Ngành ngân hàng: Thận trọng trong ngắn hạn nhưng lạc quan dài hạn

Bình An 09:17 | 22/09/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đây là nhận định đáng chú ý của các chuyên gia công ty chứng khoán VNDirect vừa được công bố trong báo cáo tổng quan của ngành ngân hàng.

Theo các chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán VNDirect, tín dụng toàn ngành đã tăng mạnh 9,91% so với đầu năm tính đến cuối tháng 8, nhưng đà tăng đã chậm lại khi chỉ tăng thêm 0,47% kể từ Q2/22.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nới hạn mức tín dụng cho 18 ngân hàng thương mại vào đầu tháng 9. Theo hạn mức tín dụng mới của các ngân hàng này (chiếm 80% tín dụng hệ thống), tổng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt gần 13% vào cuối năm, sát với mục tiêu 14% của NHNN. Với mục tiêu hàng đầu là kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô hiện nay, chúng tôi nhận thấy sẽ ít có khả năng các ngân hàng thương mại được nhận thêm hạn mức tín dụng từ giờ cho đến hết năm.

 Dự báo tín dụng của hệ thống ngân hàng năm - Nguồn VNDIRECT Research

Cũng theo VNDirect,  đơn vị này đưa ra nhận định thận trọng với triển vọng ngắn hạn do những lo ngại về chi phí vốn tăng và tăng trưởng tín dụng hạn chế. Tuy nhiên về dài hạn, các ngân hàng trong danh mục của chúng tôi vẫn có thể tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ ở mức 31%/15% trong giai đoạn 2022-23, được hỗ trợ bởi chất lượng tài sản vững chắc, thu nhập từ phí cải thiện và tỷ lệ chi phí tín dụng giảm mạnh.

Đợt điều chỉnh gần đây của thị trường đã đưa định giá ngành ngân hàng xuống mức hấp dẫn với 1,3 lần P/B 2022, thấp hơn 35% so với mức trung bình 3 năm là 2,0 lần. Những lo ngại của thị trường về lạm phát và nợ xấu gia tăng đã làm ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư đối với triển vọng ngành ngân hàng kể từ đầu năm. Hơn nữa, tâm lý thị trường đối với nhóm ngân hàng còn bị ảnh hưởng hơn khi thị trường vốn bắt đầu chịu sự giám sát chặt chẽ hơn, bất chấp mục đích để cải thiện tính minh bạch và bền vững của thị trường vốn trong dài hạn.

Các ngân hàng sẽ có đủ khả năng để vượt qua khó khăn này nhờ chất lượng tài sản vững chắc và khả năng kiểm soát tốt đối với các mảng cho vay rủi ro cao.

 Bảng so sánh các ngân hàng Việt Nam (thống kê ngày 19/9/2022)

Cũng theo báo cáo, chất lượng tài sản của các ngân hàng đã phần nào giảm sút do hệ quả của đại dịch. Tỷ lệ nợ xấu trung bình tăng lên 1,34% vào cuối quý 2/2022 so với mức 1,28% vào cuối năm 2021. Trong khi đó, hầu hết tỷ lệ bao nợ xấu (LLR) của các ngân hàng đều giảm so với mức vào cuối năm 2021, ngoại trừ Vietcombank.

Đã có những lo ngại về rủi ro nợ xấu tăng đột biến sẽ xảy ra trong nửa cuối năm 2022 khi Thông tư 14 không còn hiệu lực vào cuối tháng 6/2022. Tuy nhiên, vấn đề này sẽ không đáng lo vì chất lượng tài sản của các ngân hàng Việt Nam đã được cải thiện mạnh mẽ để đối phó với rủi ro này. Các ngân hàng đã tăng trích lập dự phòng rất mạnh mẽ và tỷ lệ bao nợ xấu đã đạt mức cao nhất lịch sử trong thời gian qua, báo cáoVNDirect nêu.

 

Khoảng 18 ngân hàng thương mại được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng

NHNN đã tăng thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng trong đầu tháng 9 vừa qua. Nhìn chung, trong đợt cấp tín dụng này, NHNN đã ưu tiên các NHTM có cơ cấu tín dụng lành mạnh (tỷ trọng cho vay các phân khúc rủi ro như bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp thấp và/hoặc tỷ trọng cho vay bán lẻ cao), tham gia cơ cấu lại các tổ chức tài chính yếu kém, chất lượng tài sản lành mạnh và tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cao - đơn cử như MBB, HDB, VIB, Agribank... Đáng chú ý, STB được hạn mức cao nhất là 4%, cao hơn kỳ vọng của thị trường.

18 NHTM được cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng dưới đây chiếm khoảng 80% tín dụng hệ thống. Theo ước tính của chúng tôi, với hạn mức tín dụng mới, tổng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt khoảng 13% vào cuối năm – tiệm cận với mục tiêu 14% của NHNN (lưu ý rằng 20% thị phần tín dụng còn lại không được phản ánh trong tính toán của chúng tôi). Vì vậy, với mục tiêu hàng đầu là kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô hiện nay, chúng tôi thấy cơ hội để có thêm một đợt tăng hạn mức tín dụng nữa từ giờ cho đến hết năm là khá hạn chế.