Ngành lọc dầu thế giới chật vật: Cung bế tắc, cầu tăng vọt
Tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu diesel và xăng đang ngày càng trầm trọng trên toàn cầu, từ những thị trường tiêu dùng lớn như Mỹ và Brazil cho đến các nước nhỏ hơn như Ukraine và Sri Lanka.
Mất cân bằng cung cầu trầm trọng, nguy cơ giá dầu không thể giảm trong vài năm tới
Nhu cầu nhiên liệu thế giới đã tăng trở lại tương đương mức trước đại dịch khi các Chính phủ mở cửa nền kinh tế. Ngay cả tại Trung Quốc, quốc gia vẫn theo đuổi chiến lược Zero COVID, các biện pháp phong tỏa kiểm dịch ở Thượng Hải và Bắc Kinh đã và đang dần được nới lỏng, hầu hết nhà máy đã hoạt động trở lại gần mức bình thường.
Tuy nhiên, về phía cung, các biện pháp đóng cửa phòng dịch trước đó tại Trung Quốc cùng lệnh trừng phạt mà một số nước phương Tây áp đặt đối với Nga đang gây áp lực lên khả năng cung ứng của các nhà máy lọc dầu trên toàn cầu. Trung Quốc, Nga và Mỹ là ba quốc gia có công suất lọc dầu lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, tại cả ba quốc gia hiện nay, công suất lọc dầu đều đang ở dưới mức tối đa.
Sức ép nguồn cung đang làm suy yếu nỗ lực của các Chính phủ trong việc hạ nhiệt giá dầu, mặc dù hàng loạt biện pháp khẩn cấp như giải phóng dầu khỏi kho dự trữ đã được đưa ra.
Hai năm trước, đại dịch bùng phát và các chính sách đóng cửa trên toàn cầu đã đưa nhu cầu năng lượng xuống thấp chưa từng có, buộc các nhà máy lọc dầu phải đóng cửa. Ravi Ramdas, giám đốc điều hành của công ty tư vấn năng lượng Peninsula Energy, cho biết: “Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhu cầu về dầu toàn cầu đã giảm mạnh, rất nhiều nhà máy lọc dầu đã đóng cửa vĩnh viễn”.
Nhưng bây giờ, tình hình nhu cầu đã đảo ngược trong khi các nhà máy lọc dầu chưa thể quay lại hoạt động hết công suất. Căng thẳng nguồn cung dầu được dự báo có thể kéo dài trong vài năm tới, nghĩa là giá dầu có thể sẽ chưa hạ nhiệt trong vài năm tiếp theo.
Bế tắc trong tăng cung dầu
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, công suất lọc dầu toàn cầu đã giảm bình quân 730.000 thùng/ ngày vào năm 2021, mức giảm đầu tiên trong 30 năm. Vào tháng 4/2022, ước tính số lượng dầu được lọc hàng ngày đã giảm xuống 78 triệu thùng/ ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2021 và thấp hơn đáng kể so với mức trung bình trước đại dịch là 82,1 triệu thùng/ ngày.
Riêng tại Mỹ, theo dữ liệu mới nhất, công suất lọc dầu của Mỹ giảm gần 1 triệu thùng so với trước đại dịch xuống còn 17,9 triệu thùng/ ngày vào tháng 2. LyondellBasell gần đây cho biết họ sẽ đóng cửa nhà máy ở Houston nơi xử lý hơn 280.000 thùng dầu/ ngày, với lý do chi phí bảo trì cao. Theo nhà phân tích độc lập Paul Sankey, công suất lọc dầu giảm lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ phản ánh một vấn đề mang tính cơ cấu chứ không phải nhất thời.
Các nhà máy lọc dầu của Mỹ đang hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu, đặc biệt là nhu cầu xuất khẩu, vốn đã tăng lên mức kỷ lục hơn 6 triệu thùng/ ngày gần đây. Công suất lọc dầu hiện vượt 92% khả năng, cao nhất theo mùa kể từ năm 2017. Gary Simmons, Giám đốc thương mại Valero cho biết: “Chúng tôi đã hoạt động tới 93% công suất, và rất khó để duy trì mức này trong thời gian dài”.
Đó là chưa kể lệnh cấm của Mỹ đối với hàng nhập khẩu của Nga đã khiến các nhà máy lọc dầu ở vùng Đông Bắc nước này thiếu trầm trọng nguồn nguyên liệu cần thiết. Phillips 66 đã buộc phải giảm công suất tại nhà máy lọc dầu ở New Jersey do không có đủ nguồn cung cấp khí đốt chân không có hàm lượng lưu huỳnh thấp để phù hợp với công nghệ lọc dầu hiện tại
Trung Quốc, quốc gia có công suất lọc dầu thứ hai trên toàn thế giới, những tháng gần đây đã cắt giảm sản lượng lọc dầu do các hạn chế phòng dịch COVID-19. Trung Quốc cũng đồng thời giới hạn xuất khẩu dầu để hạn chế hoạt động lọc dầu như một phần của nỗ lực cắt giảm lượng khí thải carbon theo cam kết với quốc tế. Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cho biết sản lượng lọc dầu của Trung Quốc đã giảm xuống mức 13,1 triệu thùng/ ngày vào tháng 4 từ mức bình quân 14,2 triệu thùng/ ngày vào năm 2021.
Còn tại Nga, theo ước tính của Reuters, nước này đã giảm khoảng 30% công suất lọc dầu do các lệnh trừng phạt. Các nhà phân tích của J.P. Morgan cảnh báo tình trạng thiếu hụt dầu khoảng 1,5 triệu thùng/ ngày từ nay cho đến cuối năm 2022.
Các quốc gia khác cũng không tăng thêm nguồn cung. Chẳng hạn, Eneos Holdings, nhà máy lọc dầu lớn nhất Nhật Bản, không có kế hoạch mở lại các nhà máy lọc dầu đã đóng cửa gần đây, một người phát ngôn nói với Reuters.
Một số dự án lọc dầu mới trên thế giới bị chậm trễ cũng khiến nguồn cung dầu trở nên căng thẳng hơn. Một nhà máy lọc dầu 650.000 thùng/ ngày ở Lagos, Nigeria được cho là sẽ mở cửa vào cuối năm 2022 nhưng hiện đã bị trì hoãn đến cuối năm 2023. Hay tại Sri Lanka, quốc gia đang trong cuộc khủng hoảng nhiên liệu, nhà máy lọc dầu duy nhất của quốc gia đã bị đóng cửa vào năm 2021 vì thiếu dự trữ ngoại hối để mua dầu thô nhập khẩu. Nước này đang tìm cách mở lại cơ sở đó vì nhiên liệu nhập khẩu rất đắt đỏ.
Nhà máy Petrobras thuộc sở hữu nhà nước của Brazil đã nói với Chính phủ rằng họ không đảm bảo mua được dầu diesel của Mỹ để cung cấp dầu vận hành máy kéo và các thiết bị nông nghiệp khác phục vụ thu hoạch mùa màng. Brazil là một trong những nhà sản xuất nông nghiệp lớn nhất thế giới. Một giám đốc điều hành lọc dầu người Brazil cho biết: “Nếu các nhà máy lọc dầu ở Mỹ bị hư hại trong mùa bão, hoặc bất cứ yếu tố nào góp phần vào sự thắt chặt của thị trường, chúng tôi có thể gặp rắc rối thực sự ".
Tại Ukraine, người nông dân cũng thiếu hụt trầm trọng nhiên liệu vận hành máy kéo, bởi nguồn cung diesel từ Nga và Belarus đã bị cắt do xung đột quân sự.