Ngân hàng trước bài toán 2024: Gia cố bộ đệm rủi ro hay chăm lo tăng trưởng lợi nhuận?

Diên Vỹ 16:45 | 23/05/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo số liệu từ Vietstock, dư nợ xấu của 28 ngân hàng trong hệ thống tính đến cuối quý I/2024 đã lên đến 224.146 tỷ đồng, tức tăng 14% so với đầu năm. Chứng khoán SSI dự báo rằng áp lực nợ xấu sẽ tiếp tục tăng trong năm nay, và hệ thống ngân hàng có thể mất từ 2-3 năm để trích lập đủ số dự phòng cần thiết để xóa nợ xấu.

 

Theo Chứng khoán ACB (ACBS), biên lãi ròng (NIM) quý I/2024 của các ngân hàng niêm yết - vốn được kỳ vọng tiếp tục cải thiện so với mức 3,81% của quý IV/2023 nhờ nền lãi suất thấp ổn định lâu dài - lại suy giảm xuống còn 3,67% khi tín dụng tăng chậm và lãi suất cho vay hạ nhanh hơn lãi suất huy động.

 NIM của hệ thống ngân hàng đã co lại trong quý I/2024. Ảnh: ACBS

Theo đó, trong quý I/2024, tăng trưởng tín dụng của 27 ngân hàng niêm yết ước tính chỉ đạt 1,9% so với đầu năm, thấp hơn nhiều so với con số 3,9% cùng kỳ. Cùng đó, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 9,6% so với cùng kỳ, thấp hơn đáng kể so với kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận năm nay của toàn ngành (19,4%). 

Một báo cáo mới đây của Chứng khoán MB (MBS) thì chỉ ra rằng NIM trung bình toàn ngành trong quý I/2024 chỉ ở mức 3,4%, giảm 0,2 điểm % so với cùng kỳ và giảm 0,09 điểm % cơ so với quý IV/2024 nhờ chi phí vốn giảm mạnh hơn so với tỷ suất sinh lợi của tài sản.

Trong bối cảnh NIM co hẹp, bên cạnh một số nhà băng tăng trích lập để xử lý nợ xấu và đảm bảo bài toán chất lượng tài sản, một số ngân hàng lại đang giảm bộ đệm dự phòng rủi ro để "gia cố" thêm bức tranh lợi nhuận mặc cho dư nợ xấu có xu hướng tăng. 

Nợ xấu vẫn nóng nhưng bộ đệm dự phòng ngày càng mỏng

Theo số liệu từ Vietstock, dư nợ xấu của 28 ngân hàng trong hệ thống tính đến cuối quý I/2024 đã lên đến 224.146 tỷ đồng, tức tăng 14% so với đầu năm. Trừ hai ngân hàng ghi nhận chất lượng nợ vay cải thiện là VPB (dư nợ xấu giảm gần 1%) và SHB (dư nợ xấu giảm 0,1%), thì các ngân hàng còn lại đều báo dư nợ xấu tăng mạnh với tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 18% so với đầu năm. 

Còn nếu xét về tỷ lệ nợ xấu/ dư nợ vay (NPL), tính đến cuối quý I, có tới 24/28 ngân hàng trong hệ thống ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng so với đầu năm. Chứng khoán MB (MBS) trong báo cáo ngành Ngân hàng mới nhất cho biết tỷ lệ nợ xấu trung bình của các ngân hàng niêm yết tính đến cuối quý I/2024 đã tăng lên mức 2,17%, từ mức 1,93% ở thời điểm cuối năm 2023. Tỷ lệ nợ nhóm 2 cũng tăng nhẹ lên mức 2,10% so với 1,94% cuối năm 2023. 

“Quy mô nợ xấu quý I của các ngân hàng niêm yết chứng kiến mức tăng mạnh 48,5% so với cùng kỳ, trong khi chi phí trích lập chỉ tăng nhẹ 5,4% khiến tỷ lệ bao nợ xấu (LLR) suy giảm đáng kể. LLR trung bình chỉ đạt 87,5% cuối quý I/2024, giảm đáng kể so với mức 94,6% của quý IV/2023 và 120,7% cùng kỳ năm ngoái”, báo cáo của MBS nhận định.

 

 Nguồn: MBS

Chung quan điểm này, thống kê của Chứng khoán ACB (ACBS), chỉ ra rằng Xét về tổng nợ nhóm 2, nợ xấu  (nợ nhóm 3,4,5) và nợ tái cơ cấu thì tỷ lệ này đang thấp hơn giai đoạn quý II - quý III/2020 (thời điểm dịch COVID-19), nhưng xét riêng lẻ thì tỷ lệ nợ xấu (nợ nhóm 3,4,5) và nợ nhóm 2 lại tăng lên đáng kể cho thấy một lớp nợ xấu mới đang có dấu hiệu hình thành. Trong khi đó, mặc dù số dư dự phòng rủi ro ước tăng khoảng gần 6% so với thời điểm cuối năm 2023, tỷ lệ bao nợ xấu (LLR) lại tiếp tục giảm sau khi tăng nhẹ vào quý IV/2023. 

