Ngân hàng đồng loạt giảm lãi vay, cơ cấu nợ cho khách hàng thiệt hại sau bão
Sau bão Yagi (cơn bão số 3), nhiều ngân hàng tại Việt Nam đã triển khai các chính sách hỗ trợ tài chính nhằm giúp người dân và doanh nghiệp khắc phục hậu quả. Những chính sách này bao gồm giảm lãi suất vay, giãn nợ và đóng góp vào các quỹ ủng hộ đồng bào bị thiệt hại,...
Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) thông báo giảm 1% lãi suất vay đối với doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh chịu ảnh hưởng bão lũ, nhằm chung tay tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão.
Cụ thể, từ nay đến 31/12/2024, MSB điều chỉnh giảm lãi suất cho vay 1%/năm so với lãi suất hiện hành dành cho các khách hàng là hộ kinh doanh đang vay vốn tại MSB với thời gian vay lên đến 60 tháng.
Đối với khách hàng mới là chủ hộ kinh doanh, MSB cung cấp các gói vay ưu đãi bao gồm hạn mức tín chấp lên đến 2 tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 11,5%/năm và hạn mức thế chấp lên đến 20 tỷ đồng với lãi suất từ 5,8%.
Đối với khách hàng là doanh nghiệp nhỏ, MSB cũng đẩy mạnh các gói tín dụng cạnh tranh với hạn mức vay thế chấp lên đến 6 tỷ đồng, lãi suất chỉ từ 4,99% và hạn mức vay tín chấp lên đến 2 tỷ đồng, lãi suất từ 7,7%.
Về thời gian vay, doanh nghiệp nhỏ được vay vốn lên đến 36 tháng và các hình thức vay như cho vay bổ sung vốn lưu động, cho vay trung dài hạn, thấu chi, thẻ tín dụng và tài trợ thương mại... nhằm tháo gỡ khó khăn, thiệt hại do bão lũ để lại.
Cùng với đó, MSB đã trao tặng 1 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng cho biết sẽ giảm lãi suất 1% cho các khoản vay trung và dài hạn, 0,5% cho các khoản vay ngắn hạn áp dụng tại tất cả các tỉnh thành phố đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão Yagi như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Nguyên, Yên Bái … từ ngày 13/9 đến hết ngày 31/12/2024.
Ngân hàng Eximbank cũng giảm lãi suất cho vay các doanh nghiệp nhỏ và vừa, với ưu đãi giảm thêm 1% lãi suất cho tháng đầu tiên tại các khoản vay ngắn hạn; Ưu đãi cho khoản vay trung và dài hạn với lãi suất 0% trong hai tháng đầu tiên và lãi suất 7,49%/năm cho 10 tháng tiếp theo. Ngân hàng thực hiện chung tay đóng góp 2 tỷ đồng nhằm chung tay hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng sau bão số 3.
Các ngân hàng lớn như Agribank, VietinBank, BIDV cũng kịp thời triển khai các chương trình giãn nợ, cơ cấu lại nợ và đánh giá thiệt hại để hỗ trợ khách hàng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh các chính sách tài chính, nhiều ngân hàng đã tổ chức hoạt động từ thiện, ủng hộ tiền và vật phẩm để giúp đỡ các khu vực chịu thiệt hại nặng nề, như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên,...
Trước đó,chiều 10/9 tại lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 gây ra diễn ra ở trụ sở Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú đã đại diện ngành Ngân hàng Việt Nam trao tặng 38,4 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại.
Trong đó, 17 ngân hàng, mỗi ngân hàng ủng hộ 2 tỷ đồng bao gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank); Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank); Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank); Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank); Ngân hàng TMCP Quân đội (MB); Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank); Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB); Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB); Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank); Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank); Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank); Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank); Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank); Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB); Ngân hàng TMCP Nam Á (NamA Bank); Ngân hàng TNHH MTV Woori Việt Nam.
Ba ngân hàng, mỗi ngân hàng ủng hộ 1 tỷ đồng gồm Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB); Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank); Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam (Shinhan Bank).
Hai ngân hàng, mỗi ngân hàng ủng hộ 500 triệu đồng bao gồm Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) và Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank).
Hai ngân hàng, mỗi ngân hàng ủng hộ 200 triệu đồng bao gồm Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) và Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank).