Ngân hàng Nhà nước: Đề ra phương án hỗ trợ doanh nghiệp hậu COVID -19

20:35 | 22/09/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đó là thông tin Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra tại buổi họp về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng 9 tháng đầu năm 2020 và định hướng những tháng cuối năm.

Sáng 22/9, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức họp báo thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2020.

Bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, công tác cơ cấu lại các tổ chức tín dụng đã đạt được những kết quả quan trọng. Công tác cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng đạt được những kết quả quan trọng.

Đến nay, về cơ bản các phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của từng TCTD đã được NHNN phê duyệt; năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, vốn điều lệ tăng dần; chất lượng quản trị điều hành của các TCTD từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế; các TCTD đạt các tỷ lệ, giới hạn an toàn theo quy định của pháp luật; tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các TCTD đã được xử lý có hiệu quả; kỷ cương, kỷ luật trên thị trường tiền tệ và lĩnh vực ngân hàng được chấn chỉnh và nâng cao, góp phần ổn định, bảo đảm an ninh tài chính - tiền tệ.

Ngân hàng nhà nước: Xử lý được khoảng 63,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu

Cũng theo NHNN, chất lượng quản trị, điều hành của các TCTD từng bước được nâng cao, tiệm cận với thông lệ quốc tế; hầu hết các TCTD đã áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN theo phương pháp tiêu chuẩn của Basel II. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiếp tục được duy trì ở mức dưới 2%. Bên cạnh đó, tính từ năm 2012 đến cuối tháng 7/2020, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được khoảng 1.113,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó 7 tháng đầu năm 2020, tổng nợ xấu được xử lý là khoảng 63,7 nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt, từ khi Nghị quyết 42 ra đời đã hỗ trợ TCTD xử lý nợ xấu đạt hiệu quả cao hơn, tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 được xử lý từ 15/8/2017 đến 31/5/2020 đạt trung bình khoảng 7,15 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 3,63 nghìn tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tháng từ năm 2012 – 2017 của hệ thống các TCTD trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (trung bình khoảng 3,52 nghìn tỷ đồng/tháng).

Đồng thời, kết quả xử lý nợ xác định theo Nghị quyết 42 theo hình thức khách hàng trả nợ có xu hướng tăng, khách hàng đã chủ động hợp tác hơn trong việc trả nợ TCTD. Theo đó, tỷ trọng nợ xấu xử lý bằng hình thức khách hàng trả nợ/tổng nợ xấu nội bảng theo Nghị quyết 42 đã xử lý từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực đến thời điểm 31/12/2019 và 31/5/2020 tương ứng khoảng 40,5% và 40,1%, cao hơn nhiều tỷ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng trả nợ/tổng nợ xấu nội bảng đã xử lý trung bình năm từ 2012-2017 (22,8%).

Ngoài ra, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, ngân hàng nhà nước đã ban hành Thông tư số 01/2020 ngày 13/3/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nhà nước cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Đồng thời, cơ quan này cũng ban hành Thông tư số 08/2020 ngày 14/8/2020 cho phép các tổ chức tín dụng lùi lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn; tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng hỗ trợ tốt hơn cho khách hàng vay vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Để tiếp tục triển khai công tác cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đồng thời có các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 ngân hàng tiếp tục tích cực triển khai nhiều biện pháp như: Theo dõi, đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến khả năng hoàn thành các mục tiêu tại Phương án cơ cấu lại của các tổ chức tín dụng.

Hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phương án cơ cấu lại ngân hàng mua bắt buộc, các tổ chức tín dụng yếu kém; nâng cao hiệu quả công tác cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng yếu kém để ngăn ngừa rủi ro phát sinh ảnh hưởng đến an ninh, tiền tệ tín dụng.

Chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng; tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát và hạn chế nợ xấu phát sinh…

HOÀNG QUÂN

Xem thêm: Mua trái phiếu doanh nghiệp lãi suất khủng, rủi ro ra sao?