Ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ chốt
19:23 | 05/04/2019
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Chiều 5/4, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo thường kỳ quý I/2019 nhằm đánh giá tình hình phát triển công nghiệp và hoạt động thương mại 3 tháng đầu năm.
Tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế và khu vực công nghiệp trong quý I là ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Tuy nhiên, khu vực này chỉ tăng trưởng 12,35%, thấp hơn mức 14,3% của cùng kỳ năm 2018. Còn về sản lượng dầu thô khai thác 3 tháng đầu năm đạt 3,3 triệu tấn, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2018; khí đốt ước đạt 2,6 tỷ m3; khí hóa lỏng đạt 307.900 tấn.Về xuất khẩu, tính chung quý I, kim ngạch đạt 58,51 tỷ USD (tăng 4,7% so với năm ngoái), trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 17,05 tỷ USD. Cả nước cũng nhập khẩu 57,98 tỷ USD hàng hóa trong 3 tháng đầu năm (tăng 8,9%).
Lý giải nguyên nhân tăng trưởng của nhóm công nghiệp chế biến chế tạo đạt thấp, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, chủ yếu do một số dự án lớn có đóng góp cho tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp như: Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn gặp sự cố về điện nên đã phải tạm dừng sản xuất trong tháng 2. Doanh nghiệp Samsung đang ở chu kỳ chuyển đổi sản phẩm, nên sản lượng và xuất khẩu chỉ tăng nhẹ (khoảng 1,02%), thấp hơn nhiều so với cùng kỳ. Tuy nhiên, với kỳ vọng vừa ra mắt dòng điện thoại S10, số lượng điện thoại sản xuất và xuất khẩu của Samsung sẽ tăng mạnh trong các tháng tới và Nhà máy Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn hoạt động trở lại (dự kiến khoảng đầu tháng 4 khởi động lại 100%) thì ngành công nghiệp sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới.
Còn mặt hàng điện thoại dù có suy giảm trong quý I nhưng tình hình sản xuất kinh doanh các sản phẩm điện tử nhìn chung tăng trưởng khá tốt. Nguyên nhân do một số doanh nghiệp trong ngành công nghiệp điện tử dân dụng Việt Nam tiếp tục đạt được sự tăng trưởng khá tốt trên thị trường. Báo cáo của Bộ Công Thương đã nhắc đến các dòng sản phẩm như tivi Asanzo và điện thoại Bphone; các dự án Vinsmart, Vintech đi vào hoạt động. Cùng với đó, Bộ cho rằng còn có vai trò của các doanh nghiệp lớn trong ngành sản xuất ổn định.
Bên cạnh đó, các dự án ô tô Vinfast đi vào sản xuất từ tháng 4/2019 có thể sản xuất vài chục nghìn xe tùy theo thị trường; dự án nhiệt điện Thái Bình với công suất 600 MW đi vào hoạt động từ giữa tháng 1/2019; Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn công suất 10 triệu tấn/năm... cũng được kỳ vọng sẽ đóng góp cho ngành công nghiệp.
Mặt khác, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, thúc đẩy kinh doanh và phát triển kinh tế, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung rà soát và tháo gỡ khó khăn kịp thời cho các ngành sản phẩm, dự án sản xuất thuộc lĩnh vực công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo nhằm nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, Bộ sẽ sớm hoàn thành các dự án sản xuất công nghiệp đi vào vận hành, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế; trong đó, tập trung vào các dự án lớn, đóng vai trò động lực cho tăng trưởng. Đó là, dự án Formosa dự kiến phát huy hết công suất trong năm nay; dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn nhanh chóng tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách để vận hành đủ công suất ngay trong năm; dự án thép Hòa Phát tại Dung Quất, dự kiến tăng thêm 3 triệu tấn.
Đặc biệt, Bộ thúc đẩy nhanh các dự án lớn trong ngành của các doanh nghiệp như Công ty cổ phần ô tô Trường Hải, Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vinfast... Từ đó, góp phần gia tăng sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong thời gian tới.
Ngoài ra, Bộ cũng sẽ thúc đẩy việc ký kết hợp đồng dài hạn giữa Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam với các hộ tiêu thụ than để làm căn cứ xây dựng kế hoạch khai thác than dài hạn và khả thi... Riêng đối với ngành dệt may, da giày, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, sẽ nhanh chóng hoàn thiện Chiến lược phát triển ngành dệt may Việt Nam phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế để tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, cũng như phù hợp với tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (dự kiến ban hành trong năm 2019).
Bộ cũng sẽ xây dựng các giải pháp xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm dệt may Việt Nam tại Hoa Kỳ và các thị trường quốc tế, chuẩn bị nguồn hàng hóa nhằm khai thác có hiệu quả các thị trường khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ đầu năm 2019. Đồng thời, Bộ cũng hỗ trợ, liên kết các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng dệt may, tăng dần tỷ lệ nội địa hóa, đáp ứng quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan, đồng thời chú trọng khâu thiết kế mẫu mã, phát triển thương hiệu và hệ thống phân phối nhằm chiếm lĩnh thị trường nội địa, tăng trưởng xuất khẩu.
Đối với ngành công nghiệp ô tô, phân bón, Bộ Công Thương sẽ có sự phối hợp với Bộ Tài chính để nghiên cứu, trình Chính phủ và Quốc hội sớm sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng, đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng. Cùng đó, Bộ ban hành sửa đổi áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe có tỉ lệ nội địa hóa cao; đề xuất bổ sung dự án sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm; trong đó, có dự án sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy- vào đối tượng hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật Đầu tư.