương đối thấp. Theo nhóm nghiên cứu này, điểm rơi về nợ xấu sẽ chủ yếu ở quý IV.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, nguồn lực của các tổ chức tín dụng đến nay đã dần suy giảm, những khoản nợ dù đã được cơ cấu lại nhưng bản chất nền tảng vẫn là nợ xấu, chỉ khác là ngân hàng không phải trích lập dự phòng rủi ro ngay.