 Nguồn: MBS

Thực tế, thống kê báo cáo tài chính quý I/2024 của các ngân hàng cho thấy, tính đến thời điểm 31/3/2024, chỉ có 5 ngân hàng có LLR trên 100% (bao gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank, Techcombank và BacABank), giảm một nửa so với con số 10 ngân hàng hồi cuối năm 2023. Trong khi đó, hàng loạt ngân hàng tiếp tục chứng kiến tỷ lệ LLR suy giảm do giảm chi phí dự phòng rủi ro, như TPBank, SHB, STBB, VPBank… để “gia cố” tăng trưởng lợi nhuận.

Ngay cả trong top 10 ngân hàng có tỷ lệ bao nợ xấu cao nhất toàn hệ thống, cũng có tới 8/10 ngân hàng cũng chứng kiến bao nợ xấu giảm đáng kể trong quý I/2024. Ảnh: Diên Vỹ tổng hợp.

Với những ngân hàng có tỷ lệ LLR từ 100% trở lên, trong trường hợp xấu nhất khi toàn bộ nợ xấu không thể thu hồi, ngân hàng vẫn còn phần dự phòng để xử lý, qua đó không gây rủi ro và không ảnh hưởng đến lợi nhuận. Còn trong trường hợp nợ xấu thu hồi được, khoản dự phòng đó có thể được hoàn nhập, làm gia tăng lợi nhuận tương lai. Như vậy, ngân hàng sở hữu tỷ lệ LLR cao có thể duy trì mục tiêu kép: tăng trưởng lợi nhuận và chất lượng tài sản. Trong khi ngân hàng có tỷ lệ LLR thấp, bộ đệm dự phòng mỏng lại có xu hướng bị động trước rủi ro, nguy cơ tác động đến lợi nhuận trong trung và dài hạn.

Thêm vào đó, xu hướng lợi nhuận ngân hàng phụ thuộc vào bộ đệm dự phòng có nguy cơ làm chất lượng lợi nhuận giảm sút, nhất là khi Thông tư 02 của NHNN hết hiệu lực. Đó cũng là lý do vì sao Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú từng khuyến cáo không nên lạm dụng tái cơ cấu nợ, vì thực tế hành động này chỉ có thể tạm thời che nợ xấu nội bảng của ngân hàng.

Áp lực tăng trích lập nặng hơn trong những quý tiếp theo, các nhà băng chất lượng tài sản tốt hơn sẽ phục hồi sớm hơn

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý II/2024 do Ngân hàng Nhà nước thực hiện gần đây, các tổ chức tín dụng nhận định rằng mặt bằng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng sẽ tiếp tục tăng trong quý II/2024 nhưng với xu hướng tăng chậm lại so với 2023. Điều này đồng nghĩa áp lực trích lập dự phòng sẽ tiếp tục đè nặng lên các nhà băng trong những quý tiếp theo, qua đó tác động đến triển vọng lợi nhuận.

Chứng khoán SSI trong một báo cáo gần đây dự báo rằng áp lực nợ xấu sẽ tiếp tục tăng trong năm nay, và hệ thống ngân hàng có thể mất từ 2-3 năm để trích lập đủ số dự phòng cần thiết để xóa nợ xấu. Những ngân hàng có chất lượng tài sản tốt hơn như Vietcombank, VietinBank, ACB… (cũng là những ngân hàng nằm trong nhóm LLR cao - PV) được dự báo sẽ phục hồi sớm hơn và ngược lại.

Còn theo Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC), việc nợ xấu tăng trở lại trong quý I/2024 cho thấy sự cải thiện về chất lượng tài sản hồi quý IV/2023 chỉ mang tính thời vụ. Điều này được xác nhận bởi tỷ lệ hình thành nợ xấu trong quý I đã tăng lên mức 0,5% dù đã giảm liên tiếp ba quý trước đó.

Nhóm phân tích kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng được cải thiện rõ hơn về nửa sau của năm 2024 với xu hướng tiếp tục sử dụng dự phòng (tăng trích lập) để xử lý nợ. Qua đó dự kiến chất lượng tài sản toàn ngành được duy trì ổn định trong 2024 so với 2023, nhất là sau khi quy định về tái cơ cấu nợ trong Thông tư 02 đã được gia hạn đến hết năm.

Còn theo ACBS, việc tỷ lệ LLR giảm trong quý I vừa qua cho thấy áp lực trích lập dự phòng của hệ thống ngân hàng vẫn còn khá lớn trong giai đoạn tới, điều này góp phần khiến triển vọng lợi nhuận ngành ngân hàng trong tương lai còn gặp khó.

Áp lực trích lập cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho trong kết quả khảo sát gần đây của NHNN, bên cạnh 86,2% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm 2024 tăng trưởng dương so với năm 2023, vẫn có 10,1% lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2024 và 3,7% ước tính lợi nhuận không thay đổi.